Ngành chăn nuôi tỉnh Hải Dương những năm qua luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tuy phát triển đa dạng nhưng chăn nuôi gia cầm đang có nhiều thế mạnh nhờ hiệu quả kinh tế cao, trong khi đó chăn nuôi lợn còn bộc lộ một số điểm yếu, đặc biệt là chất lượng con giống thấp. Để giải quyết tốt về chất lượng con giống lợn nái đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi sản xuất hàng hóa, Sở Nông nghệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai đề tài: “Xây dựng mô hình ứng dụng TBKT nuôi lợn nái dòng VCN21, VCN22 nhằm tăng năng suất, chất lượng thịt trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
Dòng lợn bố mẹ VCN21, VCN22 được tạo từ các dòng lợn cụ kỵ có nguồn gốc PIC như VCN01, VCN02, VCN 04 và VCN05 được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất ra lợn cái ông bà VCN11; VCN 12 (C1050; C1230 cũ); 2 dòng này được phối với VCN03 (Duroc) từ đó sản xuất ra lợn cái bố mẹ VCN 21; VCN 22 (CA và C22 cũ) và được phối với dòng đực VCN23 (402 cũ) để tạo ra đàn lợn thương phẩm 4 và 5 dòng.Đây chính là kết quả của việc sử dụng ưu thế lai trong việc tạo ra con thương phẩm 4 và 5 dòng có năng suất và chất lượng cao,khả năng tăng trọng nhanh, tỉ lệ nạc cao và tiêu tốn thức ăn thấp, đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện nay.
Hai dòng lợn nái này được tạo ra từ các giống lợn ngoại cao sản Yorshike, Landrace, Meishan, Duroc, Peitrain nên về bản chất nó mang hoàn toàn máu lợn ngoại. Do đó, về đặc điểm ngoại hình chúng thuộc loại hình hướng nạc - mỡ, độ dài mình vừa phải, trán rộng, tai to mỏng, màu lông da trắng tuyền,...thể chất tương đối khoẻ mạnh và thích nghi khá tốt với điều kiện khí hậu nước ta. Đàn lợn thương phẩm tạo ra có khả năng tiêu tốn thức ăn thấp (dưới 2,5kg), tăng trọng cơ thể nhanh (trên 750g/ngày) và khả năng chống chịu bệnh tật tốt, tỷ lệ nạc cao (trên 60%), giá thành sản phẩm hạ và đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Hiện nay đang được nuôi phổ biến trong các trang trại lớn ở các tỉnh như Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nam... đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác tối đa ưu thế lai của nó mang lại.
Ban chủ nhiệm đề tài đã khảo sát các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn tại các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Ninh Giang, Kinh Môn và TP Hải Dương và lựa chọn được 6 trang trại, gia trại tham gia thực hiện mô hình của đề tài tại huyện Cẩm Giàng và TP Hải Dương. Năm 2014, đề tài đã triển khai với quy mô 30 con lợn nái tại 6 hộ gia đình, mỗi hộ 5 con để nuôi. Kết quả theo dõi về khả năng sinh trưởng, phát dục của lợn cái hậu bị dòng VCN21, VCN22 cho thấy: tuổi động dục lần đầu của lợn cái hậu bị dòng VCN21 là 230,6 ngày; dòng VCN22 là 228,3 ngày; tuổi phối giống lần đầu lần lượt là 254,9 và 251,7 ngày. Đối với lợn cái hậu bị việc xác định tuổi phối giống lần đầu rất quan trọng trong việc lập kế hoạch đưa gia súc vào làm giống. Chỉ tiêu này đánh giá được tuổi đưa cái hậu bị vào chu trình khai thác có thích hợp hay không. Nếu đưa vào khai thác sớm thì thể vóc chưa hoàn thiện sẽ ảnh hưởng tới khả năng, tính năng sản xuất của nái sau này. Nếu đưa vào nuộn sẽ lãng phí thời gian khai thác, lãng phí về chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng không đem lại hiệu quả kinh tế.
Qua theo dõi thực tế, tuổi đẻ lứa đầu của dòng VCN22 là 366,6 ngày sớm hơn dòng VCN21 là 369,2 ngày. Do thời gian mang thai ít bị chi phối bởi điều kiện ngoại cảnh và phụ thuộc chủ yếu vào đặc tính sinh lý của mỗi loài. Dòng VCN22 là dòng mang nguồn gen của dòng mẹ L95 (Meishan tổng hợp) nên có tuổi phối giống lần đầu và tuổi đẻ lứa đầu sớm hơn dòng VCN21 mang nguồn gen của dòng mẹ L06 (Landrace). Kết quả về năng suất sinh sản của hai dòng lợn nái ngoại bố mẹ VCN21, VCN22 ở lứa 1 cho thấy số con sơ sinh/ổ của lợn nái dòng VCN21 là 10,7 con thấp hơn dòng VCN22 là 11 con. Số con sơ sinh sống/ổ của lợn nái dòng VCN21, VCN22 lần lượt là 9,93 và 10,2 con/ổ.
Kết quả theo dõi về tiêu tốn thức ăn của lợn nái ngoại bố mẹ dòng VCN21, VCN22 cho thấy: tiêu tốn thức ăn/kg lợn con cai sữa ở hai dòng VCN21, VCN22 lần lượt là 5,66kg và 5,88kg. Như vậy, mức tiêu tốn thức ăn/kg lợn con cai sữa của dòng VCN21 giảm 0,22kg so với dòng VCN22, song mức chênh lệch này không nhiều. Trong các giai đoạn của quá trình nuôi, lượng thức ăn tiêu thụ của dòng VCN22 cũng đều cao hơn dòng VCN21.
Đánh giá khả năng sinh trưởng của lợn thương phẩm tạo ra từ 2 dòng nái VCN21, VCN22 phối với đực giống Pi4 cho kết quả khả quan. Con lai của dòng VCN21 ở 166 ngày đạt khối lượng 99,4kg; dòng VCN22 là 164 ngày đạt khối lượng 94,37kg. Lợn lai dòng VCN21 có khả năng sinh trưởng cao hơn con lai của dòng VCN22, thể hiện rõ ở chỉ tiêu tăng trọng của con lai dòng VCN21 là 765,15 gram/ngày, của con lai dòng VCN22 là 728,35 gram/ngày. Kết quả nghiên cứu trên khẳng định mức sinh trưởng của con lai dòng VCN21 và VCN22 là tương đối tốt. Đây là một chỉ tiêu quan trọng trong chăn nuôi lợn thịt. Cường độ sinh trưởng cao sẽ rút ngắn được thời gian nuôi thịt, giảm chi phí thức ăn, nâng cao hiệu quả kinh tế. Về tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng lợn con từ cai sữa đến 60 ngày tuổi của hai dòng VCN21 là 1,34 kg thức ăn/kg tăng khối lượng, dòng VCN22 là 1,39 kg thức ăn/kg tăng khối lượng.
Qua một năm triển khai đề tài đã đánh giá bước đầu về năng suất sinh sản của lợn nái và khả năng sinh trưởng của lợn thương phẩm tạo ra từ lợn nái VCN21, VCN22. Kết quả nghiên cứu của đề tài này cho thấy về cơ bản trong chăn nuôi trang trại tại Hải Dương có thể đưa lợn nái ngoại dòng VCN21, VCN22 vào cơ cấu để lai tạo tạo ra đàn lợn thương phẩm có năng suất, chất lượng cao, chất lượng thịt tốt, đem lại hiệu quả kinh tế.
Anh Nguyên