Hiện trạng bệnh tăng huyết áp ở người trưởng thành

ĐỀ TÀI ĐIỀU TRA HIỆN TRẠNG BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP Ở NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH TỈNH HẢI DƯƠNG VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP CAN THIỆP TẠI CỘNG ĐỒNG  

Chủ nhiệm đề tài: BSCKII. Bùi Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Trung tâm y tế huyện, thị trấn, xã, phường.

Thời gian thực hiện: Năm 2006

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Xuất sắc.

I. MỤC TIÊU.

- Nghiên cứu tần suất mắc bệnh tăng huyết áp (THA) ở người trưởng thành trên địa bàn tỉnh Hải Dương;

- Tìm hiểu những yếu tố nguy cơ của bệnh THA tại khu vực này;

- Đề xuất một số giải pháp phòng và chữa bệnh THA tại cộng đồng.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Một số đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu:

Tuổi và giới: Đối trượng lựa chọn nghiên cứu mắc bệnh THA có tuổi thấp nhất là 18, cao nhất là 100. Tuổi trung bình của nữ là 48,51 ± 17,49, nam 47,75 ± 17,72. Tỷ lệ nữ mắc bệnh THA chiếm 58,7%. Đối tượng lựa chọn nghiên cứu chủ yếu là nông dân 49,6%, người già 28,9%, công nhân, cán bộ, học sinh, tiểu thương, nghề khác có tỷ lệ thấp hơn. Người lao động trong độ tuổi 40 - 49 chiếm tỷ lệ 22,8%; người già, hưu trí: 27,3%; công nhân chủ yếu trước độ tuổi 50, cán bộ đang công tác ở các độ tuổi tương đương nhau; học sinh chủ yếu ở độ tuổi trước 30. Đối tượng nghiên cứu là nông dân, trình độ học vấn còn thấp, biết đọc - biết viết chiếm 65,1%, không biết chữ 4,7%, đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ 3,8%.

Nơi cư trú: Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu lựa chọn ở khu vực nông thôn là 63,6%, thành thị 24,3%, miền núi 12,1%. Các khu vực được chọn nghiên cứu: Phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương 1.045 người; Phú Điền, huyện Nam Sách 1.129 người; Lai Cách, huyện Cẩm Giàng 1.149 người; An Lạc, huyện Chí Linh 1.131 người; Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ 1.219 người; Tứ Cường, huyện Thanh Miện 1.369 người; Việt Hoà - TP Hải Dương 1.212 người; thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà 1.047 người.

Chỉ số nhân trắc chung của nhóm nghiên cứu: Chiều cao, cân nặng, vòng bụng, vòng mông của nam lớn hơn nữ. Chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương ở nam cao hơn nữ. Số đối tượng thừa cân và béo phì chiếm 11,2%, số người gầy chiếm 29,4%. Tỷ lệ người bị béo phì ở phường Lê Thanh Nghị, thị trấn Thanh Hà, xã Việt Hoà thấp hơn nhiều so với xã An Lạc, huyện Chí Linh và xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ.

2. Tăng huyết áp:

Tần suất tăng huyết áp chung của cả 2 giới là 19,1%. Tỷ lệ nam bị tăng huyết áp là 19,9%, cao hơn nữ (18,6%). Tần suất THA ở phường Lê Thanh Nghị - TP Hải Dương và hai huyện Tứ Kỳ cao hơn nhiều so với khu vực xã Việt Hoà, huyện Nam Sách, Thanh Miện. Tần suất THA tăng dần theo độ tuổi. Độ tuổi từ 60 trở lên có 60,5% bị THA, tuổi trung niên (40 - 59) có 33,2%, trong khi đó chỉ có 6,3% bị THA trước tuổi 40. Những người sinh sống ở thành thị và gần thành thị có tỷ lệ THA là 20,6%, cao hơn những người sinh sống ở miền núi (19%) và nông thôn (18,6%).

Tần suất THA ở những người không biết chữ rất cao, chiếm 49%, các đối tượng khác có tỷ lệ THA thấp hơn. Đối tượng già, hưu trí có tỷ lệ THA cao nhất chiếm 62,4%, đối tượng làm ruộng có tỷ lệ THA là 26,1%, cán bộ (3,8%), nghề khác (3,8%), các đối tượng khác có tỷ lệ THA thấp hơn. Trong số những người THA, chủ yếu là tiền THA (46,8%), THA độ 2 chiếm tỷ lệ (12,5%), cao hơn những người bị THA độ 1 (6,6%). Tỷ lệ nam THA ở độ 2 là 12,6%, cao hơn nữ (12,4%). Tần suất THA với các mức độ THA tăng dần theo tuổi, tần suất THA độ 2 ở người 60 tuổi có tỷ lệ cao nhất (66,3%).

Tần suất các giai đoạn THA (theo JNC-2003): Số người có trị số huyết áp tối ưu chiếm 34,1%, 46,8%, người ở giai đoạn THA, THA độ 2 chiếm 12,5%, THA độ 1 gặp ít hơn (6,6%). THA độ 2 gặp nhiều ở đối tượng già, hưu trí (29,1%), đối tượng cán bộ (6,4%), tiểu thương (6,3%), đối tượng làm ruộng chiếm 6%, công nhân, học sinh chiếm tỷ lệ thấp hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người bị THA mà không phát hiện: 62,3%, những người biết bị THA: 37,7%.

Mới có 24,6% người biết mình THA được điều trị dự phòng đầy đủ, phần lớn (41,4%) không điều trị và có 34% điều trị không liên tục. Tỷ lệ người nhận biết mình bị THA ở thành thị cao hơn nông thôn và miền núi (69,3%). Chỉ có khoảng 30% số người THA ở thành thị và miền núi và 20% số người THA ở nông thôn được điều trị bệnh. Trong khi đó có tới 42,3% số người bị THA ở nông thôn và 53% số người bị THA ở miền núi không được điều trị. Trong số người bị tổn thương mắt, có tới 86% bị THA. Những người không bị tổn thương mắt 54,7% bị THA. Những người ít hoạt động có tỷ lệ THA là 32,1% cao hơn những người lao động thể lực (9,8%); Tỷ lệ THA ở nhóm không có tiền sử gia đình bị THA là 17,8%, nếu gia đình có bố hoặc mẹ bị THA thì tỷ lệ THA là 19,5%, anh, chị, em ruột là 51,1%; nếu gia đình có cả bố, mẹ, anh, chị bị THA thì tỷ lệ THA là 54,8%.

3. Nguy cơ tăng huyết áp:

Nam THA chiếm 19,9% cao hơn nữ (18,6%), nam có nguy cơ THA gấp 1,1 lần so với nữ, xác suất P > 0,05. Tuổi cao bị THA nhiều hơn tuổi dưới 60; nguy cơ THA ở độ tuổi từ 60 trở lên cao gấp 6,3 lần so với độ tuổi trẻ hơn, P < 0,05. Những người sống ở thành thị có nguy cơ THA hơn so với những người sống ở nông thôn và miền núi (P < 0,05).

Trong tổng số 2.700 người uống rượu thì có 607 người bị THA, chiếm 22,5%, số người không uống rượu không bị THA: 82,3% nguy cơ của những người uống rượu bị THA gấp 1,35 lần so với nhóm không uống rượu (P < 0,05). Tỷ lệ THA trong số những người ăn mặn (28,9%) cao hơn những người không ăn mặn (16,4%), người ăn mặn có nguy cơ THA gấp 2,1 lần so với người bình thường (p < 0,05). THA chiếm 22,2% trong số những người hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc ở người THA là 30%, nguy cơ THA do hút thuốc lá là 1,3 lần với P < 0,05.

Số người bị THA do stress (23,5%) cao hơn những người không bị stress (18,5%), nguy cơ THA cao gấp 1,4 lần ở những người stress, P < 0,05. Những người có tiền sử gia đình bị THA có tỷ lệ THA (27,1%) cao hơn tỷ lệ THA ở nhóm người gia đình không có người bị THA (17,8%), nguy cơ THA ở nhóm có tiền sử gia đình là 1,7 (P < 0,05).

Tỷ lệ THA ở những người thừa cân và béo phì (35,1%) cao hơn những người bình thường (17,1%), nguy cơ THA ở những người thừa cân và béo phì gấp 2,6 lần (P<0,05). Ở nam giới THA tỷ lệ thuận với tỷ lệ vòng bụng/vòng mông. Nguy cơ THA ở người béo bụng gấp 2,5 lần so với người bình thường (P<0,05). Ở nữ giới, tần suất THA tỷ lệ thuận với tỷ lệ vòng bụng/vòng mông. Nguy cơ THA ở người béo bụng gấp 2,6 lần so với người bình thường (P<0,05).

Tỷ lệ THA ở những người có mức độ đường máu cao (62,7%) cao hơn những người có mức đường máu bình thường (36,6%), nguy cơ THA cuả những người đường máu cao gấp 2,9 lần so với người bình thường, P<0,05.

Tỷ lệ THA ở những người có Cholesterol (50,1%) cao hơn những người có mức Cholesterol bình thường trong máu (31,9%). Cholesterol máu cao sẽ có nguy cơ THA gấp 2,1 lần, P 0,05. Những người tăng Triglycerid có tỷ lệ THA 46,2% cao hơn những người có mức Triglycerid bình thường (34,0%); Triglycerid tăng có nguy cơ THA gấp 1,7 lần so với người bình thường, P < 0,05. Những người có Creatinin máu cao có tỷ lệ THA (53,6%) cao hơn những người có mức Creatinin bình thường trong máu (36,3%). Nguy cơ gấp 2,0 lần so với người bình thường với P < 0,05. Những người tăng Acid Uric máu có tỷ lệ THA (48,2%) cao hơn những người có mức Acid Uric máu bình thường (36,0%). Nguy cơ gấp 1,7 lần so với người bình thường với P 0,05.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Công trình đã giúp cho ngành y tế có những cơ sở khoa học để xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh THA cho nhân dân trong tỉnh nói chung và cho từng vùng thành thị, nông thôn, miền núi phù hợp với điều kiện sống sinh hoạt, tập quán.

- Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, phòng ngừa bệnh THA và các biến chứng.

- Các kiến nghị, đề xuất của đề tài đã giúp cho cơ quan quản lý chuyên môn đưa ra nhiều giải pháp tích cực, có tính khả thi cao, nhằm từng bước can thiệp, giảm tỷ lệ mắc và giảm thiểu các biến chứng của bệnh THA, đồng thời góp phần cùng với các nghiên cứu tại các địa phương khác là nguồn dữ liệu thông tin cho các chuyên gia y tế xây dựng giải pháp can thiệp nhằm kiểm soát tỷ lệ mắc và các biến chứng của bệnh THA.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây