sản xuất hạt giống F1 lúa lai 2 dòng, 3 dòng

DỰ ÁN ÁP DỤNG THÀNH TỰU CÔNG NGHỆ SINH HỌC DUY TRÌ BỐ, MẸ ĐỂ SẢN XUẤT HẠT GIỐNG F1 LÚA LAI 2 DÒNG, 3 DÒNG; KHẢO NGHIỆM VÀ SẢN XUẤT THỬ CÁC GIỐNG LÚA TBKT ĐỂ BỔ SUNG VÀO CƠ CẤU MÙA VỤ CỦA TỈNH

Chủ nhiệm dự án:

- Các năm 2002-2003: KS. Mao Xuân Nung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

- Năm 2004: CN. Tăng Minh Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện chính:

- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

- Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam.

- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số HTX nông nghiệp thuộc các huyện: Cẩm Giàng, Nam Sách, Tứ Kỳ, Chí Linh, Ninh Giang, Kim Thành, Kinh Môn.

Thời gian thực hiện: 01/2002 - 12/2004.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Xuất sắc.

Được tặng giải B Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn - Hải Dương lần thứ 2 năm 2006.

I. MỤC TIÊU

- Áp dụng thành công công nghệ sinh học duy trì và làm thuần hạt giống bố, mẹ để sản xuất hạt giống F1 lúa lai 2 dòng, 3 dòng phục vụ sản xuất lúa lai trong tỉnh.

- Sản xuất giống F1 lúa lai 2 dòng, 3 dòng tại các hộ nông dân từ giống bố, mẹ do Dự án của tỉnh duy trì để thực hiện công nghệ, đào tạo cán bộ kỹ thuật, làm cơ sở để mở rộng sản xuất giống F1 phục vụ sản xuất lúa lai trong tỉnh.

- Khảo nghiệm và sản xuất thử các giống lúa TBKT để bổ sung vào cơ cấu mùa vụ của tỉnh.

- Xây dựng mô hình nhân lọc và sản xuất các giống lúa đặc sản, lúa TBKT để mở rộng vùng giống lúa nhân dân.

- Phối hợp với đề tài KC.06.23.NN xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, phát triển lúa lai trong toàn tỉnh.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Duy trì bố, mẹ lúa lai 2 dòng, 3 dòng

1.1. Nội dung, thời vụ, quy mô, địa điểm thực hiện

a. Duy trì bố, mẹ lúa lai 2 dòng: mẹ 64S, bố Bồi tạp sơn thanh (BTST); thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình.

- Quy mô thực hiện: 0,5 ha x 3 vụ = 1,5 ha.

- Thời vụ: vụ xuân 2002, 2003, 2004.

- Địa điểm: Xí nghiệp giống lúa Tứ Kỳ.

b. Duy trì từ bố, mẹ lúa lai 3 dòng: mẹ BoA, bố duy trì BoB và bố phục hồi quế 99; thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình.

- Quy mô thực hiện: 0,5 ha x 3 vụ = 1,5 ha.

- Thời vụ: vụ mùa năm 2002, 2003, 2004.

- Địa điểm: Xí nghiệp giống lúa Tứ Kỳ.

1.2. Kết quả thực hiện.

- Duy trì nhân dòng thành công bố mẹ lúa lai 2 dòng và 3 dòng.

+ Đối với lúa lai 2 dòng:

Dòng lúa bố, mẹ cặp lại 2 dòng BTST, HD1, HD2. Trong đó, mẹ là 64S, bố là BTST, Q5, NĐ3.

Xác định được thời vụ duy trì thích hợp đối với mẹ 2 dòng 64S tốt nhất là 15 - 20/12.

Xác định cơ bản đặc tính sinh học của dòng mẹ 64S và một số dòng bố có triển vọng. Số lá của dòng mẹ 64S là 13 lá; dòng bố BTST: 15; NĐ3: 15; R77: 15,5; E32: 17; VHC: 15; NPT5: 16.

Sản xuất thành công tổ hợp lai F1 lúa lai 2 dòng Bồi tạp sơn thanh HD1, HD2 tại hộ nông dân cho năng suất khá và độ thuần đảm bảo.

+ Đối với cặp lúa lai 3 dòng:

Duy trì nhân dòng thành công dòng lúa mẹ BoA, duy trì dòng bố BoB và dòng phục hồi phấn Quế 99, 253.

Xác định khoảng thời vụ thích hợp để duy trì và nhân dòng BoA, BoB và R ở vụ mùa với thời vụ tốt nhất là 14/6 - 1/7.

Xác định được số lá của dòng mẹ BoA là 13 lá, dòng bố BoB: 12, dòng bố Quế 99 và 253 là 15 lá.

Chuyển giao công nghệ sản xuất F1 thành công tại các hộ nông dân với cặp lai Bắc ưu 903 và Bắc ưu 253 với năng suất F1 đạt từ 1,5 - 2,4 tấn/ha.

Từ kết quả của mô hình sản xuất F1, vụ xuân 2005 đã mở rộng sản xuất giống F1 lúa lai 3 dòng Bắc ưu 253 với diện tích 56 ha và 20 ha HYT 83.

- Hoàn thiện được hệ thống quy trình kỹ thuật về duy trì và sản xuất giống F1 lúa lai 2 dòng và 3 dòng. Đó là:

+ Xác định được hậu thời tiết (5 ngày/hậu) của 12 tháng trong vòng 30 năm của tỉnh Hải Dương.

+ Xây dựng hoàn thiện quy trình duy trì và nhân dòng bố, mẹ lúa lai 2 dòng (Bồi tạp sơn thanh, HD1, HD2) và lúa lai 3 dòng (Bắc ưu 903, Bắc ưu 253).

+ Xây dựng hoàn thiện quy trình sản xuất hạt lai F1 lúa lai 3 dòng Bắc ưu 903, Bắc ưu 253 và HYT 83.

+ Xây dựng hoàn thiện quy trình sản xuất hạt lai F1 lúa lai 2 dòng Bồi tạp sơn thanh, HD1, HD2.

- Đào tạo được 24 cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về sản xuất lúa hạt giống lúa lai F1, trong đó có 5 kỹ sư chuyên về duy trì và nhân dòng bố, mẹ lúa lai.

2. Sản xuất hạt giống lúa lai F1 từ giống bố, mẹ do dự án duy trì.

2.1. Sản xuất giống F1 lúa lai 2 dòng Bồi tạp Sơn thanh và HD2.

- Thời gian thực hiện: vụ mùa các năm 2002, 2003, 2004.

- Quy mô thực hiện: 6 ha.

- Địa điểm thực hiện: Xí nghiệp giống lúa Quý Dương, huyện Cẩm Giàng; HTX Bình Xuyên, huyện Bình Giang.

- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình.

- Kết quả thực hiện:

Năm 2002 và năm 2003 các dòng bố và dòng mẹ đã được duy trì sinh trưởng khoẻ, dòng mẹ nhận phấn của dòng bố tương đối đầy đủ, bố mẹ trỗ trùng khớp. Năm 2002 lúa trỗ vào dịp gió Tây, độ ẩm thấp dưới 80%, tỷ lệ hạt lép cao (45%), năng suất thấp: 15,7 tạ/ha. Năm 2003 bố trí mật độ thích hợp, cấy mạ đúng tuổi, gặp thời tiết thuận lợi, năng suất cao: 21 tạ/ha.

Năm 2004: điều chỉnh bố, mẹ trỗ trùng khớp, thời gian ngập úng kéo dài, tỷ lệ đẻ nhánh thấp, số hạt chắc trên bông giảm nên năng suất đạt thấp: 12 tạ/ha.

2.2. Sản xuất giống F1 lúa lai 3 dòng Bắc ưu 903 và Bắc ưu 253.

- Thời gian thực hiện: vụ chiêm xuân 2003, 2004.

- Quy mô thực hiện: 5,5 ha.

- Địa điểm thực hiện: Xí nghiệp giống lúa Quý Dương, huyện Cẩm Giàng; HTX Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng.

- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình.

- Kết quả:

Năm 2003 cặp lai F1 Bắc ưu 903 bố, mẹ được điều khiển trỗ trùng khớp, đạt năng suất cao: 18 tạ/ha. Cặp lai Bắc ưu 253 bố, mẹ trỗ không trùng khớp (bố trỗ trước mẹ 3 ngày), năng suất không cao: 16,7 tạ/ha.

Năm 2004 cặp lai F1 Bắc ưu 903 bố, mẹ trỗ trùng khớp, thời tiết không thuận, gặp gió tây nóng, tỷ lệ hạt lép cao, năng suất đạt 20 tạ/ha. Cặp lai Bắc ưu 253 phát triển khoẻ, gặp thời tiết thuận lợi, bố mẹ trỗ trùng khớp, hạt lai F1 đạt cao: 24,1 tạ/ha.

Dự án đã thành công trong việc lai tạo các cặp lai 3 dòng từ giống bố, mẹ do Dự án duy trì.

3. Sản xuất lúa lai thương phẩm từ hạt lai F1 do dự án tạo ra năm 2003 và vụ xuân năm 2004.

3.1. Vụ xuân 2003-2004.

- Quy mô thực hiện: 15 ha.

- Sản xuất lúa lai thương phẩm giống BTST; đối chứng là Q5.

- Địa điểm: tại các HTX Hợp Tiến, huyện Nam Sách; Ô Mễ, huyện Tứ Kỳ; Tân Trường, huyện Cẩm Giàng.

- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình.

- Kết quả: Qua 2 vụ xuân tại 3 điểm cho thấy, giống BTST thương phẩm được tạo ra từ dòng duy trì đến hạt lai F1 do dự án tạo ra có nhiều ưu điểm hơn giống đối chứng Q5 về số bông hữu hiệu, số hạt chắc/bông nên năng suất đạt từ 65 - 77,4 tạ/ha, cao hơn Q5 từ 1,7 - 13,8%; gạo ngon hơn, độ thuần đồng ruộng đạt 98%, đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

3.2. Vụ mùa 2003-2004.

- Quy mô thực hiện: 15 ha.

- Sản xuất lúa lai thương phẩm Bắc ưu 903, Bắc ưu 253, đối chứng là Mộc tuyền và Xi23.

- Địa điểm: xã Tây Kỳ và Văn Tố, huyện Tứ Kỳ; xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách.

- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình.

- Kết quả: Qua 2 mùa vụ tại 3 điểm của 2 huyện cho thấy, giống Bắc ưu 903 và Bắc ưu 253 thương phẩm được tạo ra từ dòng duy trì đến hạt lai F1 do dự án tạo ra so với giống Mộc tuyền, giống Bắc ưu 903 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn từ 20 - 25 ngày, năng suất cao hơn 25 - 60%, hơn Xi23: 30 - 50%. Thời gian ngập úng của 2 giống đều tốt; riêng giống Bắc ưu 253 vụ mùa 2004 chịu ngập úng tới 12 - 13 ngày vẫn cho năng suất cao tới 7,1 tấn/ha, cao hơn Q5, Xi23 cùng chân đất tới 47 - 50%.

4. Mở rộng diện tích gieo cấy lúa lai F1 thương phẩm 3 dòng Bắc ưu 903 và Bắc ưu 253 từ nguồn giống do Dự án lai tạo.

Vụ xuân năm 2004 dự án lúa lai của tỉnh đã sản xuất được 4,8 tấn giống Bắc ưu 253 và 1,5 tấn giống Bắc ưu 903. Lượng giống trên được đầu tư sản xuất trình diễn trên chân đất vàn trũng vụ mùa năm 2004 với quy mô 200 ha tại các HTX của 4 huyện: Nam Sách (HTX: Nam Đồng, Đồng Lạc, An Châu); Tứ Kỳ (HTX: Đoàn Xá, Lạc Đạo, Nhân Lý, Ngọc Lâm, Tân Kỳ); Thanh Hà (HTX: Hợp Đức, Thanh Cường); Chí Linh (HTX: Tân Dân, Đồng Lạc, Cổ Thành). Hai giống Bắc ưu 903 và 253 sản xuất ở quy mô lớn vẫn đảm bảo có năng suất cao, tính chống chịu ngập úng tốt hơn giống lúa Mộc tuyền, chất lượng gạo hơn hẳn giống lúa Q5.

5. Khảo nghiệm và sản xuất thử các giống lúa TBKT có năng suất cao, chất lượng để bổ sung vào cơ cấu mùa vụ của tỉnh.

5.1. Khảo nghiệm các giống lúa có triển vọng để đưa ra sản xuất thử.

- Phương pháp khảo nghiệm: 10 m2/1ô x 3 lần nhắc lại = 30 m2/giống.

- Phương pháp bố trí thí nghiệm: ngẫu nhiên.

- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình.

- Các giống đưa vào khảo nghiệm:

+ Vụ xuân:

Năm 2002: Lúa thuần năng suất cao: VH1, Q99, đối chứng: Q5; Lúa thuần chất lượng: HT1, TH2, TH3, Đ/C: BT7.

Lúa lai 3 dòng: Nhị ưu 838, Nhị ưu 63; Lúa lai 2 dòng: HD1, HD2, Đ/C: BTST.

Năm 2003: Tập đoàn các dòng bố: 253 VHC, NPT5, E32, ST11, số 1, R77, đối chứng: Q5.

+ Vụ mùa: (vụ mùa năm 2002, 2004 không tiến hành).

Năm 2003: Lúa thuần năng suất cao: QN1, ĐB6, ĐB5, đối chứng: Q5; Lúa thuần chất lượng: HT1, TH2, đối chứng: BT7.

Sau khi khảo nghiệm, một số giống đã được lựa chọn đưa vào sản xuất thử.

5.2. Sản xuất thử một số giống lúa TBKT để bổ sung vào cơ cấu mùa vụ.

- Thời vụ: vụ xuân, vụ mùa các năm 2002, 2003, 2004.

- Giống sản xuất thử: là những giống đã được khảo nghiệm trong tỉnh hoặc đã sản xuất thử ở một số tỉnh được kết luận là có triển vọng.

- Lượng phân bón và các biện pháp kỹ thuật khác như các giống đại trà ở địa phương.

- Địa điểm thực hiện: ở một số HTX trong tỉnh như Thái Học, Thái Dương, Mộ Trạch, Tân Hồng, Tân Việt, Cổ Bì huyện Bình Giang; Đoàn Kết, Chi Lăng Nam, Lê Hồng, Thanh Tường, Đoàn Tùng huyện Thanh Miện; Cẩm Điền, Tân Trường, Cao An huyện Cẩm Giàng; Hợp Tiến huyện Nam Sách và ở Xí nghiệp sản xuất giống lúa Nam Sách.

- Kết quả thực hiện:

+ Kết quả khảo nghiệm so sánh và sản xuất thử các giống lúa TBKT: đã xác định được những giống lúa có triển vọng cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn những giống lúa đại trà của tỉnh. Cụ thể:

Lúa thuần cho năng suất cao ĐB6, QN1 có năng suất cao hơn hẳn giống đối chứng Khang dân từ 15,2 - 22,3%, chất lượng gạo tốt hơn Q5.

Lúa thuần chất lượng: giống TH2, HT1 có năng suất cao hơn hẳn so với giống đối chứng BT7 từ 13 - 14%, đặc biệt giống TH2 có chất lượng gạo ngon hơn giống BT7.

Nhóm giống lúa lai: hai giống lúa lai 2 dòng HD1, HD2 có năng suất cao hơn giống đối chứng BTST 10,3%; so với giống đối chứng Q5 hơn từ 12,7 - 18,7%.

Phối hợp với đề tài KC.06.23 NN sản xuất thử và kết luận được giống HYT83 có năng suất cao hơn Q5 từ 10 - 20%, cho chất lượng gạo ngon.

+ Xác định được giống lúa mới đưa vào cơ cấu mùa vụ của tỉnh là:

Giống lúa thuần năng suất cao: QN1, ĐB6.

Giống lúa thuần chất lượng: TH2, TH1.

Giống lúa lai 2 dòng: hai giống lúa lai 2 dòng HD1, HD2, HYT83.

6. Xây dựng mô hình nhân, lọc và sản xuất giống lúa đặc sản, giống lúa TBKT để mở rộng sản xuất vùng giống lúa nhân dân.

Đã xây dựng thành công mô hình sản xuất vùng giống lúa nhân dân với các giống lúa chất lượng và giống lúa đặc sản cổ truyền. Điều quan trọng và có hiệu quả cao hơn từ mô hình này là đã rút ra được nhiều kinh nghiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh về tổ chức, quản lý, cơ chế và chính sách để mở rộng vùng giống lúa nhân dân có hiệu quả hơn.

7. Phối hợp với đề tài KC.06.23 NN xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, phát triển lúa lai tại tỉnh.

Phối hợp với đề tài cấp Nhà nước KC.06.23 NN đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu ứng dụng duy trì, nhân dòng bố, mẹ để chủ động sản xuất hạt lúa lai F1 như: khu nhà lưới thí nghiệm, nhà sinh trưởng lúa lai hiện đại, hệ thống vườn thí nghiệm 8.000m2, nhà sinh trưởng hiện đại và hệ thống lò sấy trụ đứng tự động để sấy hạt lúa lai phục vụ mở rộng diện tích lúa lai đại trà của tỉnh.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Đã kết luận được các giống lúa được bổ sung và áp dụng rộng trong cơ cấu mùa vụ của tỉnh như: các giống lúa thuần năng suất cao: ĐB6, QN1; các giống lúa thuần chất lượng: Bắc ưu 253, HYT83...

- Bước đầu tiếp thu được công nghệ duy trì và nhân dòng thành công cặp bố, mẹ lúa lai 2 dòng, lúa lai 3 dòng và đã sản xuất thành công hạt giống F1 tại các hộ nông dân. Từ hạt giống bố, mẹ do dự án duy trì là hạt giống F1 lúa lai 3 dòng Bắc ưu 903, Bắc ưu 253, HYT83, hạt giống lúa lai 2 dòng BTST... đang được gieo cấy đại trà trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đưa năng suất lúa lai đại trà tăng 1,5 tấn/ha so với lúa thuần sản xuất đại trà, góp phần đưa diện tích lúa lai của tỉnh từ 1,8% năm 2001 lên 14% năm 2004. Thực hiện đề tài cấp nhà nước và dự án cấp tỉnh về lúa lai là căn cứ để UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển lúa lai đến năm 2010 với mục tiêu lúa lai chiếm 30% diện tích trồng lúa của tỉnh.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây