Chủ nhiệm đề tài:
BS.CKCI Vũ Thị Kê, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương.Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: 2/2003 - 3/2005.
Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.
Đề tài được tặng giải khuyến khích Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn - Hải Dương năm 2006.
I. MỤC TIÊU
- Phối hợp nghiên cứu triển khai bài thuốc (Bát vị tri bá gia giảm) của Viện Y học Cổ truyền Việt Nam để đánh giá hiệu quả bài thuốc.
- Từ kết quả điều trị đóng góp đề tài Trung ương để kiến nghị với tỉnh triển khai đề tài ra diện rộng.
- Sản xuất bài thuốc trên dưới dạng cao lỏng tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương để tiện sử dụng trong cộng đồng.
- Đánh giá tác dụng không mong muốn của bài thuốc và các tác dụng khác.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Áp dụng bài thuốc cho bệnh nhân:
Đề tài đã thực hiện triển khai áp dụng bài thuốc "Bát vị tri bá gia giảm" điều trị cho 71 bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 để đánh giá hiệu quả bài thuốc. Trong đó, có 60 bệnh nhân điều trị bằng uống thuốc sắc, 10 bệnh nhân điều trị bằng uống thuốc cao lỏng đóng túi.
2. Kết quả điều trị:
2.1. Số bệnh nhân dùng thuốc sắc: khỏi có 31 người, chiếm tỷ lệ 50,8% và đỡ là 30 người, chiếm 49,2%.
2.2. Số người dùng thuốc cao lỏng: khỏi là 5 bệnh nhân, đạt tỷ lệ 50%; đỡ là 5 bệnh nhân, đạt 50%.
2.3. Kết quả của Viện Y học cổ truyền Trung ương: Trong tổng số 120 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc sắc để uống 1 thang/ngày có 70% số người khỏi bệnh và đỡ là 30%.
3. Đặc điểm của nhóm bệnh nghiên cứu:
Bệnh nhân có độ tuổi từ 41 - 50 tuổi là 16 người, chiếm tỷ lệ 22,5%; từ 51 - 60 tuổi là 24 người (33,8%); trên 60 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất: 31 người (43,7%). Trong đó, tỷ lệ nam 42 người, (59,1%) mắc bệnh cao hơn nữ 29 người (40,9%). Số bệnh nhân có thời gian mắc bệnh trên 5 năm nhiều gấp 2 lần so với bệnh nhân mắc bệnh từ 1 - 3 năm. Phân theo nghề nghiệp, đối tượng nhân dân chiếm tỷ lệ người mắc bệnh cao nhất (49,3%), cán bộ hưu 38% và công chức khác là 12,7%.
4. Thay đổi lâm sàng và cận lâm sàng:
4.1. Thay đổi về lâm sàng:
Sau thời gian điều trị, các triệu chứng lâm sàng của bệnh đái tháo đường như ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, nóng trong, đại tiện táo đều trở về mức bình thường.
4.2. Thay đổi về cận lâm sàng:
Số lượng bệnh nhân đường huyết lúc vào viện trên 10 mmol/l là 39 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số bệnh nhân được vào điều trị. Sau thời gian điều trị, kết quả lượng đường huyết trên 10 mmol/l chỉ còn 2 bệnh nhân. Lượng đường huyết thay đổi trung bình của mỗi bệnh nhân là 3,44 mmol/l so với trước điều trị. Các chỉ số men gan của nhóm điều trị đã giảm rõ rệt so với thời gian trước khi điều trị P < 0,05. Lượng đường niệu trong nước tiểu của bệnh nhân sau thời gian điều trị đều trở về âm tính P < 0,05.
Kết quả điều trị cho thấy, số bệnh nhân khỏi và đỡ đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, có 36 người khỏi bệnh, chiếm tỷ lệ 50,7%; đỡ là 35 người, chiếm 49,3%. Tỷ lệ bệnh nhân khỏi và đỡ giữa thuốc sắc và thuốc cao lỏng là tương đương nhau. Thuốc không có tác dụng phụ.
Qua theo dõi đánh giá 15 bệnh nhân năm 2003 sau điều trị từ 6 tháng đến 1 năm cho thấy, có 5 bệnh nhân triệu chứng lâm sàng còn ăn nhiều, uống nhiều và đái nhiều, đường huyết trên 7,0 mmol/l, đường niệu vẫn còn (+), còn lại 10 bệnh nhân hầu như triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng đều ở mức bình thường.
Tỷ lệ khỏi của Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Dương thấp hơn so với Viện Y học cổ truyền Việt Nam. Nguyên nhân là do đối tượng tượng của Viện Y học cổ truyền Việt Nam là những người không có bảo hiểm, đa số có điều kiện kinh tế khá, ngày điều trị trung bình 90 ngày. Trong khi đó, ở Hải Dương, những bệnh nhân liên quan đến bảo hiểm y tế chi trả có hạn, đa số có mức thu nhập kinh tế thấp nên thời gian điều bình quân chỉ có 45 ngày.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương đã sản xuất thuốc rộng rãi dưới dạng chè túi lọc hoặc cao lỏng để tiện phục vụ cho cộng đồng, áp dụng bài thuốc "Bát vị tri bá gia giảm" thành công và đã được nhân rộng trên toàn quốc.