Hiện nay, bộ giống lúa chủ lực tại vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Bắc là hai giống lúa Q5 và Khang dân 18 (KD 18). Vì tính thích ứng của 2 giống lúa này rộng và cho năng suất ổn định. Nhưng 2 giống này cũng có nhiều nhược điểm như: chất lượng gạo kém, hàm lượng amyloza cao (>23%), chất lượng thương phẩm thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh kém (nhiễm đạo ôn và rầy nâu nặng). Vì vậy, cần phải có những giống lúa có năng suất, chất lượng khá, khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt hơn để thay thế dần 2 giống lúa trên.
Xuất phát từ ý tưởng đó, trong nhiều năm qua Bộ môn Chọn giống lúa cho vùng khó khăn, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) đã chọn tạo được giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, năng suất cao tương đương Q5, KD18, chất lượng gạo cao hơn Q5, KD18, cứng cây hơn KD18 và khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt hơn Q5, KD18.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Miền - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm)đã nghiên cứu thực hiện đề tài: Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa Gia Lộc 105 tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nambằng phương pháp tạo giống lai tạo và chọn lọc theo phương pháp phả hệ (pedigree) đã tiến hành việc lai tạo giữa 2 tổ hợp: P6/Xi23 (F5)//IRBB7/Q5 (F1).
Từ vụ xuân 2012 đến vụ mùa 2013 giống lúa Gia lộc 105 đã được khảo nghiệm sản xuất tại nhiều địa phương của vùng ĐBSH và bắc Trung bộ. Các biện pháp chăm sóc tương tự như giống lúa Q5.
Tại Thái Bình năng suất giống lúa Gia Lộc 105 vụ xuân năm 2013 đạt 75,8 tạ/ha cao hơn năng suất giống lúa BC15 (70,5 tạ/ha) ít bị nhiễm đạo ôn như giống lúa BC15, ít mẫn cảm với điều kiện thời tiết bất thuận như giống lúa BC15, khả năng kháng sâu bệnh hại tốt hơn hẳn giống lúa BC15. Tuy nhiên với thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống lúa BC15 (10 ngày), chất lượng gạo tương đương với giống lúa BC15 giống lúa Gia Lộc 105 hoàn toàn có ưu thế phát triển tại tỉnh Thái Bình.
Tại Bắc Ninh trong nhiều năm qua giống lúa chủ lực vẫn chủ yếu là Q5, KD18 tuy nhiên 2 giống lúa này chất lượng gạo thấp, yếu cây, mức chống chịu sâu bệnh hại kém. Năm 2012 khi đưa giống lúa Gia Lộc 105 khảo nghiệm đã cho năng suất tương đương với giống lúa Q5 nhưng khả năng chống chịu sâu bệnh hại và chất lượng thì hơn hẳn 2 giống lúa Q5 và KD18. Vụ xuân năm 2013 cho thấy sức sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng chịu rét tốt, tỷ lệ chắc cao, năng suất đạt 76,4 tạ/ha cao hơn giống lúa Q5 (74,6 tạ/ha). Vụ mùa năm 2013 giống lúa Gia Lộc 105 sinh trưởng, phát triển tốt, sạch sâu bệnh hơn giống lúa Q5. Thời gian sinh trưởng tương đương giống Q5. Năng suất đạt 71,3 tạ/ha cao hơn giống lúa Q5 (69,5tạ/ha). Vụ xuân giống lúa Gia Lộc 105 có khả năng chịu rét tốt, khả năng đẻ nhánh khá, độ dài bông trung bình nhưng mật độ bông cao, tỷ lệ chắc cao, khối lượng 1000 hạt lớn. Năng suất của giống lúa Gia Lộc 105 vụ xuân năm 2013 tại Quảng Ninh đạt 73,2 tạ/ha cao hơn giống lúa Q5 (72,1 tạ/ha) ở mức không có ý nghĩa tuy nhiên chất lượng gạo của giống lúa Gia Lộc 105 cao hơn hẳn giống lúa Q5.
Tại Quảng Ninh giống lúa Gia Lộc 105 trong vụ mùa năm 2013 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh khá. Giống có hiện tượng vàng lá sinh lý giai đoạn lúa phân hóa đòng tuy nhiên không ảnh hưởng đến năng suất. Thời gian lúa trỗ tập chung từ 3 - 4 ngày. Tỷ lệ chắc cao, chống chịu sâu bệnh hại khá. Năng suất vụ mùa tại Quảng Ninh đạt 69,1 tạ/ha cao hơn giống Q5 (67,5 tạ/ha). Giống lúa Gia Lộc 105 trong vụ xuân năm 2013 cho năng suất đạt 71,5 tạ/ha, giống sinh trưởng phát triển tốt, ít nhiễm đạo ôn hơn giống lúa Q5, khả năng chịu rét tốt hơn giống lúa Q5. Thời gian sinh trưởng của giống lúa Gia Lộc 105 (108 ngày) gần tương đương với giống lúa Q5 (110 ngày), ít bị nhiễm rầy nâu và bạc lá. Chất lượng gạo cao hơn giống lúa Q5, cơm ăn mềm, đậm, khả năng thích ứng rộng.
Tại Quảng Bình giống lúa Gia Lộc 105 đã cho năng suất cao, chất lượng khá, khả năng chống đổ và chịu rét tốt hơn giống lúa KD18. Vụ xuân năm 2013 năng suất của giống lúa Gia Lộc 105 đạt 70,1 tạ/ha cao hơn giống lúa KD18 (62,2 tạ/ha) ở mức có ý nghĩa. Trong điều kiện vụ hè thu năm 2013 tại Quảng Bình giống lúa Gia Lộc 105 có thời gian sinh trưởng dài hơn giống lúa KD18 là 5 ngày. Khả năng chịu nóng tốt, khá sạch bệnh. Năng suất trung bình đạt 60,5 tạ/ha cao hơn giống đối chứng KD18 (55,4tạ/ha). Chất lượng của giống lúa Gia Lộc 105 cao hơn hẳn giống lúa KD18, cơm ăn mềm, giòn và đậm.
Tại Hải Dương, vụ xuân năm 2014 giống lúa Gia Lộc 105 đã được xây dựng mô hình trình diễn 50 ha tại 4 huyện Nam Sách, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện cho thấy giống lúa Gia Lộc 105 có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, khả năng sinh trưởng phát triển tốt, thân lá đứng, cứng, gọn màu xanh đậm, ít nhiễm sâu bệnh hại, chịu rét và chống đổ tốt. Tỷ lệ chắc cao, chiều dài bông trung bình nhưng mật độ bông/m2 cao. Năng suất cao và ổn định, chất lượng gạo cao hơn hẳn giống lúa KD18. Giống lúa Gia Lộc 105 có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh hại khá, ít nhiễm rầy nâu và bạc lá. Năng suất bình quân đạt 67,7 tạ/ha cao hơn giống đối chứng KD18 (64,1 tạ/ha). Vụ Xuân có thời gian sinh trưởng từ 130 đến 135ngày, vụ Mùa có thời gian sinh trưởng từ 105 đến 110ngày.Chiều cao cây trung bình101,6cm. Dạng hình cây gọn đẹp; lá đòngnhỏ,đứng,cứng, xanh đậm. Thời gian trỗ thoát tập trung từ 3 - 4 ngày, thời gian hạt vào chắc khá nhanh từ 25 - 28 ngày. Tỷ lệ chắc cao đạt từ 89 - 90%. Giống lúa Gia Lộc 105 có thời gian sinh trưởng ngắn ngày hơn so với giống lúa Q5 (5 ngày), ngắn hơn giống lúa P6 (15 ngày). Giống lúa Gia Lộc 105 có chiều dài bông từ 22 - 23 cm, xếp hạt trung bình, dạng hạt bầu dài, vàng sáng. Khả năng đẻ nhánh khá từ 5 - 6 dảnh hữu hiệu/ khóm. Số hạt/bông đạt 155±10 hạt/ bông, tỷ lệ hạt lép thấp từ 10 - 11% và khối lượng 1000 hạt/25 gram, số bông hữu hiệu đạt 230 - 260 bông/m2.
Kết quả khảo nghiệm tại các vùng sinh thái khác nhau cho thấy giống lúa Gia Lộc 105 là một giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích ứng rộng, độ thuần tốt, năng suất cao và ổn định qua các vụ khảo nghiệm, chất lượng gạo khá, khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt. Giống lúa Gia Lộc 105 năng suất trung bình 63,1 tạ/ha trong vụ mùa, 73,3 tạ/ha trong vụ xuân. Giống đã thể hiện có khả năng chống chịu tốt đối với một số loại sâu bệnh hại chính, đặc biệt là với rầy nâu, chống đổ tốt, cơm gạo ngon hơn Q5, KD18 tương đương BC15. Đây là những ưu thế để giống lúa Gia Lộc 105 tiếp tục được phát triển và nhân rộng trong sản xuất tại các tỉnh phía Bắc.Tuy nhiên giống lúa Gia Lộc 105 kháng vừa rầy nâu, nhiễm nhẹ bệnh bạc lá và khô vằn do đó cần bón phân cân đối và phòng trừ sâu bệnh kịp thời nhằm hạn chế việc ảnh hưởng của sâu bệnh hại đến năng suất và chất lượng của giống.
Đề tài Nghiên cứu Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa Gia Lộc 105 tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam của Thạc sỹ Nguyễn Thị MiềnTrung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) đã đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật Việt Nam năm 2014.
Hải Ninh