Một số giống kiệu, củ cải của Việt Nam và Nhật Bản

ĐỀ TÀI CHỌN LỌC VÀ PHỤC TRÁNG GIỐNG KIỆU VIỆT NAM VÀ TRỒNG THỬ MỘT SỐ GIỐNG KIỆU, CỦ CẢI NHẬT BẢN PHỤC VỤ XUẤT KHẨU

Chủ nhiệm đề tài: Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Công ty Xuất nhập khẩu Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Các trạm trực thuộc Công ty và một số HTX.

Thời gian thực hiện: 10/1997 - 8/1999.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Chọn lọc và phục tráng giống kiệu Việt Nam nhằm tạo ra giống kiệu có năng suất và phẩm chất tốt hơn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

- Trồng thử một giống kiệu Nhật Bản và một số giống cải củ Nhật Bản ở các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh để xác định khả năng thích ứng của kiệu và cải củ với vùng đất Hải Dương, nhằm bổ sung cơ cấu cây trồng mới có giá trị kinh tế cao cho tỉnh và tạo nguồn hàng xuất khẩu cho Công ty.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Nội dung, quy mô và địa điểm thực hiện.

1.1. Lựa chọn giống cho thí nghiệm.

- Chọn giống kiệu Việt Nam đang được trồng phổ biến tại xã Lạc Đạo, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên và xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương để phục tráng. Giống này cho củ nhỏ, năng suất thấp, lựa chọn những củ to để trồng thí nghiệm.

- Giống kiệu Nhật Bản dùng thí nghiệm là giống kiệu được trồng và tiêu dùng phổ biến ở Nhật Bản, do Công ty Nissho-Iwai Nhật Bản cung cấp.

- Giống cải củ Nhật Bản là những giống cải củ được trồng và tiêu thụ phổ biến ở Nhật. Hạt giống do Công ty Itochu cung cấp.

1.2. Bố trí thí nghiệm.

- Bố trí thí nghiệm lặp lại 3 lần, lấy số liệu trung bình.

- Bố trí có so sánh với đối chứng.

+ Giống kiệu Việt Nam đem phục tráng trồng theo quy trình mới có so sánh với đối chứng là kiệu Việt Nam do dân trồng theo truyền thống.

+ Giống kiệu Nhật Bản thí điểm có so sánh với giống kiệu Việt Nam do dân trồng theo truyền thống.

+ Giống cải củ trồng thí điểm có so sánh giữa 4 giống với nhau (Đại chi, Taki, Akimasary, 1656).

1.3. Quy trình kỹ thuật: áp dụng theo quy trình kỹ thuật trồng trọt mà nông dân Nhật Bản đang áp dụng để trồng trọt. Quy trình do 2 công ty của Nhật Bản cung cấp.

1.4. Quy mô và địa điểm.

- Đối với giống kiệu:

+ Quy mô: diện tích thực hiện 8 sào (phục tráng giống kiệu Việt Nam: 3 sào; trồng thử giống kiệu Nhật Bản: 5 sào).

+ Địa điểm:

Tại xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng: phục tráng giống kiệu Việt Nam: 1 sào, trồng thử giống kiệu Nhật Bản: 1,5 sào.

Tại thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng: phục tráng giống kiệu Việt Nam: 1 sào, trồng thử giống kiệu Nhật Bản: 1 sào.

Tại xã Hoàng Tân, huyện Chí Linh: phục tráng giống kiệu Việt Nam: 1 sào, trồng thử giống kiệu Nhật Bản: 2,5 sào.

- Đối với củ cải:

+ Quy mô: 6,5 sào.

+ Địa điểm:

Tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách: 4 sào (gồm các giống: Đại chi, Taki, Akimasary, 1656).

Tại xã Tứ Xuyên, huyện Tứ Kỳ: 2,5 sào (gồm các giống: Akimasary, 1656).

2. Kết quả thực hiện.

2.1. Đánh giá về các giống kiệu trồng phục tráng và trồng thí điểm.

- Thời gian sinh trưởng của kiệu Việt Nam và kiệu Nhật Bản là 10 tháng (trồng từ tháng 11 năm trước, thu vào tháng 8 năm sau), ảnh hưởng tới việc thâm canh tăng vụ.

Quy trình kỹ thuật mới: trồng thưa hơn, sâu hơn, phân bón nhiều hơn, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đầy đủ, kịp thời. Kiệu sinh trưởng phát triển tốt hơn giống kiệu do nông dân trồng làm đối chứng, tóe dài hơn 5 - 10 cm, đường kính khóm to hơn 5 - 10 cm và năng suất cao hơn 150 kg/sào (Đ/C: 250 - 350 kg/sào). Độ nhiễm sâu bệnh thấp.

So với tiêu chuẩn xuất khẩu thì chỉ có 10% củ kiệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, không thể mở rộng đại trà.

- Giống kiệu Nhật Bản trồng thí nghiệm sinh trưởng phát triển tương đối tốt thích hợp với vùng đất của Hải Dương, so với kiệu Việt Nam trồng đối chứng và kiệu Việt Nam trồng cùng quy trình thì bộ lá và củ đều to hơn, năng suất cao hơn gấp đôi (600-1.200 kg/sào). So với tiêu chuẩn xuất khẩu thì tỷ lệ củ đạt tiêu chuẩn còn thấp, chỉ đạt 11%. Đồng thời, do củ phân nhánh nhiều làm tỷ lệ dầu trong củ cao, khách hàng Nhật Bản vẫn chưa chấp nhận. Độ nhiễm bệnh của kiệu Nhật Bản so với kiệu Việt Nam cao hơn, kiệu Nhật Bản ít bị sâu ăn lá.

- Trong các điểm trồng thí điểm thì xã Hoàng Tân, huyện Chí Linh cả củ kiệu Việt Nam phục tráng và kiệu Nhật Bản trồng thí điểm đều cho năng suất cao. Năng suất kiệu Việt Nam phục tráng tại Chí Linh đạt 600 kg/sào, các vùng khác chỉ đạt 400 kg/sào. Năng suất kiệu Nhật Bản tại Chí Linh đạt 1.200 kg/sào, các vùng khác chỉ đạt 600-800 kg/sào, phẩm chất kiệu tại Chí Linh cũng cao hơn các vùng khác.

Nguyên nhân do đất ở Chí Linh cao, ráo, tơi xốp, tầng đất dày hơn ở các vùng khác.

- Thời tiết từ năm 1997-1998 biến động phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển của kiệu và chất lượng củ kiệu.

2.2. Đánh giá về giống cải củ trồng thí nghiệm.

- Bốn giống cải củ trồng thí điểm đều sinh trưởng mạnh trên vùng đất bãi Hải Dương là Thái Tân, huyện Nam Sách và Tứ Xuyên, huyện Tứ Kỳ.

- Trong 4 giống trồng, giống Taki và Đại chi cho năng suất cao nhất 1.300 - 1.700 kg/sào. Nhưng củ cải lại bị sâu bệnh nhiều, nhất là bệnh lở đầu củ gây thối nhũn hàng loạt vào thời kỳ sắp thu hoạch.

- Trong 4 giống thì Akimasary cho phẩm chất củ đẹp nhất, ít bị sâu bệnh, củ thẳng, trắng.

- Trong 2 vùng trồng, vùng bãi Tứ Xuyên, huyện Tứ Kỳ có độ pH của đất 6,5, tầng canh tác dày 50 - 60 cm, tỷ lệ cát pha thích hợp nhất cho cây củ cải phát triển, củ thẳng, củ to và ít bị sâu bệnh. Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, củ cải trắng, vỏ nhẵn, ngọt, không sâu bệnh. Ruột củ cải phân lớp, chưa đặc, không đồng nhất, không đạt tiêu chuẩn quy định của khách hàng Nhật bản, chưa thể mở rộng quy mô sản xuất phục vụ xuất khẩu.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nghiên cứu đề tài xác định củ kiệu Việt Nam, kiệu và củ cải Nhật Bản trồng ở Hải Dương chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, không thể mở rộng. Cần thử nghiệm tiếp.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây