Triệu chứng:
Rệp vẩy có màu trắng, đủ loại kích cỡ, con to nhất bằng con bọ rùa đỏ trên lúa và mang hình bán cầu, tập trung ở sát 2 mé các gân chính và phụ, nhất là gân chính, mặt trên của lá, cậy vẩy lên và bóp nhẹ thì có nước nhầy màu đỏ. Hai mặt của lá, nhất là mặt trên và phần cành non có lớp bồ hóng bám dày trạt, những ngày thời tiết ấm còn xuất hiện nhiều kiến đen và một số loại ong.
Nguyên nhân, đặc điểm phá hại và lây lan:
Trước đây, xoài hay bị nấm bồ hóng gây hại ở thời kỳ mang hoa và đậu quả do rệp sáp, muội, bọ xít. Nay lại sớm xuất hiện rệp vẩy và nấm bồ hóng, chứng tỏ do diễn biến bất hường của thời tiết. Rệp phát sinh từ tầng tán thấp trở lên, ở cây tốt sum suê.
Rệp vẩy chích hút dưỡng chất của cây, chất bài tiết làm xuất hiện nấm bồ hóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quang hợp. Kiến đen và ong ngoài ăn theo còn phát tán trứng hoặc mầm mống của rệp đi khắp cây và các nơi. Ngoài ra, rệp vẩy còn lan truyền nhờ gió mưa và các hoạt động của con người.
Biện pháp khắc phục:
- Dùng thang hoặc ghế cao vặt tỉa sát cuống những lá có nhiều rệp đu bám và tập trung đem đốt tiêu hủy, đồng thời cần chặt số cành lá nhằm tạo độ thông thoáng.
- Cần tưới bù nước ngày 1 lần, trong 10 ngày liền. Ngoài ra, nông dân nên hòa tưới kali Phú Mỹ ở lượng 150gr/gốc/lần, tưới 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 ngày.
- Dùng thuốc ANBOOM40EC và chất bám dính HPC để phun trừ, pha 8 - 15 ml thuốc và 1 gói bám dính HPC loại 20 ml với 8 lít nước, phun đẫm đều cho khoảng diện tích 100 m2 tán lá, phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 - 3 ngày.
Chú ý: Dù tưới dưỡng nước, kali hay phun thuốc hóa học đều cần thực hiện vào chiều mát không mưa. Trước khi phun thuốc phải đóng cửa nhà, che đậy, thu dọn các đồ vật... để không bị ảnh hưởng.
Theo Báo Hải Dương