Mô hình nuôi cá trắm cỏ năng suất cao ở xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang

Xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Trong những năm gần đây, các hộ nuôi thủy sản đã lựa chọn đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản, từ những giống cá truyền thống như cá trôi, cá trắm, cá chép, cá mè, đến những giống cá mới như cá rô phi đơn tính…, với hình thức nuôi phong phú như xen canh, bán thâm canh và thâm canh. Và mô hình trồng cỏ cao sản để nuôi thâm canh giống cá trắm cỏ hiện đang được nhiều hộ nuôi áp dụng là một mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi cá trắm cỏ năng suất cao ở xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang

Gia đình chị Phạm Thị Hương, thôn Thuần Lương, xã Hùng Thắng có ao nuôi cá với diện tích 6 sào mặt nước. Chị Hương cho biết, ao nuôi được thả 2 loại là cá trắm và cá trôi với số lượng 400 con mỗi loại. Thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ, thóc mầm, có bổ sung cám công nghiệp. Sau thời gian 8 tháng nuôi, cá trắm cỏ đạt trọng lượng từ 4-6kg/con, cá trôi đạt trọng lượng 1kg/con, sản lượng thu hoạch toàn ao đạt 1,8 – 2 tấn cá trắm và 0,4-0,5 tấn cá trôi. Giá bán trên thị trường dao động từ 62.000 – 65.000 đồng/kg cá trắm và 30.000 đồng/kg cá trôi. Năm 2014, ao nuôi của gia đình chị cho tổng thu nhập 147 triệu đồng, trừ chi phí các loại, chị thu lãi 60 triệu đồng.

Cũng ở thôn Thuần Lương, gia đình chị Phạm Thị Huế nuôi thâm canh cá trắm cỏ với 2 ao nuôi, trong đó 1 ao có diện tích 2 sào làm ao ương cá giống, ao to với diện tích 7,5 sào để nuôi thâm canh. Chị Huế lựa chọn công thức nuôi ghép 700 con cá trắm + 200 con cá chép + 300 con cá trôi trong mỗi đợt nuôi. Thức ăn cho các loại cá đều là cỏ non và thóc mầm. Do cá giống đã được ương nuôi với kích cỡ to hơn, nên khi đưa sang ao nuôi thương phẩm chỉ sau 6 tháng đã cho thu hoạch. Cá trắm cỏ đạt trọng lượng 3,5 kg/con. Tổng nguồn thu từ 2 ao nuôi, chị Huế thu được 140 triệu đồng, trừ chi phí còn cho thu lãi 80 triệu đồng/lứa. Như vậy, mỗi năm gia đình chị Huế thu lãi trên 150 triệu đồng từ mô hình này.

Theo kỹ sư Nguyễn Hữu Học – Trưởng phòng Hỗ trợ nông dân (Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh), mô hình nuôi cá trắm cỏ của các hộ nuôi thuỷ sản xã Hùng Thắng đạt hiệu quả tốt là nhờ các hộ đã nắm vững kỹ thuật quản lý chất lượng nước ao nuôi và trồng cỏ cao sản. Người nuôi đã biết cách kết hợp hài hòa giữa yếu tố kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, thức ăn và con giống trong chăn nuôi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhiều mô hình nuôi thủy sản với các đối tượng nuôi khác nhau, trong đó có nhiều địa phương khác đang đi sâu vào nuôi cá Rô phi đơn tính. Tuy nhiên, cá Rô phi chủ yếu ăn cám công nghiệp nên mức đầu tư chi phí thức ăn cao khiến những hộ chăn nuôi có nguồn vốn ít sẽ khó khăn trong việc mở rộng quy mô. Thứ hai là nguồn cung cấp giống cá Rô phi đơn tính chất lượng tốt không nhiều (hiện chỉ có Công ty TNHH MTV giống cây trồng Hải Dương và Trung tâm quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Bắc cung cấp được nguồn giống đảm bảo chất lượng); phần lớn người nuôi cá rô phi thường mua cá giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, làm cho tỷ lệ hao hụt nhiều, thậm chí cá đẻ trứng ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng, phát triển dẫn đến giảm sản lượng và chất lương cá thịt. Trong khi đó nuôi các đối tượng truyền thống như cá trắm cỏ, cá trôi có thể tận dụng các diện tích bờ ao, bãi hoang để trồng cỏ cao sản, các sản phẩm nông nghiệp như thóc mầm, lá các loại rau, củ,… giúp giảm rất nhiều chi phí trong chăn nuôi thủy sản. Chính vì vậy, mô hình nuôi cá trắm cỏ thâm canh hoặc bán thâm canh là một lựa chọn phù hợp với điều kiện nuôi thuỷ sản tận dụng phụ phẩm nông nghiệp mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để áp dụng thành công mô hình này, các hộ nuôi thuỷ sản cần tuân thủ đúng quy trình xử lý môi trường ao nuôi. Trước hết, khâu tẩy dọn ao phải làm thật tốt. Chuẩn bị ao theo các bước: tát cạn, vét bớt bùn, rắc vôi, phơi ao, bón lót cho ao phân chuồng hoai mục và cả phân xanh rồi mới cho nước vào. Nước cấp vào ao cần được lọc qua đăng hoặc qua lưới để loại trừ các loài cá dữ hay cá tạp lọt vào ao. Luôn giữ cho nguồn nước của ao không bị ô nhiễm, phải vớt các phần thức ăn dư thừa hàng ngày để giữ sạch cho nước. Khi có biểu hiện không tốt về môi trường cần kịp thời xử lý môi trường bằng vôi bột hoặc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học được phép của Bộ NN & PTNT.

Anh Nguyên


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây