Cơ cấu Cây trồng ở huyện Kim Thành và Chí Linh

ĐỀ TÀI LỰA CHỌN HỆ THỐNG CƠ CẤU CÂY TRỒNG THÍCH HỢP ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP HUYỆN KIM THÀNH VÀ CHÍ LINH PHỤC VỤ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP  

Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Tăng Minh Lộc, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành; KS. Doãn Văn Toả, Phó Chủ tịch UBND huyện Chí Linh.

Đơn vị thực hiện: Phòng Kế hoạch - Đầu tư huyện Kim Thành, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chí Linh.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 6/1999 - 6/2000.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

Xác định hiện trạng và lựa chọn hệ thống cơ cấu cây trồng, công thức luân canh thích hợp, có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với vùng sinh thái của huyện Kim Thành và huyện Chí Linh, nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nông thôn có hiệu quả.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Kết quả thực hiện ở huyện Kim Thành.

1.1. Điều tra hiện trạng, cơ cấu cây trồng và hệ thống công thức luân canh.

a. Hiện trạng cơ cấu cây trồng.

Năm 1998, cơ cấu cây trồng của huyện Kim Thành là: 78,96% lúa, 4,5% ngô, 3,18% củ đậu, 1,86% khoai lang, 1,99% đậu tương, 1,58% dưa hấu , 0,55% tỏi.

Về diện tích thâm canh, năng suất cây trồng:

- Cây lúa: 11,04 ha, năng suất lúa bình quân 50,3 tạ/ha. Các giống lúa chủ yếu là: 13/2, X21, Xi23, Q5, VN10, U17, U20. Nhìn chung hiệu quả cây lúa thường thấp hơn các loại cây trồng khác.

- Cây ngô: 542 ha, năng suất 43,19 tạ/ha, thu lãi bình quân khoảng 250.000 đồng/sào, sản phẩm chủ yếu phục vụ ngành chăn nuôi, hiệu quả kinh tế thấp.

- Cây củ đậu: 400 ha, năng suất bình quân 1,8 tấn/sào, lãi khoảng 800.000 đồng/sào. Đây là cây có thu nhập tương đối ổn định, thường được trồng nhiều ở xã Đồng Gia, Cẩm La.

- Cây khoai lang: 311 ha, hiệu quả kinh tế tương đối thấp.

- Cây đậu tương: 488 ha, năng suất bình quân 0,9 tạ/sào, lợi nhuận thu được khoảng 350.000 đồng/sào. Đây là cây có năng suất ổn định và phù hợp với nhu cầu thị trường.

- Cây dưa hấu: 242 ha, năng suất bình quân 10 tạ/sào, lãi bình quân 700.000 đồng/sào. Đây là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

- Cây tỏi: 172 ha, năng suất trung bình đạt 3,4 tạ/sào, lãi bình quân 700.000 đồng/sào.

b. Hệ thống công thức luân canh.

* Khu vực 1 gồm các xã Đại Đức, Tam Kỳ, Liên Hoà, Kim Khê, Kim Lương với tổng diện tích đất nông nghiệp là 2.412 ha, thường áp dụng công thức sau:

- Lúa chiêm + dưa hấu, ớt chiếm khoảng 1,04% diện tích, công thức này cho hiệu quả cao.

- Lúa chiêm + dưa hấu + lúa mùa + khoai tây, chiếm khoảng 0,75% diện tích, phù hợp với nhu cầu thị trường.

- Lúa chiêm + lúa mùa + ngô (hoặc khoai lang), chiếm khoảng 4,1% diện tích, công thức này cho hiệu quả kinh tế thấp.

- Lúa chiêm + lúa mùa, chiếm khoảng 63% diện tích, cho hiệu quả kinh tế thấp.

- Vườn tạp trong khu vực thường trồng các loại vải, táo, chuối... hiệu quả kinh tế thấp.

* Khu vực 2 gồm các xã Đồng Gia, Cẩm La, Kim Đính, Kim Anh, Ngũ Phúc, thị trấn Phú Thái với tổng diện tích đất nông nghiệp là 2.392,7 ha, thực hiện theo các công thức sau:

- Lúa chiêm + dưa hấu + lúa mùa + hành tây, chiếm khoảng 2% diện tích, cho hiệu quả kinh tế cao.

- Lúa chiêm + lúa mùa + ớt, chiếm khoảng 1,7% diện tích, cho hiệu quả kinh tế cao.

- Lúa chiêm + dưa hấu + củ đậu + rau (tập trung chủ yếu ở xã Đồng Gia và Cẩm La), chiếm khoảng 10,4% diện tích, cho hiệu quả kinh tế cao.

- Lúa chiêm + lúa mùa + củ đậu, chiếm khoảng 8,6% diện tích, cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định.

- Lúa chiêm + lúa mùa, chiếm 76,8% diện tích, cho hiệu quả kinh tế thấp.

* Khu vực 3 gồm các xã Cộng Hoà, Lai Vu, Thượng Vũ, Cổ Dũng, Tuấn Hưng, Việt Hưng, Kim Xuyên, Phúc Thành với tổng diện tích đất nông nghiệp 2.626,61 ha, thực hiện theo các công thức sau:

- Lúa + đậu tương + ớt, chiếm khoảng 0,75% diện tích, cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thị trường.

- Lúa + đậu tương + ngô + khoai tây, chiếm khoảng 2,63%, cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thị trường.

- Dưa hấu + lúa + tỏi, chiếm khoảng 1,88% diện tích, cho hiệu quả kinh tế cao.

- Còn lại là đất trồng 2 vụ và 1 vụ.

1.2. Lựa chọn hệ thống cây trồng và công thức luân canh thích hợp.

a. Hệ thống cây trồng.

Qua so sánh hiệu quả kinh tế của từng loại cây trồng, đề tài đã xác định huyện Kim Thành cần phải giảm tỷ trọng một số loại cây như: lúa, ngô, khoai lang và tăng tỷ trọng của một số loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như: củ đậu, dưa hấu, hành tây, ớt, đậu tương, tỏi. Cơ cấu cụ thể như sau:

Tổng diện tích gieo trồng là: 14.086 ha, bằng 100%, trong đó, tổng diện tích cấy lúa trong năm là: 9.636 ha, chiếm 70,5%; tổng diện tích trồng ngô: 300 ha, chiếm 2,13%; khoai lang: 160 ha, chiếm 1,14%; dưa hấu: 500 ha, chiếm 3,54%; củ đậu: 600 ha, chiếm 4,25%; hành tây: 450 ha, chiếm 3,18%; đậu tương: 600 ha, chiếm 4,25%.

Riêng đối với cây lúa, vụ chiêm cần giảm tỷ lệ trà xuân sớm xuống còn khoảng 55%, tăng trà xuân muộn, thâm canh các loại giống có năng suất cao: KD18, Q5, lai 2 dòng, lai 3 dòng. Vụ mùa trên những diện tích trũng cần thâm canh các giống U17, U20 vì có khả năng chịu úng tốt.

Trên diện tích cấy lúa 1 vụ và 2 vụ bấp bênh (bãi trũng) nên chuyển sang đào ao thả cá và lập vùng trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như vải, nhãn, na v.v... Tổng diện tích cần chuyển đổi khoảng 500 ha.

Đối với vườn tạp, cần cải tạo loại bỏ những cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp như: táo, ổi, quất... để trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như: vải, nhãn, hồng xiêm, na...

b. Lựa chọn hệ thống công thức luân canh cây trồng.

Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất hệ thống các công thức luân canh như sau:

Lúa chiêm + lúa mùa + ớt.

Lúa chiêm + dưa hấu + dưa hấu + khoai tây.

Lúa chiêm + đậu tương + ớt.

Lúa chiêm + dưa hấu + củ đậu + rau các loại.

Lúa chiêm + lúa mùa + củ đậu.

Lúa chiêm + dưa hấu + củ đậu + khoai tây.

Lúa chiêm + đậu tương + tỏi.

Lúa chiêm + đậu tương + ngô.

Lúa chiêm + lúa mùa + ngô

Lúa chiêm + lúa mùa + hành tây (hoặc hành ta).

Trên một số diện tích bãi trũng vẫn cần duy trì công thức: lúa chiêm + lúa mùa.

2. Kết quả thực hiện ở huyện Chí Linh.

2.1. Điều tra hiện trạng cơ cấu cây trồng và hệ thống công thức luân canh.

a. Hiện trạng cơ cấu cây trồng.

- Năm 1999 tổng diện tích gieo trồng của huyện Chí Linh là 13.646 ha. Cơ cấu cây trồng của huyện gồm:

+ 10.875 ha cây lương thực, bằng 79,6%.

+ 1.394 ha cây thực phẩm, bằng 10,2%.

+ 1.377 ha cây công nghiệp (lạc, đỗ tương), bằng 10,4%.

- Diện tích thâm canh, năng suất một số cây trồng như sau:

+ Cây lúa: diện tích lúa chiêm xuân 4.496 ha, năng suất trung bình 37,1 tạ; diện tích vụ mùa 4.833 ha, năng suất bình quân 38,5 tạ/ha.

+ Cây ngô: diện tích 568 ha, năng suất 33,5 tạ/ha.

+ Cây khoai lang: diện tích 548 ha, năng suất 95 tạ/ha.

+ Cây khoai tây: diện tích 201 ha, năng suất 146 tạ/ha.

+ Cây lạc: diện tích 1.084 ha, năng suất 13,14 tạ/ha.

+ Cây đậu tương: diện tích 234,2 ha, năng suất 8,3 tạ/ha.

+ Rau thực phẩm: diện tích 1.387,5 ha, năng suất bình quân 120 tạ/ha.

b. Hệ thống công thức luân canh.

Trên địa bàn huyện, chương trình áp dụng 33 công thức luân canh. Trong đó, có 29 công thức 3 vụ và 2 công thức 2 vụ (không có vụ đông).

Đánh giá chung về các công thức trên như sau:

- Công thức luân canh 3 vụ/năm:

Lúa (hoặc lạc) xuân - lúa mùa sớm - cây vụ đông. Ban chủ nhiệm đề tài đã đưa ra 4 công thức phù hợp với các địa bàn khác nhau.

Bình quân chung ở công thức này đạt 494.000 đồng/sào/năm, tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho nông dân. Dùng công thức:

Lúa (lạc) xuân - lúa mùa sớm - hành vụ đông.

Lúa xuân - lúa mùa sớm - ớt (tỏi) đông:

Cho lợi nhuận cao nhất từ 600 đến 900 ngàn đồng/sào/năm.

- Công thức luân canh 2 vụ/năm:

Lúa xuân + lúa mùa, lợi nhuận thu được 235.700 đồng/sào/năm.

Lạc + lúa mùa, lợi nhuận thu được 210.500 đồng/sào/năm.

2.2. Lựa chọn hệ thống cây trồng và công thức luân canh thích hợp.

a. Hệ thống cây trồng hàng năm.

* Hệ thống cây trồng hàng năm.

Diện tích lúa nên giữ ổn định 8.500 ha/năm, thâm canh có năng suất cao, cho sản lượng lớn và áp dụng các giống TBKT để phát triển vụ đông, cây công nghiệp. Cụ thể:

- Vụ chiêm xuân: giảm diện tích trà xuân sớm xuống còn khoảng 52% diện tích và áp dụng các lúa TBKT mới như DT15, Xi23. Giảm hẳn trà xuân trung, tăng diện tích trà xuân muộn lên khoảng 48% và áp dụng các giống lúa thuần và lúa lai như KD18, Q5, lúa lai Bắc ưu 903 và 253, tạp giao 1 và tạp giao 5.

- Vụ mùa: tăng diện tích trà sớm và sớm trung lên khoảng 45% để phát triển vụ đông. Đối với chân đất trũng và vàn trũng thì cấy các cây giống U20, U21; chân đất cao cấy các giống Q5, KD18, Xi21, Xi23; các xã phía bắc đường 18 thì cấy các giống bao thai, mộc hương.

- Vụ đông: đưa diện tích cây vụ đông ổn định ở mức 2.000 ha hàng năm. áp dụng giống TBKT mới như ngô LVN4, khoai lang trạm hào 2, ớt, dưa xuất khẩu.

- Cây công nghiệp: giữ ổn định ở mức khoảng 900 - 1000 ha. Áp dụng giống TBKT mới như giống lạc LVT, đậu tương AK06, ĐT93,...

- Có gần 500 ha là chân cao hạn thường xuyên thiếu nước, năng suất cây trồng thấp, bấp bênh, sẽ chuyển sang lập vườn trồng cây ăn quả và đào ao nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với trồng cây ăn quả để nâng cao hiệu quả kinh tế.

* Lựa chọn hệ thống công thức luân canh cây trồng.

Ban chủ nhiệm đề xuất các công thức luân canh sau đây:

Lúa xuân - lúa mùa sớm - hành ta.

Lạc xuân - lúa mùa sớm - hành ta.

Lúa xuân - lúa mùa sớm - khoai tây.

Lạc xuân - lúa mùa sớm - khoai tây.

Lúa xuân - lúa mùa sớm - ngô đông.

Lúa xuân - lúa mùa sớm - khoai lang.

Lạc xuân - lúa mùa sớm - khoai lang.

Lúa xuân - lúa mùa sớm - ớt vụ đông.

Lúa xuân - lúa mùa sớm - tỏi vụ đông.

b. Đối với cây ăn quả lâu năm.

Chí Linh có 12.776,7 ha đất đồi rừng, 1.239 ha đất vườn, 961 trang trại với 1.347,5 ha trồng cây ăn quả, chủ yếu là vải thiều, tập trung ở các vùng đất sau:

- Nơi đất núi cao, dốc lớn, khô hạn, nghèo, xấu sẽ trồng cây rừng phòng hộ như keo, thông.

- Nơi đất thấp ven đồi, độ dốc nhỏ, gần nguồn nước tưới tiêu sẽ phát triển trồng cây ăn quả là cây vải kết hợp trồng cây na dai, hương bài, dứa.

- Nơi đất bằng, thung lũng đất ẩm sẽ trồng nhãn Hưng Yên, hồng không hạt kết hợp trồng lạc, đỗ.

c. Cải tạo vườn tạp.

Đối với những vườn trồng cây tạp, hiệu quả kinh tế thấp cần cải tạo theo hướng chuyên canh, thâm canh, trồng cây ăn quả bản địa: vải thiều, vải lai cực sớm, nhãn lồng, hồng không hạt, na dai, táo dai, v.v...

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Sau khi nghiệm thu, hệ thống các công thức luân canh đã được áp dụng ở các địa bàn phù hợp của hai huyện Kim Thành, Chí Linh. Cơ cấu giống cây trồng và trà vụ cũng thay đổi phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế cao.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây