Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN, ĐOÀN THỂ, CÁN BỘ QUẢN LÝ TỪ HUYỆN ĐẾN TỈNH
Chủ nhiệm đề tài: Ông Hoàng Hữu Vân, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hải Dương.

Đơn vị chủ trì thực hiện: Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Năm 1997 - 1999.

Đề tài được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

Khảo sát điều tra thực trạng đội ngũ các bộ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, cán bộ quản lý, nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý kinh tế - xã hội, thích nghi dần với cơ chế mới. Định hướng về tuyển dụng nhân tài cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ.

Điều tra đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và huyện thuộc diện Tỉnh uỷ quản lý được quy định trong Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phân cấp quản lý cán bộ (số 37 - QĐTU ngày 17/02/1998). Nội dung khảo sát bao gồm: Độ tuổi, năng lực, trình độ chuyên môn, quá trình đào tạo, trưởng thành,... tình hình bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ. Các tiêu chí điều tra được quy định cụ thể, thống nhất và cho các chức danh cán bộ trong cùng một mẫu phiếu điều tra.

1.1. Kết quả nghiên cứu.

1.1.1. Đối với cán bộ lãnh đạo Đảng và chính quyền.

Đề tài đã đưa vào diện điều tra 202 đồng chí. Kết quả điều tra cho thấy:

* Mặt mạnh:

- Hầu hết đội ngũ cán bộ đã được rèn luyện, thử thách trong chiến tranh cách mạng và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Số đồng chí tham gia cách mạng giai đoạn 1975 trở về trước trong cấp uỷ trên cơ sở khoá 1996-2000 là 78,7%; trong Tỉnh uỷ là 95,9 %. Đây là lực lượng trực tiếp lãnh đạo công cuộc đổi mới ở địa phương trong thời gian qua, hầu hết đều có phẩm chất chính trị tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, có kinh nghiệm công tác và có quyết tâm đổi mới.

- Trình độ kiến thức của đội ngũ cán bộ đã được nâng lên một bước, cho đến thời điểm điều tra 100% số đồng chí Tỉnh uỷ viên có trình độ lý luận chính trị, trong đó 90% các đồng chí có trình độ cao cấp lý luận. Trong số 27 giám đốc và phó giám đốc sở, ngành tỉnh thì có tới 95,6% có trình độ đại học, 88,2% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Trong 12 Ban Thường vụ huyện, Thành uỷ (111 đồng chí) có 87,4% trình độ cao đẳng, đại học, 93,6% có trình độ lý luận từ trung cấp chính trị trở lên.

Đội ngũ cán bộ có bước trưởng thành về năng lực lãnh đạo và quản lý kinh tế xã hội, thích nghi dần với cơ chế mới. Phong cách lãnh đạo của đội ngũ cán bộ được đổi mới một bước, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

- Về phẩm chất chính trị và đạo đức: Nhìn chung đội ngũ lãnh đạo các cấp có ý thức tổ chức kỷ luật. Tập thể các ban chấp hành, các tổ chức đảng luôn luôn đoàn kết, nhất trí, thể hiện sự tôn trọng và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ.

* Mặt hạn chế:

- Độ tuổi trung bình cao, tốc độ trẻ hoá chậm. Tuổi trung bình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá 1991-1995 là 47,6; khoá 1996-2000 là 49,9; của Ban Chấp hành cấp uỷ trên cơ sở 2 khoá trên là 45,7 và 42,4.

- Nhìn chung cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt chưa được đào tạo toàn diện về quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, trình độ ngoại ngữ rất thấp.

Tỉ lệ nữ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo thấp.

Trước tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, một số cán bộ do thiếu hiểu biết pháp luật về quản lý kinh tế, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng chức vụ cố ý làm trái nên đã mắc sai lầm khuyết điểm ở những mức độ khác nhau.

1.1.2. Cán bộ khoa học công nghệ.

- Về trình độ học vấn: Số người có trình độ từ cao đẳng trở lên trong toàn tỉnh tính đến thời điểm điều tra là 24.840 người bằng 1,46% dân số trong tỉnh, trong đó:

+ Số người có trình độ cao đẳng là: 9.958 người bằng 40,1% trong tổng số người có trình độ học vấn toàn tỉnh.

+ Số người có trình độ đại học là: 14.674 người bằng 59,1% tổng số.

+ Số người có trình độ thạc sỹ: 178 người bằng 0,7% tổng số.

+ Số người có trình độ tiến sỹ: 30 người bằng 0,1% tổng số.

- Về giới tính: Trong tổng số 24.840 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, nam có 12.993 người chiếm 52,3% tổng số và nữ có 11.847 người chiếm 47,7% tổng số.

- Về độ tuổi: Qua số liệu cho thấy độ tuổi lao động trẻ đã tăng lên cao hơn so với các nhóm tuổi còn lại. Điều đó chứng tỏ đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ từ cao đẳng trở lên đang được chú trọng. Tuy nhiên đội ngũ cán bộ trẻ này vẫn tập trung chủ yếu ở bậc cao đẳng và đại học, còn sau đại học lại thấp (chỉ có thạc sỹ, không có tiến sĩ).

- Về chuyên ngành đào tạo: Trong số 24.840 người có trình độ từ cao đẳng trở lên đã được phân bổ theo các ngành đào tạo mã số cấp II và được phân theo 10 nhóm ngành trong 23 ngành học. Trong các chuyên ngành học thì trình độ cao đẳng và đại học chiếm ưu thế, thạc sỹ và tiến sỹ chiếm số lượng rất nhỏ. Trong đó ngành khoa học giáo dục và đào tạo có số lượng nhiều nhất, tỷ lệ nữ trong ngành này cũng cao nhất. Số liệu cụ thể như sau:

+ Ngành Khoa học xã hội và nhân văn là 1.515 người chiếm 6,1% tổng số, trong đó nữ có 380 người chiếm 25,1% tổng số trong ngành.

+ Ngành Kinh doanh và quản lý là 3.888 người chiếm 15,7% tổng số, trong đó nữ là 1.402 người chiếm 36,1% tổng số trong ngành.

2. Nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ.

Trên cơ sở kết quả khảo sát thực trạng, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện:

2.1. Xác định rõ tiêu chuẩn cụ thể các loại chức danh cán bộ.

Để có đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới phải xác định tiêu chuẩn cán bộ một cách khoa học, đánh giá, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt cán bộ đúng.

Thứ nhất: Căn cứ vào vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của từng chức danh cán bộ thì mỗi chức danh cán bộ khác nhau sẽ có tiêu chuẩn khác nhau.

Thứ hai: Tiêu chuẩn chức danh cán bộ phải phù hợp với điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội, con người Việt Nam, đặc điểm của tỉnh Hải Dương trong thời kỳ mới.

Thứ ba: Xác định rõ mối quan hệ điều kiện với tiêu chuẩn cán bộ. Điều kiện là những quy định về bằng cấp, học vị, tuổi tác, sức khoẻ... còn tiêu chuẩn là những tiêu chí cụ thể hoá về phẩm chất, năng lực của cán bộ.

2.2. Xác định cơ cấu và xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo.

Cơ cấu cán bộ phải được xem xét từ mặt bằng cơ cấu độ tuổi, cơ cấu chất lượng, cơ cấu thành phần và cơ cấu giới tính.

Trong tình hình hiện nay, đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và của huyện, cần được trẻ hoá. Độ tuổi: Trung niên 50 - 55%; tuổi trẻ 25%; tuổi cao 20 - 25%.

Quy hoạch cán bộ phải được tiến hành trên nguyên tắc dân chủ, công khai và phải dựa trên tiêu chí cụ thể. Sau khi quy hoạch cần tiến hành đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để cán bộ được quy hoạch có thể đáp ứng yêu cầu của từng vị trí, chức danh.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả đề tài là cơ sở để tỉnh xây dựng Nghị Quyết 19 về tổ chức bộ máy chính quyền, cung cấp số liệu về số lượng cán bộ để xây dựng Nghị quyết Trung ương 4; đồng thời là để xây dựng các quy chế về quản lý cán bộ, về tiêu chuẩn, chức danh cán bộ xã phường, thị trấn. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo công chức cấp xã.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây