Công ty TNHH thương mại dịch vụ Rồng Đỏ ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm của 2 mô hình, xuất khẩu chào hàng tại các thị trường mới: Mỹ, Úc, Anh, Sigapore, Canada và một số nước Châu Âu với sản lượng 15 tấn. Lượng còn lại xuất bán thị trường Trung Đông và tiêu thụ nội địa. Doanh nghiệp thu mua vải xuất khẩu đi Mỹ với giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm 2.000 đồng/kg đã tạo được sự hào hứng, phấn khởi trong các hộ tham gia mô hình trồng vải xuất khẩu đi Mỹ và bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Việc thu mua vải giá cao của công ty TNHH thương mại dịch vụ Rồng Đỏnăm 2015 đã góp một phần nâng cao giá bán vải chung toàn tỉnh lên 20% so với năm 2014.
Nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp nâng cao giá trị sản xuất cây vải, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành kế hoạch mở rộng mô hình sản xuất vải an toàn xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU năm 2016. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng thành công 10 mô hình với diện tích 100ha sản xuất vải tập trung đáp ứng các yêu cầu của Mỹ, Úc và EU về sản phẩm vải an toàn.Áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hái, sơ chế, đóng gói ... để triển khai tổ chức sản xuất.Tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải và các sản phẩm nông sản chủ lực tại Hải Dương và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại vải thiều tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để quảng bá, giới thiệu vải thiều.
Mô hình sản xuất vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU năm 2016có quy mô 20 ha vải sớm, 60ha vải thiều tại Thanh Hà và 20 ha vải thiều tại Chí Linh được Cục Bảo vệ thực vậtcấp mã số vùng trồng theo quy định.Đây là những vùng vải sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, xa khu dân cư; người dân có trình độ thâm canh tốt, có ý thức đầu tư chăm sóc vải đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tự nguyện tham gia mô hình và tự nguyện bán sản phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu.Các hộ tham gia mô hình được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất vải theo VietGAP, đặc biệt là yêu cầu về sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh hại vải.Ngoài kinh phí hỗ trợ sản xuất vải VietGAP thuộc các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nông dân tham gia mô hình sản xuất Vải xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU được hỗ trợ8 triệu đồng/ha (tương đương 50% kinh phí) mua thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của cơ quan Bảo vệ thực vật để phòng trừ các loại sâu bệnh cho vải trong mô hình, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu Mỹ, Úc, EU; Hỗ trợ 500 ngàn đồng/ha (tương đương 30% kinh phí) mua túi bao gói để nông dân bao gói quả trước thu hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, Úc. EU.
UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều và một số nông sản chủ lực tại Hải Dương; mời các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đến thăm vùng sản xuất, hội thảo bàn biện pháp tiêu thụ.Tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn …do các Bộ, ngành, địa phương tổ chức để tìm kiếm thị trường, mở rộng xuất khẩu.
Sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VIETGAP mặc dù còn mới mẻ đối với sản xuất vải thiều của Hải Dương, song những thành công bước đầu của Dự án đã tạo được tiền đề quan trọng trong sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm – là hướng phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp. Thành công của mô hình vải xuất khẩu đi Mỹ và một số thị trường khác đã tạo được sự tin tưởng lớn của người trồng vải các địa phương để nông dân tiếp tục tham gia mô hình cung cấp sản phẩm được sản xuất với kỹ thuật cao, đảm bảo an toàn để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu, góp phần nâng cao giá trị vải thiều trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thị Ánh