Hội nghị tổng kết đề tài Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lạc đỏ ba nhân

Đề tài “Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lạc đỏ 3 nhân nhằm duy trì chất lượng, nâng cao năng suất trên một số địa bàn tỉnh Hải Dương” do Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng tỉnh Hải Dương thực hiện từ năm 2012 – 2014. KS. Lê Thị Bảy, Phó giám đốc Trung tâm làm chủ nhiệm đề tài.
Hội nghị tổng kết đề tài Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lạc đỏ ba nhân

Qua 3 năm thực hiện, đề tài đã xác định được 26 tính trạng của giống lạc đỏ ba nhân, trong đó có nhiều tính trạng thể hiện những ưu điểm nổi bật như: quy luật ra hoa liên tục, bề mặt quả nhẵn, số hạt/quả nhiều, màu vỏ hạt đỏ. Tuy nhiên, qua thời gian canh tác, giống đã bị thoái hóa do không được chọn lọc, dẫn đến hiện tượng phân ly các tính trạng đặc trưng và tỷ lệ nhiễm một số bệnh hại chính như héo xanh vi khuẩn, thối đen cổ rễ và thối thân. Vì thế, hướng phục tráng của đề tài là chọn thuần các tính trạng bị phân ly, chọn dòng sạch bệnh, tăng tỷ lệ quả từ 3 hạt trở lên.

Từ 32 kg giống lạc địa phương ban đầu, Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng đã đánh giá và lựa chọn qua các dòng G1, G2 để hỗn thành lô giống siêu nguyên chủng, đưa vào sản xuất được 2,2 tấn củ giống nguyên chủng phục vụ cho sản xuất đại trà.

Vụ xuân năm 2014, Trung tâm đã xây dựng mô hình trình diễn giống lạc đỏ 3 nhân đã phục tráng tại 2 địa điểm: xã Duy Tân huyện Kinh Môn và xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ với quy mô 10ha. Giống lạc đỏ 3 nhân được phục tráng cho năng suất cao hơn giống lạc địa phương trên 20%. Hiệu quả kinh tế mô hình tăng 31,3 triệu đồng/ha.

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục duy trì, lưu giữ nguồn gen của giống lạc đỏ ba nhân và đi vào sản xuất giống đại trà phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân địa phương.

Anh Nguyên

SAO KHÔNG CO ẢNH


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây