Nghiên cứu, ứng dụng giống lúa lai ở Hải Dương

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG MỘT SỐ GIẢI PHÁP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐỂ PHÁT TRIỂN LÚA LAI Ở HẢI DƯƠNG (Thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KC.06)  

Chủ nhiệm đề tài: PGS-TS. Nguyễn Trí Hoàn.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai (Viện Khoa học- Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam).

Cơ quan phối hợp thực hiện chính:

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương; Công ty Giống cây trồng Hải Dương.

Thời gian thực hiện: 7/2003 - 12/2005.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I.Mục tiêu

- Lựa chọn được bộ giống lúa lai thích hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh Hải Dương.

- Làm chủ một số giải pháp công nghệ, như:

+ Công nghệ chọn thuần.

+ Công nghệ duy trì giống lúa bố, mẹ.

+ Công nghệ sản xuất hạt F1 lúa lai 2,3 dòng để phát triển lúa lai ở Hải Dương.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Kết quả nghiên cứu hiện trạng sản xuất lúa lai tại Hải Dương.

Lúa lai gieo cấy ở Hải Dương từ năm 1992. Diện tích gieo cấy biến động qua từng năm do nhiều nguyên nhân. Tính chung cho cả giai đoạn 1992-2005, tỉnh Hải Dương đã gieo cấy được 29.453,2 ha lúa lai (riêng năm 2003 là năm bắt đầu thực hiện đề tài lúa lai tại Hải Dương). Cụ thể:

- Năm 2003: diện tích lúa lai cả năm 4.262 ha, chiếm khoảng 3% diện tích trồng lúa của tỉnh. Trong đó, vụ đông xuân có diện tích gieo cấy 1.653 ha và vụ mùa 2.609 ha.

- Năm 2004: diện tích lúa lai 2.721 ha. Trong đó, vụ đông xuân có diện tích gieo cấy 848,9 ha, vụ mïa 1.872,2 ha.

- Năm 2005: diện tích lúa lai 10.975,2 ha, chiếm khoảng 9% diện tích trồng lúa. Trong đó, vụ đông xuân có diện tích gieo cấy 5.454,9 ha, vụ mùa có diện tích 5.520,3 ha.

Số liệu trên cho thấy diện tích lúa lai thương phẩm của tỉnh Hải Dương phát triển chậm, không ổn định. Năm cao nhất mới đạt 3% diện tích gieo cấy lúa, bình quân năm 2000-2004 chỉ đạt 2,4%.

2. Khảo nghiệm so sánh và trình diễn giống lúa để chọn giống tốt nhất trên 3 vùng sinh thái của tỉnh.

2.1. Khảo nghiệm so sánh.

2.1.1. Vụ xuân năm 2004 và vụ xuân năm 2005.

a. Vụ xuân năm 2004.

- Các tổ hợp lúa lai tham gia khảo nghiệm gồm 14 tổ hợp: HYT100, HYT101, HYT83, HYT92, HYT98, HYT93-2, D.ưu 527, TH3-3, HYT84, LVC2, RTQ5, CV1, HYT88, giống đối chứng: Nhị ưu 838.

- Địa điểm: tại các HTX: Hợp Tiến huyện Nam Sách; Tân Dân huyện Chí Linh; Bình Xuyên huyện Cẩm Giàng.

- Phương pháp bố trí thí nghiệm: theo quy định chung.

- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình.

b. Vụ xuân năm 2005.

- Các tổ hợp lúa lai tham gia khảo nghiệm gồm 18 tổ hợp: HYT100, HYT92, 534S/R272, 25A/R90, HYT101, CL64S/E32, 7S/R1, 827S/GR10, 25A/R280, HYT88, 25A/IR72, BoIIA/R68-1, D.ưu 527, HYT93-2, BoIIA/59-26, 64S/E32, Kim ưu 725; giống đối chứng: Nhị ưu 838.

- Địa điểm: tại các HTX đã thực hiện vụ xuân năm 2004.

- Phương pháp thí nghiệm: theo quy định.

- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình.

c. Kết quả thực hiện của 2 vụ.

Qua vụ xuân 2004 và 2005 đề tài đã đề xuất các giống lúa có năng suất cao, ổn định cho phát triển ở Hải Dương như: HYT83 đạt năng suất từ 68,1 tạ/ha (năm 2005) đến 81 tạ/ha (năm 2004); D.ưu 527: 75,1 tạ/ha (2005) - 87,1 tạ/ha (2004); HYT100: 68,1tạ/ha (2005) -81 tạ/ha (2004) và 827S/GR10 (HYT102): 76,8 tạ/ha (2005). Các giống có triển vọng khác cần tiếp tục thử nghiệm là HYT92, 25A/R280, 25A/R90.

2.1.2. Vụ mùa năm 2004.

- Các tổ hợp lúa lai tham gia khảo nghiệm gồm 16 tổ hợp: BoIIA/R68-1, BoIIA/IR59-26, HYT92, HYT99, 25A/IR56831, BoA/LT2, HYT96, II32A/LC1, BoA/PM3, 25A/C20R, II32/KB1, HYT83, HYT93-1, HYT97; giống đối chứng: Bắc ưu 903.

- Địa điểm: tại các HTX thực hiện vụ xuân 2004.

- Phương pháp thí nghiệm: theo quy định.

- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình.

- Kết quả thực hiện: So với giống đối chứng Bắc ưu 903 đạt năng suất 65,6 tạ/ha, giống có năng suất cao hơn Đ/C và cao nhất trong tập đoàn tổ hợp lúa lai khảo nghiệm là HYT83, đạt 70,4 tạ/ha. Tổ hợp II32A/KB1 và HYT97 cho năng suất tương đương giống Đ/C (65,4 tạ/ha). Còn các tổ hợp lai khác có năng suất thấp hơn đối chứng.

2.2. Sản xuất trình diễn giống lúa lai có triển vọng trên nền thâm canh hợp lý.

2.2.1. Vụ xuân năm 2004 và vụ xuân năm 2005.

a. Vụ xuân năm 2004.

Được triển khai trên diện tích 10 ha (3 - 4 ha/điểm) tại 3 điểm đại diện cho 3 tiểu vùng sinh thái của Hải Dương, đó là: (1) HTX Tân Dân huyện Chí Linh; (2) HTX Hợp Tiến huyện Nam Sách và (3) HTX Bình Xuyên huyện Bình Giang. Các giống tham gia trình diễn: HYT83, Nhị ưu 838, Bồi tạp sơn thanh, CV1, D.ưu 527 và đối chứng là các giống Q5, Khang dân.

b. Vụ xuân năm 2005.

- Các tổ hợp tham gia trình diễn gồm 8 tổ hợp lai: HYT83, HYT100, HYT92, HYT93-2, D.ưu 527, Kim ưu 725, giống đối chứng: Khang dân, Q5.

- Diện tích và địa điểm thực hiện như vụ xuân năm 2004.

c. Kết quả thực hiện của 2 vụ.

Qua kết quả sản xuất trình diễn các tổ hợp lúa lai ở 2 vụ xuân 2004 và 2005 đã kết luận tổ hợp HYT83 và D.ưu 527 là 2 tổ hợp lúa lai cho năng suất tương đương và cao nhất tại Hải Dương (7,3 - 8,3 tấn/ha ở vụ xuân). Các giống lúa có chất lượng khá và tốt như HYT100, HYT92 và Kim ưu 725 cho năng suất 70 - 75 tạ/ha so với đối chứng lúa thuần Khang dân, Q5 chỉ đạt 61,1 - 71 tạ/ha trong cùng điều kiện thâm canh cao: 8 - 10 tấn phân chuồng + 150 N + 90 P2O5 + 120 K2O.

2.2.2. Vụ mùa 2004.

- Do đại trà các tổ hợp lai Trung Quốc nhiễm nặng với bệnh bạc lá nên không thích ứng với vụ mùa ở các tỉnh phía Bắc. Đề tài chỉ tiến hành trình diễn giống lúa lai nội địa HYT83 trong vụ mùa 2004; giống đối chứng là Q5 và Khang dân.

Giống HYT83 được thực hiện ở 3 điểm trên diện tích 3 ha/điểm, với phương thức cấy và sạ thẳng tại 3 HTX đã được tiến hành ở vụ xuân.

- Kết quả:

+ Tại Hợp Tiến huyện Nam Sách: với đất phù sa sông Thái Bình, năng suất HYT83 cấy và sạ đều đạt 67 tạ/ha, cao hơn Q5 và Khang dân khoảng 1 tấn/ha (Đ/C đạt 5,67 - 5,73 tạ/ha).

+ Tại đất bán sơn địa Tân Dân huyện Chí Linh: HYT 83 đạt 68,7 tạ/ha, so với Khang dân 18 đạt 65 tạ/ha.

+ Tại Bình Xuyên huyện Bình Giang: năng suất HYT83 cấy và sạ tương tự nhau (51 tạ/ha, chỉ tương đương với Q5).

Kết quả cho thấy, ở vụ mùa ưu thế lai của HYT83 so với đối chứng không cao bằng vụ xuân. Tuy nhiên, do có chất lượng khá nên HYT83 vẫn được nông dân lựa chọn cho phát triển trong cả vụ xuân và vụ mùa.

2.3. Đánh giá chất lượng gạo của một số tổ hợp lúa lai triển vọng tại Hải Dương.

Chất lượng gạo cao được thể hiện ở tỷ lệ gạo xát, tỷ lệ gạo nguyên, độ dài hạt gạo, hàm lượng Amyloza và chất lượng ăn uống. Đánh giá về chất lượng gạo và phẩm chất cơm của các tổ hợp và giống qua vụ xuân 2004, 2005 và mùa 2004 cho thấy, các tổ hợp lúa lai được chọn tạo trong nước có chất lượng (HYT83, TH3-3, HYT95, BoIIA/R68-1),... và cơm ngon như HYT100, HYT82.

2.4. Đánh giá chung.

Qua kết quả khảo nghiệm và sản xuất trình diễn trên 3 vùng sinh thái ở 2 vụ xuân 2004, 2005 và vụ mùa 2004, kết hợp với phân tích về chất lượng gạo, chất lượng ăn uống, đề tài đã chọn được các giống lúa lai tốt phù hợp cho phát triển tại Hải Dương là:

- HYT83, D.ưu 527 cho năng suất cao, chất lượng gạo và chất lượng ăn uống khá, phù hợp gieo cấy trong vụ xuân muộn.

- Tổ hợp HYT100, Kim ưu 725 và HYT92 cho năng suất cao, chất lượng tốt cho phát triển ở vụ xuân muộn.

- Tổ hợp HYT83, HYT92 cho năng suất cao, chất lượng gạo khá và tốt cho phát triển ở vụ mùa. Đặc biệt HYT92 phát huy tốt trên chân đất vàn và vàn thấp.

3. Hoàn thiện quy trình sản xuất hạt lai F1.

Qua sản xuất thử nghiệm đề tài đã hoàn chỉnh, khẳng định sự phù hợp và chuyển giao quy trình sản xuất hạt lai F1 ứng dụng ở Hải Dương của các tổ hợp: HYT 83, Nhị ưu 838, Bắc ưu 903 và Bắc ưu 253, hai dòng HD2.

4. Kết quả nghiên cứu chọn và nhân thuần dòng mẹ.

Đề tài đã kết hợp đào tạo thực hành và chuyển giao công nghệ chọn thuần và nhân thuần các nguồn bố mẹ sau:

- Chọn và nhân thuần dòng BoA, BoB, Quế 99 và R253 cho bố mẹ của tổ hợp lai Bắc ưu 903 và Bắc ưu 253.

- Chọn và nhân thuần II32A, II32B, Bức Khôi 838 và Minh Khôi 63 cho bố mẹ của 2 tổ hợp lai Nhị ưu 838 và Nhị ưu 63.

- Chọn và nhân thuần dòng mẹ P.ải 64S và dòng bố Sơn thanh cho bố mẹ của tổ hợp lúa lai 2 dòng Bồi tạp sơn thanh.

5. Đào tạo, tập huấn.

- Đào tạo, tập huấn cho 25 cán bộ kỹ thuật của các sở, ngành liên quan về kỹ thuật sản xuất hạt lai F1.

- Đào tạo 10 cán bộ kỹ thuật chọn giữ thuần và nhân các dòng bố mẹ CMS, TGMS và 5 học viên của Công ty giống được thực hành năm 2004, 2005 đã trực tiếp tham gia các quá trình lai tạo cặp 3, đánh giá các cặp lai và nhân các dòng bố mẹ.

- Tập huấn cho nông dân thao tác kỹ thuật thâm canh lúa lai và sản xuất hạt giống lúa lai F12, 3 dòng (trong 2 ngày/lớp) x 8 lớp x 50 người = 400 người.

6. Tăng cường trang thiết bị và cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu và phát triển lúa lai tại Hải Dương.

- Bằng nguồn kinh phí của đề tài đã mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho nghiên cứu và phát triển lúa lai ở Hải Dương như kính hiển vi, kính lúp, cân kỹ thuật, máy cất nước, máy đo độ ẩm hạt, máy đo độ pH, tủ lạnh, tủ thu mẫu. Hệ thống nhà sinh trưởng và thiết bị lạnh, thiết bị điều khiển đi kèm, tổng kinh phí là 600 triệu đồng. Với vốn đối tác của tỉnh là 1.705 triệu đồng đã trang bị cho Công ty Giống cây trồng Hải Dương hệ thống máy sấy trụ đảo tự động, làm sạch và đóng gói 8 tấn/mẻ, xây dựng 200m2 nhà lưới, khu cách ly 5.000m2, tường chống chuột cho khu thí nghiệm lúa lai.

Với trang thiết bị của đề tài cho Công ty giống của tỉnh, cùng với kết quả đào tạo nhân lực và các quy trình công nghệ sản xuất hạt giống F1, giống bố mẹ và các giống lúa lai tốt được xác định đã giúp tỉnh đạt được sự phát triển lúa lai nhanh chóng trong 3 năm. Diện tích lúa lai năm 2005 đạt 10% (năm 2002-2003 đạt 2 - 3%).

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Kết quả đề tài của cấp Bộ cùng với các kết quả của tỉnh Hải Dương thực hiện đã góp phần đưa diện tích lúa lai của tỉnh trước những năm 2003 chỉ đạt từ 2 - 5% lên 10% vào năm 2005 và phấn đấu đạt 30% vào năm 2010. Bằng nguồn vốn của đề tài kết hợp với nguồn vốn của tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho nghiên cứu và phát triển lúa lai của tỉnh, đào tạo được một lực lượng cán bộ kỹ thuật cho tỉnh nắm được kỹ thuật duy trì hạt giống bố, mẹ lúa lai, sản xuất hạt lúa lai F1, v.v... Đây là nòng cốt hết sức quan trọng góp phần phát triển lúa lai của tỉnh Hải Dương.

Từ kết quả đề tài cấp Bộ kết hợp với tỉnh là cơ sở khoa học để UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt và chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan thực hiện dự án phát triển lúa lai của tỉnh đến năm 2010.

Các quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa lai F1, quy trình công nghệ chọn thuần và các giống lúa lai đã được chọn tạo phù hợp với điều kiện sinh thái, có năng suất cao, chất lượng tốt tại Hải Dương, v.v... đã và đang được thực hiện rộng rãi và có hiệu quả tại tỉnh. Đặc biệt là lực lượng cán bộ kỹ thuật nông nghiệp trong quá trình thực hiện đề tài được đào tạo, tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất hạt lai F1, công nghệ chọn thuần, v.v... nên đã từng bước tiếp thu được công nghệ và trở thành lực lượng nòng cốt để sản xuất giống lúa lai phục vụ sản xuất lúa lai đại trà trong tỉnh.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây