Chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn ở tỉnh Hải Dưong

ĐỀ TÀI CHUYỂN ĐỔI RUỘNG ĐẤT TỪ Ô THỬA NHỎ THÀNH Ô THỬA LỚN Ở TỈNH HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Hữu Cát, Trưởng Ban Kinh tế Tỉnh uỷ Hải Dương.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Ban Kinh tế Tỉnh uỷ Hải Dương.

Thời gian thực hiện: 1997 - 1998.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Xuất sắc.

I. MỤC TIÊU

- Phân tích cơ sở lý luận của đổi mới quan hệ ruộng đất, đi từ chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn đến tích tụ đất đai trong nông nghiệp.

- Tổng kết thực tiễn và xây dựng mô hình chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn phù hợp với điều kiện thực tế của Hải Dương.

- Áp dụng thí điểm mô hình ở một xã để rút kinh nghiệm và kiến nghị các biện pháp thực hiện chuyển đổi ruộng đất trên phạm vi toàn tỉnh.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Tình hình quản lý và sử dụng ruộng đất ở tỉnh Hải Dương.

(Ghi chú: Từ ngày 1/1/1997, tỉnh Hải Hưng được chia tách thành hai tỉnh là Hải Dương và Hưng Yên).

- Trước khi Luật đất đai năm 1993 ra đời, Tỉnh uỷ Hải Hưng đã có Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 28/4/1992 về việc giao ruộng đất cho nông dân và UBND tỉnh Hải Hưng cũng đã có Quyết định số 721-QĐ/UB, ngày 17/9/1992 cho làm thí điểm giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho hộ nông dân. Sau khi thí điểm đạt kết quả tốt, ngày 25/2/1993 UBND tỉnh Hải Hưng ra Quyết định số 235-QĐ/UB để thực hiện việc giao quyền sử dụng ruộng đất cho hộ nông dân trong toàn tỉnh.

- Đề tài đã tiến hành điều tra thực tế 2.500 hộ nông dân ở 10 xã: Toàn Thắng (Gia Lộc), Cẩm Đông (Cẩm Giàng), Nam Hồng (Nam Sách), Lê Bình (Thanh Miện), Tân Dân (Chí Linh), Phượng Hoàng (Thanh Hà), Hồng Thái (Ninh Giang) và Tâm Hồng (Bình Giang). Kết quả như sau:

Số mảnh ruộng đất bình quân cho một hộ là 10,3 ô thửa/1 hộ, nhiều hộ có trên 15 thửa ruộng, diện tích mỗi thửa rất nhỏ, chủ yếu là dưới 400 m2 (chiếm 92%). Số hộ có nhu cầu chuyển ruộng để giảm bớt số ô thửa là 2.300 hộ, chiếm 92%. Trong đó 73% số hộ muốn có từ 3 - 5 thửa, 27% số hộ muốn có từ 1 - 2 thửa. Không có hộ nào muốn nhận mảnh ruộng đất có diện tích quá lớn.

Qua khảo sát cho thấy, nông dân có nguyện vọng sớm được tổ chức chuyển đổi đất từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn để mỗi hộ nông dân có những diện tích đủ lớn thuận lợi cho việc đầu tư thâm canh. Thời gian cho thuê đất công (ao, hồ, đầm, ruộng...) nên kéo dài từ 30 đến 40 năm để các hộ yên tâm đầu tư thâm canh dài hạn.

2. Phương pháp, quy trình chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn.

2.1. Phương pháp chuyển đổi.

- Phương pháp bù trừ sản lượng:

Phương pháp này dựa trên nguyên tắc những hộ nhận ruộng có năng suất lúa (màu) thấp hơn mức trung bình sẽ được bù sản lượng bởi những hộ ruộng có năng suất cao hơn mức trung bình.

Yêu cầu của phương pháp này là mỗi hộ có thể nhận ruộng xấu, tốt, xa, gần tuỳ ý và có tính đến cơ cấu lúa, màu hợp lý, nhưng phải hạn chế manh mún và phân tán. Mỗi hộ chỉ nhận từ 1 đến 3 thửa với tổng diện tích bằng diện tích cũ.

- Phương pháp bù trừ diện tích:

Phương pháp này còn gọi là phương pháp "Hệ số quy đổi" theo nguyên tắc những hộ nhận ruộng tốt, ruộng gần hoặc có điều kiện canh tác thuận lợi hơn thì diện tích thực tế sẽ giảm đi so với trước.

Yêu cầu của phương pháp này là xác định hệ số quy đổi cho toàn bộ diện tích cần chuyển đổi theo khu đồng (xứ đồng). Mỗi hộ chỉ được nhận từ 1 - 3 thửa ruộng theo khu đồng để chống manh mún. Nhưng khi thực hiện phương pháp này phải có sự nhất trí cao của hộ nông dân, tránh áp đặt gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân.

- Phương pháp chia lại ruộng:

Việc chia lại ruộng phải đảm bảo diện tích đất của mỗi hộ bằng diện tích chia theo Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy. Phương pháp chia lại ruộng phải đảm bảo các nguyên tắc:

+ Hộ nông dân được bàn bạc dân chủ, công khai và tự nguyện tham gia chuyển đổi ruộng đất, không gò ép, bắt buộc.

+ Giữ nguyên hạng đất tính thuế, lựa chọn thời điểm chuyển đổi sao cho không ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất.

+ Quá trình chuyển đổi ruộng đất phải gắn với quy hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm bảo đảm yêu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác, sử dụng tốt quỹ đất công điền và các diện tích đất chưa sử dụng khác.

+ Trong chuyển đổi cần khuyến khích đầu tư thâm canh và quan tâm thoả đáng các đối tượng chính sách xã hội.

+ Sau chuyển đổi phải thực hiện cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo số ô, thửa và diện tích mới.

2.2. Quy trình chuyển đổi.

- Bước chuẩn bị: Làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân tự nguyện tiến hành chuyển đổi ruộng đất. Thành lập ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đảm bảo cơ cấu đại diện cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể. Xác định thời gian và phương tiện làm việc.

- Bước xây dựng phương án: Kê khai, khảo sát lại quỹ đất, xây dựng lại quy hoạch giao thông, thuỷ lợi của địa phương. Phải xây dựng một số phương án để lựa chọn phương án tối ưu, tổ chức triển khai thực hiện.

- Bước tổ chức giao đất cho hộ nông dân được tiến hành theo giai đoạn: giai đoạn giao đất trên sơ đồ và tiến hành đo dạc, giao trên thực tế. Việc giao đất cho các hộ phải tiến hành theo quy trình chặt chẽ, có biên bản giao nhận đầy đủ.

- Khi hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất ở địa phương phải tiến hành ngay việc lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất nông nghiệp cho từng hộ nông dân.

3. Kết quả áp dụng thí điểm chuyển đổi ruộng.

Đề tài đã tiến hành thí điểm phương pháp, quy trình chuyển đổi ruộng đất tại thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang. Việc áp dụng quy trình chuyển đổi được tiến hành chặt chẽ, thận trọng và khoa học. Quá trình chuyển đổi thu được những kết quả chính sau:

- Nông dân đã đề nghị dùng phương án bốc thăm phân chia lại ruộng đất theo 6 khu đồng đã được thống nhất chuyển đổi.

- Quy hoạch lại gọn diện tích dự phòng khu dân cư đến năm 2010, đấu thầu sử dụng hàng năm với diện tích 3,2 ha. Quy hoạch xây dựng sân thể thao 1,7 ha, dự phòng cho nghĩa địa 0,7 ha. Quy hoạch lại hệ thống kênh mương và đường giao thông. Xử lý diện tích ao hồ, đầm trũng quanh làng để tổ chức đấu thầu.

- Số thửa sau chuyển đổi còn 810 thửa bằng 32,3% số thửa trước đây và giảm 1.693 thửa so với trước khi chuyển đổi. Diện tích bình quân một thửa đạt 673,2 m2, tăng 455 m2 và bình quân mỗi hộ chỉ còn 5 thửa (giảm 10,2 thửa). Trong đó, có 132 hộ (80%) có từ 5 - 6 thửa, 33 hộ (20%) có từ 3 - 4 thửa.

Sau khi chuyển đổi với số thửa ruộng của mỗi hộ còn ít, diện tích mỗi thửa tăng đã giúp cho nông dân chủ động hơn trong việc đầu tư thâm canh, có điều kiện bố trí cây trồng hợp lý, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giảm đáng kể chi phí công lao động. Kết quả hai vụ sau chuyển đổi năng suất lúa tăng lên, diện tích vụ đông được mở rộng, bà con nông dân rất phấn khởi.

4. Những kiến nghị của đề tài.

Để triển khai ra diện rộng việc chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp tập thể, các tác giả nghiên cứu đề nghị:

- Tỉnh cần có chủ trương thống nhất về việc chuyển đổi ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp để ruộng đất không bị manh mún, thuận lợi cho sản xuất.

- Thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh đến các xã trong toàn tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch chuyển đổi ruộng đất.

- Tổ chức tuyên truyền vận động thực hiện kế hoạch.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyển đổi theo một quy trình, có phương án chuyển đổi hợp lý.

- Bảo đảm điều kiện tài chính cần thiết cho chuyển đổi ruộng đất và tài chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất cho nông dân những nơi hoàn thành việc chuyển đổi.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Sau khi đề tài được nghiệm thu, Ban Kinh tế Tỉnh uỷ đã phối hợp với UBND huyện Bình Giang tổ chức tập huấn quy trình, phương án, điều kiện triển khai chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn cho tất cả các xã trong huyện.

- Tuy các năm 2000-2003 còn nhiều yếu tố chưa phù hợp nên tỉnh chưa có chủ trương bằng văn bản chỉ đạo việc dồn điền, đổi thửa. Từ năm 2004 Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã Nghị quyết, Quyết định dồn điền, đổi thửa, giảm số ô thửa của mỗi hộ nông dân, tăng diện tích từng ô cho canh tác hợp lý. Các chương trình chuyển đổi được áp dụng tại các địa phương trong tỉnh.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây