Khảo sát vai trò lãnh đạo của Đảng bộ cơ sở

ĐỀ TÀI KHẢO SÁT VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ CƠ SỞ LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC KHOA GIÁO TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HÓA - HIỆN ĐẠI HÓA Ở HẢI DƯƠNG  

Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Phan Nhật Bình, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương.

Thời gian thực hiện: 1997 - 1999.

Đề tài đã được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

Khảo sát vai trò lãnh đạo của Đảng bộ cơ sở lãnh đạo công tác khoa giáo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) ở Hải Dương nhằm định hướng cho từng Đảng bộ lãnh đạo công tác khoa giáo, góp phần đưa giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực thúc đẩy quá trình CNH, HĐH.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Đảng bộ cơ sở lãnh đạo công tác khoa giáo trong quá trình CNH, HĐH.

1.1. Việc chỉ đạo của Đảng bộ cơ sở:

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và Nghị quyết Trung ương 2 đã chỉ rõ: cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp với công tác khoa giáo. Từng Đảng bộ cơ sở cần kiểm điểm nghiêm túc, xây dựng chương trình hành động, có chủ trương giải pháp cụ thể, dấy lên khí thế cách mạng để chấn hưng giáo dục, tạo thành phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học - công nghệ, góp phần đẩy mạnh phong trào "xoá đói, giảm nghèo" vươn lên làm giàu ở các địa phương trong tỉnh.

1.2. Nội dung lãnh đạo công tác khoa giáo của Đảng bộ cơ sở:

Trên từng lĩnh vực công tác khoa giáo, Đảng đều đã có Chỉ thị, Nghị quyết. Đảng bộ ở nhiều địa phương đã có chương trình, kế hoạch triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp uỷ cấp trên. ở một số nơi đã xuất hiện nhân tố mới.

Theo Nghị quyết của Đảng, Đảng bộ cơ sở lãnh đạo toàn diện các mặt kinh tế - xã hội - văn hoá - an ninh quốc phòng (trong đó có lĩnh vực khoa giáo) ở địa phương. Tất cả các lĩnh vực trên phải gắn bó, lồng ghép với nhau, cùng nhau thực hiện một mục đích chung là đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH ở cơ sở.

Đảng bộ cơ sở lãnh đạo công tác khoa giáo trên các mặt: Công tác chuyên môn, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng Đảng trong các ngành thuộc khối khoa giáo và công tác quần chúng.

Mỗi Đảng bộ cơ sở cần xác định mục tiêu và xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm phát triển các hoạt động giáo dục - đào tạo và khoa học -công nghệ.

Đảng bộ cần xây dựng và xác định các mục tiêu trong từng ngành khoa giáo gắn liền với chủ trương, giải pháp cụ thể giải quyết trên từng lĩnh vực khoa giáo.

Hướng đi, cách làm công tác khoa giáo ở cơ sở cần làm tốt một số vấn đề sau: xã hội hoá công tác khoa giáo để huy động mọi nguồn lực, vật lực tạo ra sức mạnh tổng hợp mang lại hiệu quả thiết thực; đa dạng hoá các hoạt động khoa giáo.

1.3. Phương thức lãnh đạo của Đảng bộ cơ sở đối với công tác khoa giáo:

Đảng bộ cơ sở lãnh đạo các mặt công tác khoa giáo với 4 phương thức sau:

- Đảng bộ họp bàn ra quyết định về công tác khoa giáo hoặc một lĩnh vực trong công tác khoa giáo (theo định hướng của cấp trên và của các ngành khoa giáo).

- Đảng bộ cơ sở lãnh đạo việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch, thời gian thực hiện mà Nghị quyết Đảng bộ đã đề ra, trong quá trình kiểm tra sớm phát hiện những nhân tố điển hình mới, kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá nhân điển hình tiên tiến, đồng thời khắc phục, uốn nắn những sai lệch, những vấn đề vướng mắc nảy sinh.

- Đảng bộ lãnh đạo thông qua công tác tổ chức cán bộ - bồi dưỡng, lựa chọn cán bộ có năng lực chuyên môn theo dõi chỉ dạo các lĩnh vực khoa giáo và thông qua đảng viên trong tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể để đảm bảo Nghị quyết về công tác khoa giáo được triển khai thực hiện.

- Đảng bộ cơ sở lãnh đạo thông qua hệ thống chính trị, xây dựng quy chế, cơ chế phối hợp để huy động lực lượng toàn xã hội chăm lo công tác khoa giáo trong quá trình CNH, HĐH.

2. Biện pháp và tổ chức thực hiện.

Ở Đảng bộ cơ sở thành lập Hội đồng liên tịch gồm các đồng chí Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐND, UBND, trưởng các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội để lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ về công tác khoa giáo.

Sau khi có Nghị quyết của cấp uỷ, Hội đồng liên tịch họp để cụ thể hoá việc thực hiện, xác định chương trình kế hoạch, phân công trách nhiệm cho từng thành viên Hội đồng. Cụ thể như sau:

Hội đồng nhân dân: Đưa nội dung của Nghị quyết Đảng bộ vào chương trình nghị sự để bàn bạc, ra quyết định tạo điều kiện và giám sát UBND thực hiện.

Uỷ ban nhân dân: Tổ chức, chỉ đạo triển khai từng mặt công tác khi đã có Nghị quyết của Đảng bộ và HĐND cùng cấp.

Các ban ngành trong khối khoa giáo: thực hiện công việc cụ thể theo chỉ đạo hướng dẫn của ngành dọc, đồng thời thực hiện Nghị quyết của cấp uỷ địa phương để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ chuyên môn.

Các tổ chức xã hội - đoàn thể quần chúng làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức. Giám sát chính quyền thực hiện chế độ chính sách và tham gia đóng góp ý kiến với Đảng để làm tốt các mặt công tác khoa giáo.

3. Kết quả điều tra về vai trò lãnh đạo của Đảng uỷ cấp cơ sở đối với công tác khoa giáo ở địa phương.

Qua khảo sát, điều tra cho thấy: các mặt công tác khoa giáo dược quán triệt và nhận thức rõ hơn. Hầu hết cán bộ chủ chốt của Đảng bộ xã quan niệm đúng đắn, đầy đủ được công tác khoa giáo gồm 6 mặt: Y tế, Giáo dục - Đào tạo; Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Khoa học - Công nghệ, Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em, Thể dục thể thao. Đa số cấp uỷ các xã, phường, thị trấn ra được Nghị quyết chung hoặc Nghị quyết chuyên đề về công tác khoa giáo.

Sau khi có Nghị quyết, Chỉ thị của cấp uỷ Đảng, hàng năm đều tiến hành tổ chức kiểm tra, sơ kết, đánh giá từng mặt hoạt động.

4. Một số đánh giá thực trạng công tác lãnh đạo.

Qua nghiên cứu lý luận và phân tích kết quả khảo sát cho thấy, một số mặt hạn chế trong công tác khoa giáo sau:

- Một số Đảng bộ cơ sở nhận thức chưa đầy đủ, chưa toàn diện về các mặt công tác khoa giáo ở địa phương. Một số mặt công tác khoa giáo còn chưa được quan tâm đúng mức.

- Việc chỉ đạo các mặt khoa giáo mang tính đặc thù cao (chuyên ngành, chuyên môn sâu), đòi hỏi lãnh đạo cấp uỷ phải am hiểu chuyên môn nghiệp vụ và có kinh nghiệm thực tiễn.

Có tình trạng cán bộ chủ chốt có trình độ học vấn hoặc chuyên môn hạn chế, thường né tránh những lĩnh vực khoa giáo chuyên sâu, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo chưa cao.

Kết quả khảo sát ở 263 xã, phường, thị trấn cho thấy, trình độ học vấn của phần lớn Bí thư Đảng uỷ thấp, không đồng đều. Tỷ lệ Bí thư có trình độ cao đẳng, đại học rất thấp. Việc nắm bắt chủ trương hạn chế, kém năng động, sáng tạo, hiệu quả thấp.

Nguyên nhân chủ yếu của công tác khoa giáo ở Đảng bộ cơ sở còn yếu kém là do công tác cán bộ ở địa phương thường không được quy hoạch lâu dài, thường xuyên biến động, nhất là sau các kỳ đại hội. Việc phân công công tác cho uỷ viên cấp uỷ thường quan tâm nhiều đến công tác tổ chức, kiểm tra Đảng. Công tác khoa giáo thường do Bí thư Đảng uỷ kiêm nhiệm. Bản thân đồng chí Bí thư cũng không dành thời gian phù hợp cho công tác khoa giáo.

Trong quá trình thực hiện đề tài đã tiến hành xây dựng mô hình thí điểm lãnh đạo công tác khoa giáo ở Đảng bộ cơ sở.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Sau nghiệm thu kết quả nghiên cứu, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra văn bản chỉ đạo xây dựng Ban Tuyên giáo cấp cơ sở. Đến năm 2000 toàn bộ các Đảng uỷ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban Tuyên giáo để giúp cho cấp uỷ cơ sở lãnh đạo công tác khoa giáo.

- Kết quả khảo sát năm 2001 cho thấy các Ban Tuyên giáo cấp cơ sở hoạt động có hiệu quả, tham mưu tốt cho cấp uỷ cơ sở lãnh đạo công tác khoa giáo trong thời kỳ CNH, HĐH.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây