mô hình sản xuất rau sạch ở hải hưng

ĐỀ TÀI ỨNG DỤNG KỸ THUẬT TIẾN BỘ XÂY DỰNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT RAU SẠCH Ở TỈNH HẢI HƯNG

Chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Duy Sách, Phó Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Cơ quan chủ trì: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường).

Cơ quan phối hợp thực hiện: Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương; UBND xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn; UBND xã Cẩm Đoài, huyện Cẩm Bình.

Thời gian thực hiện: Vụ đông 1995-1996 và vụ đông 1996-1997.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Áp dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) để xây dựng mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn quốc tế và trồng rau an toàn phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng nội địa; kết quả đề tài là cơ sở để triển khai diện rộng.

- Điều tra hiện trạng việc bón phân tươi, đạm u rê liều cao (trên 10 kg/sào), phun thuốc sâu quá ngưỡng cho phép, không đúng chủng loại... ở một số xã trồng rau xanh ven thị xã Hải Dương để đề xuất giải pháp cho phù hợp.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn quốc tế (WHO).

1.1. Địa điểm, thời gian thực hiện: Vụ đông 1995 - 1996 tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn.

1.2. Quy mô thực hiện: 1.800 m2.

1.3. Nội dung thực hiện

a. Viện Nghiên cứu rau quả đã tiến hành nghiên cứu mẫu đất ở xã Giai Phạm và kết luận đất đạt tiêu chuẩn trồng rau sạch.

b. Thực hiện quy trình của Viện Nghiên cứu rau quả đối với từng loại rau phải sử dụng nước sạch, thuốc trừ sâu vi sinh, thảo mộc. Nước tưới ở xã Giai Phạm có nồng độ sắt (Fe2+) cao, không thể dùng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn quốc tế. Đề tài đã hỗ trợ kinh phí cho xã Giai Phạm để đào một giếng khoan và một bể lọc, lấy nước từ giếng khoan rồi qua bể lọc để biến đổi Fe2+ thành Fe3+.

- Các loại rau đưa vào thực hiện là dưa chuột, suplơ, cà chua. Kết quả như sau:

+ Cây dưa chuột:

Diện tích thực hiện 360m2. Sau khi ngâm ủ cho hạt nứt lanh, gieo xuống đất ngày 5/10/1995. Lượng phân bón đầu tư cho 1 sào bao gồm: phân chuồng ủ hoai mục: 700 kg; phân đạm u rê: 5 - 6 kg, Supe lân: 7 kg; Kali sunphát: 8 kg.

Bón lót phân chuồng với phân lân, 1/3 lượng phân kali, 1/3 lượng phâm đạm. Số đạm kali còn lại dùng bón thúc kết hợp xới vun. Phân bón lót được bỏ vào hốc, đảo đều rồi phủ một lớp đất mỏng mới gieo hạt. Mật độ gieo: 60 x 40 cm bảo đảm 1.200 - 1.300 hốc/sào. Mỗi hốc gieo 3 hạt, khi mọc đều để lại 2 cây.

Khi cây dưa có 4 - 5 lá thật phát tua cuốn, xới vun kết hợp với bón thúc 1/2 số phân đạm và kali dùng bón thúc, thường xuyên tưới đủ ẩm, cắm giàn chắc chắn, dùng dây mềm treo ngọn dưa lên giàn, từ khi dưa có tua đến khi cây ngừng sinh trưởng: Phun phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc sâu vi sinh, Boóc đô 1%, Zinép 80BTN, Ridonil, AnVil...

Kết quả thu hoạch năng suất dưa chuột đạt: 200 kg/sào.

Phân tích hàm lượng NO3: 142,25 mg/kg (tiêu chuẩn 150 mg/kg).

Giá thành 1 kg sản phẩm: 6.378,75 đồng.

+ Cây suplơ trắng (Thái Lan):

Diện tích thực hiện 360m2. Gieo hạt ngày 5/10/2005. Cây con đủ tiêu chuẩn 5 lá thật đưa đi trồng ngày 26/10/2005. Sau khi trồng tưới đủ ẩm, tỷ lệ sống đạt 98%, phân chuồng ủ kỹ với Supe lân, được bón lót với lượng 1.000 kg/sào. Sau khi bón phân phủ một lớp đất bột trước khi đặt trồng cây con.

Tổng lượng phân bón đầu tư cho 1 sào Suplơ: 1.000 kg phân chuồng, 7 kg Supe lân, 4 kg Đạm u rê, 5 kg Kaliclorua.

Kết quả thu hoạch qua 2 đợt đạt năng suất 324 kg/sào.

Phân tích hàm lượng NO3: 452,58 mg/kg (tiêu chuẩn là 500 mg/kg).

Giá thành 1 kg sản phẩm: 3.210 đồng.

+ Cây cà chua hồng Ba Lan:

Diện tích thực hiện 360 m2. Trồng trên ruộng có công thức luân canh: lúa mùa sớm - cà chua - lúa xuân. Gieo hạt 5/10/1995, trồng ngày 26/10/1995 khi cây cà chua có 6 lá thật. Cây sau khi trồng được tưới nước để bén rễ, sau đó giữ ẩm đất 60% để cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Trước khi trồng đất được bừa tơi nhỏ, lên luống rộng 1,2 m, cao 0,4 m, trồng mật độ 1.200 cây/sào.

Tổng lượng phân bón trên 1 sào cà chua: 800kg phân chuồng ủ mục, 3kg đạm Urê, 15kg lân Supe, 6 kg Kali sunphát: Bón lót toàn bộ phân chuồng kết hợp với supe lân, 1/2 lượng kali. Số phân còn lại dùng bón thúc 4 lần, hai lần đầu bón gốc cách xa 4 - 5cm kết hợp xới vun. Hai lần sau bón thúc cách nhau 10 ngày, hoà nước phân đạm, kali để tưới. Kết thúc tưới phân bón cho cà chua 10 ngày khi thu hoạch quả.

Kết quả năng suất thu hoạch 2 đợt được 219 kg/sào.

Giá thành 1 kg sản phẩm: 6.059 đồng.

2. Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn phục vụ tiêu dùng nội địa.

2.1. Địa điểm và thời gian thực hiện: Vụ đông 1996-1997 tại thôn Cao Xá, xã Cao An, huyện Cẩm Bình.

2.2. Quy mô thực hiện: 1.800m2.

2.3. Nội dung thực hiện:

a. Kết quả phân tích đất (đất 2 lúa + màu) của Trường Đại học Nông nghiệp I thì đất đủ điều kiện để trồng rau an toàn phục vụ tiêu dùng nội địa.

b. Quy trình thực hiện để sản xuất rau an toàn so với đại trà có thể tăng lượng phân chuồng hoai mục bón lót, tăng lượng tưới thúc phân đạm 2 - 3 kg/sào, và kết thúc trước khi thu hoạch 30 ngày; phun thuốc trừ sâu bệnh thuộc nhóm 3, nhóm 4 kết hợp với thuốc trừ sâu vi sinh, nhưng phải kết thúc việc phun thuốc trước thu hoạch 20 ngày thì hàm lượng NO3 trong rau sẽ đạt mức cho phép, hoặc có tăng nhưng cũng không đến mức gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng. Nước tưới rau là nước của các con sông lớn được dẫn qua hệ thống kênh mương. Các khâu chăm sóc khác như sản xuất đại trà.

- Các loại rau đưa vào thực hiện là dưa chuột, cải bắp, suplơ, cà chua hồng Ba Lan. Kết quả như sau:

+ Cây dưa chuột:

Diện tích trồng là 360m2. Hạt giống sau khi nứt lanh tiến hành gieo hạt. Trước khi gieo đất được cày bừa kỹ, lên luống rộng 1,2 m; cao 0,3 m; gieo 2 hàng trên một luống với khoảng cách 60 x 40 cm để có mật độ 1.200 hốc/sào.

Phân bón: 700 kg phân chuồng đã ủ hoai mục, 6 kg phân đạm urê, 7 kg phân lân supe, 8 kg kali sunphát. Sau khi bỏ hốc bón lót phân chuồng kết hợp với lân, 1/3 số đạm và Kali. Khi dưa có 5 lá thật, ra tua cuốn thì bón thúc 1/3 lượng đạm và kali còn lại bón thúc sau khi thu hoạch quả lứa đầu. Phòng trừ bệnh sương mai cho dưa chuột bằng thuốc bệnh Zinep 80BTN (pha 400gam thuốc/100 lít nước sạch), phun Alvin 5SC để phòng trừ bệnh phấn trắng cho dưa chuột.

Kết quả năng suất: 350 kg/sào.

Phân tích hàm lượng NO3: 160 mg/kg (vượt ngưỡng cho phép 10mg/kg), đạt tiêu chuẩn tiêu dùng nội địa.

Giá thành 1 kg sản phẩm: 1.226 đồng.

+ Cây suplơ:

Diện tích thực hiện 360 m2, là loại đất có thành phần cơ giới nhẹ. Sau khi thu hoạch lúa mùa sớm đất được cày, bừa kỹ, lên luống rộng 1 m; cao 0,3 m; mỗi luống bổ hốc 2 hàng với khoảng cách 40 x 50 cm.

Phân bón: 1.500 kg phân chuồng ủ mục trộn với 5 kg supe lân, 3 kg kali sunphát, 2,5 kg đạm bón lót.

Cây con sau khi trồng được tưới ẩm liên tục trong 7 ngày để bén rễ, hồi xanh. Sau đó giữ độ ẩm đất 70 - 80% để cho cây sinh trưởng, phát triển. Sau khi trồng 15 - 20 ngày thì tưới thúc lần 1 hoà 1/3 lượng đạm còn lại vào nước sạch để tưới vào gốc kết hợp với tưới vun. Tưới thúc lần 2 sau lần một 15 ngày. Tưới thúc lần ba khi cây chéo nõn. Khi suplơ bị rệp phá hoại thì dùng thuốc Trebon phun diệt, v.v...

Kết quả về năng suất: 320 kg/sào.

Phân tích hàm lượng NO3: 300 mg/kg, dưới ngưỡng cho phép, đảm bảo an toàn cho người.

Giá thành 1kg sản phẩm: 1.341 đồng.

+ Cây cải bắp:

Diện tích thực hiện: 720m2, là đất vàn cao, thoát nước, có thành phần cơ giới nhẹ. Sau khi thu hoạch lúa mùa sớm đất được bừa kỹ lên luống rộng 1,2 m; cao 0,2 m; trên luống chia thành 2 hàng, bổ hốc theo kích thước 50 x 50 cm.

Phân bón cho 1 sào: 1000 kg phân chuồng ủ mục, 10 kg đạm u rê, 15 kg supe lân, 6 kg kali sunphát. Bón lót phân chuồng kết hợp với 1/4 đạm và 1/2 lượng kali trộn đều với đất bón vào các hốc trước khi trồng cây con.

Cây con sau khi trồng tưới đẫm nước; sau đó tưới đủ ẩm liên tục để cây chóng bén rễ, hồi xanh. Nước tưới lấy từ sông lớn Kinh Thầy dẫn qua hệ thống kênh tưới của huyện.

Tiến hành bón thúc 3 đợt: đợt 1 khi hồi xanh bón 1/2 lượng kali và 1/3 lượng đạm, bón cách gốc 5 cm kết hợp vun xới, tưới nước. Đợt 2: sau khi trồng 30 - 35 ngày hoà 1/3 lượng đạm để tưới. Đợt 3: thời kỳ cuốn bắp thì tưới hết số đạm còn lại.

Về bảo vệ thực vật, áp dụng phòng trừ tổng hợp: bắt giết sâu xám đầu vụ, phun thuốc BT trừ sâu ăn lá. Nếu có rệp thì phun Trebon. Khi có bệnh hại (lở cổ rễ, thối nhũn,...) thì phun Ridomil, nhưng phải kết thúc trước khi thu hoạch 20 ngày.

Kết quả về năng suất: 975 kg/sào.

Phân tích hàm lượng NO3: 460 mg/kg, dưới ngưỡng cho phép, an toàn cho người tiêu dùng.

Giá thành 1 kg sản phẩm: 440 đồng.

+ Cây cà chua hồng Ba Lan.

Diện tích thực hiện 360 m2, là đất vàn cao, thoát nước, thành phần cơ giới nhẹ. Sau khi thu hoạch lúa mùa sớm tiến hành cày, bừa kỹ đất lên luống rộng 1,2 m; cao 0,3 m, bổ hốc khoảng cách 70 x 40 cm.

Phân bón cho 1 sào: phân chuồng ủ mục 700 - 800 kg, đạm urê 4 - 5 kg, supe lân 15 kg, kalisunphát 7 kg. Bón lót phân chuồng + lân + 1/2 kali trộn đều với đất bón vào các hốc trước khi trồng cây con.

Tiến hành bón và tưới thúc 4 đợt. Lượng phân dùng gồm toàn bộ lượng đạm với 1/2 kali còn lại chia làm 4 lần. Hai lần đầu bón vào gốc cây kết hợp với vun xới. Hai lần sau hoà vào nước để tưới (mỗi lần cách nhau 12 ngày).

Cây con sau khi trồng tưới nước 2 lần cho cây bén rễ, hồi xanh. Tiếp tục giữ độ ẩm cho đất đảm bảo 60%. Tập trung tưới nước vào rãnh cho cây vào 2 thời kỳ là lúc ra quả và thời kỳ quả lớn. Nước tưới là nước dẫn từ sông lớn đưa vào.

Để phòng trừ sâu bệnh cho cà chua cần thường xuyên vệ sinh đồng ruộng; phun phòng bệnh bằng Boocđô 1%. Nếu bị bệnh sương mai nặng thì phun Ridomil, v.v...

Kết quả về năng suất: 450kg quả chín/sào.

Phân tích hàm lượng NO3: 160 mg/kg, vượt mức quy định 10 mg/kg, mức độ này chưa có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người.

Giá thành 1kg sản phẩm: 953 đồng.

3. Điều tra hiện trạng sử dụng phân bón, thuốc sâu trong trồng rau xanh vùng ven thị xã Hải Dương.

Trong quá trình xây dựng mô hình sản xuất rau sạch, nhất là sản xuất rau an toàn tại tỉnh, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiến hành điều tra hiện trạng sản xuất rau xanh ở một số xã vùng ven thị xã Hải Dương. Qau điều tra cho thấy: 41% số hộ nông dân tưới nước phân tươi, nước bẩn, bón phân chuồng tươi cho rau; 50% số hộ nông dân bón phân đạm liều cao (trên 10kg đạm Urê/1sào) rau xanh; 69% số hộ nông dân phun thuốc hoá học ngoài danh mục quy định, nồng độ phun cao, phun sát ngày thu hoạch sản phẩm.

Từ kết quả điều tra khẳng định, việc tiến hành thực hiện đề tài là cần thiết và đúng hướng, nhất là đi vào nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn tiêu dùng nội địa. Trên cơ sở đó, Ban chủ nhiệm đề tài đã đề ra các biện pháp: tuyên truyền kết quả đề tài để mọi người học tập, áp dụng; tuyên truyền về tác hại của việc sản xuất rau không an toàn đối với cộng đồng, tổ chức đi tham quan các mô hình sản xuất rau sạch ở Hà Nội,...

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Sau khi tổng kết các mô hình mà đề tài nghiên cứu xây dựng đều không áp dụng rộng ra được, vì:

- Mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Quốc tế không phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân trong tỉnh vì phải dùng nước sạch tưới cho cây, phun thuốc trừ sâu bệnh bằng thuốc sâu vi sinh, thuốc thảo mộc...; giá thành 1 kg sản phẩm lại quá cao (dưa chuột 6.378,75 đồng/kg, suplơ trắng Thái Lan: 3.210 đồng/kg, cà chua hồng Ba Lan: 6.059 đồng/kg) nên rất khó bán, trong khi cũng những sản phẩm đó bình thường chỉ bán được 30 - 50% mức giá trên.

- Mô hình sản xuất rau an toàn tiêu dùng nội địa: quy trình sản xuất và giá thành sản phẩm là tương đối phù hợp với nông dân, nhưng vẫn không mở rộng được vì chưa có biện pháp về tổ chức và quản lý để người tiêu dùng phân biệt được rau an toàn và không an toàn, giá bán rau an toàn phải cao hơn, v.v... Thực tế thì không được như vậy nên người dân không thực hiện theo mô hình.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây