Chủ nhiệm dự án: KS. Vũ Bảo Dương, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương.
Cơ quan phối hợp: Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp); Phòng Kế hoạch Tài chính và Khoa học - Công nghệ của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện: 2/1999 - 01/2001.
Dự án được tổng kết sau khi kết thúc.
I. MỤC TIÊU
- Xây dựng mô hình sản xuất một số loại giống nấm ăn tại Hải Dương đạt năng suất cao, ổn định;
- Áp dụng một số giải pháp trong chế biến và bảo quản nấm;
- Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, hộ nông dân có đủ khả năng tiếp thu công nghệ sản xuất và chế biến, bảo quản nấm ăn để nâng cao giá trị hàng hoá cho sản phẩm nấm.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Xây dựng mô hình sản xuất các loại giống nấm ăn tại Hải Dương đạt năng suất cao, ổn định.
- Viện Di truyền nông nghiệp đã đào tạo 3 cán bộ của Trung tâm Ứng dụng TBKH làm chủ được công nghệ nuôi cấy giống nấm từ giống gốc ra giống cấp 1 và sản xuất thành công các giống nấm mỡ, sò tại tỉnh Hải Dương,
Kết quả sản xuất thử 1.000 bịch giống nấm mỡ, sò đạt tỷ lệ sống 65 - 70%.
- Hướng dẫn cho các hộ nông dân tiếp thu công nghệ sản xuất nấm ăn.
+ Sản xuất nấm sò thương phẩm (năm 1999) tại Trung tâm Ứng dụng TBKH, xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) và xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) với tổng số 2.310 kg nguyên liệu, thu được 1.112 kg sản phẩm, đạt năng suất 48,12% so với khối lượng nguyên liệu.
+ Sản xuất nấm rơm tại Trung tâm Ứng dụng TBKH; các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Tứ Kỳ và Thanh Miện. Tổng số nguyên liệu trồng nấm rơm 32 tấn, số sản phẩm thu được 4 tấn, năng suất đạt 13% so với khối lượng nguyên liệu.
Năm 2000 mở rộng mô hình sản xuất nấm mỡ và nấm sò tại 6 huyện: Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách, Kinh Môn và Thanh Miện. Tổng số nguyên liệu trồng 2 loại nấm trên là 130 tấn, thu được 50 tấn sản phẩm, năng suất nấm mỡ đạt trung bình từ 25-30% (riêng Nam Sách đạt 33%), năng suất nấm sò nhiều địa phương đạt tới 80-85% so với khối lượng nguyên liệu. Toàn bộ sản phẩm của 2 loại nấm này đều được bán tươi trên thị trường và các tỉnh lân cận.
- Đánh giá hiệu quả kinh tế:
+ Giá thành sản xuất của 1 kg nấm sò tươi là 2.010 đồng (chưa tính công); giá bán thực tế 4.000-5.000 đồng/kg.
+ Giá thành sản xuất của 1 kg nấm mỡ tươi là 3.400 đồng (chưa tính công); giá bán thực tế 5.000-6.000 đồng/kg.
+ Giá thành sản xuất của 1 kg nấm rơm tươi là 4.200 đồng (chưa tính công); giá bán thực tế 8.000-10.000 đồng/kg .
2. Áp dụng một số giải pháp trong chế biến và bảo quản nấm.
2.1. Ứng dụng lò sấy cải tiến là kết quả của đề tài "Nghiên cứu lò sấy cải tiến" của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã được nghiệm thu để sấy nấm ăn và hoàn thiện quy trình sấy nấm.
Kết quả 4 lần sấy thử 80 kg nấm tươi thu được 10 kg nấm khô có màu vàng đều; hoàn thiện được thiết kế lò sấy phù hợp với nguyên liệu nấm; hoàn thiện quy trình sấy; lượng than tiêu tốn 06 - 0,7 kg/1 kg nấm tươi, thời gian sấy 5 tiếng, không phải đảo trong khi sấy.
2.2. Áp dụng công nghệ muối nấm.
Quy trình: Nấm tươi ð Phân loại, cắt chân, rửa sạch ð Chần qua nước sôi 3 - 7 phút ð Thả vào nước lạnh ð Để ráo nước ð Cho vào chum, vại, can nước muối bão hoà + a xít... ð Bảo quản.
Kết quả áp dụng tại các xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) và Tân Hưng (Gia Lộc): Đợt 1: 65 kg nấm mỡ tươi đạt 38,8 kg nấm mỡ muối. Đợt 2: 100 kg nấm mỡ tươi đạt 60 kg nấm mỡ muối. Đợt 3: 192 kg nấm mỡ tươi đạt 115 kg nấm mỡ muối. Nấm muối có thể bảo quản được từ 6 - 12 tháng, chất lượng đảm bảo.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Sau khi dự án kết thúc, nhiều huyện đã phát triển trồng nấm. Thời gian đầu có thị trường tiêu thụ, nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu nhập từ 300.000 -400.000 đồng/người (năm 2000), tuy nhiên sau đó do cung lớn hơn cầu, một số đơn vị thu mua không có thị trường nên việc trồng nấm bị co hẹp lại.
Công nghệ sấy, muối đơn giản, dễ chuyển giao, nhưng việc phát triển nấm lại phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ.