Khảo sát tình hình người tàn tật tại tỉnh Hải Dương

ĐỀ TÀI KHẢO SÁT TÌNH HÌNH NGƯỜI TÀN TẬT TẠI 263 XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TỈNH HẢI DƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP PHỤC HỒI CHỨC NĂNG DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG  

Chủ nhiệm đề tài: Thầy thuốc ưu tú, BS. Bùi Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: 12 Trung tâm y tế huyện; 263 Trạm y tế xã phường, thị trấn trong tỉnh.

Thời gian thực hiện: 1/2002 - 12/2003.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

Xác định mô hình người tàn tật (NTT) trong tỉnh Hải Dương, tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến NTT và nhu cầu phục hồi chức năng (PHCN) của NTT tại cộng đồng, đề xuất giải pháp PHCN dựa vào cộng đồng cho NTT tỉnh Hải Dương.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả phỏng vấn, khám để phát hiện và phân loại NTT ở 263 xã, phường, thị trấn tại 12 huyện, thành phố trong 2 năm 2002 - 2003, đồng thời tiến hành can thiệp ở một số địa bàn theo quy mô PHCN như sau:

1. Tỷ lệ NTT của 12 huyện, thành phố trong tỉnh Hải Dương.

- Tổng số NTT trên địa bàn tỉnh là 26.156 người, chiếm tỷ lệ 1,6% dân số toàn tỉnh.

- Qua điều tra cho thấy tỷ lệ NTT huyện Chí Linh cao nhất là 3.638 người (chiếm 2,5%) dân số của huyện và thấp nhất là TP Hải Dương 923 người (0,7%), còn lại Nam Sách là 1.785 (1,3%), Thanh Hà 2.319 người (1,4%), Ninh Giang 1.402 người (1,%), Thanh Miện 1.916 người (1,5%), Kim Thành 1.823 người (1,5%), Tứ Kỳ 3.108 người (1,9%), Gia Lộc 3.258 người (2,2%), Cẩm Giàng 1.718 người (1,4%), Bình Giang 1.966 người (1,9%), Kinh Môn 2.291 người (1,4%).

* Phân bố theo nhóm tuổi:

- NTT ở độ tuổi lao động từ 16 - 40 tuổi là cao nhất, 8.560 người, chiếm 32,7% tổng số NTT.

- NTT ở nhóm tuổi từ 1 - 5 tuổi là thấp nhất, 487 người, chiếm 1,9%, chủ yếu dị tật bẩm sinh.

* Phân bố theo giới:

- Nam 11.212 người chiếm 42,9%, nữ 14.944 người chiếm 57,1%

* Phân bố theo nghề nghiệp:

- NTT không có khả năng lao động 1.5.456 người, chiếm 58,1% tổng số NTT.

- NTT chủ yếu ở nông thôn làm ruộng 7.234 người, chiếm 27,7%.

* Phân loại người tàn tật theo từng nhóm tàn tật:

- NTT về vận động cao nhất 7.413 người, chiếm 28,3%.

- NTT về mất cảm giác là thấp nhất 228 người, chiếm 0,9%.

* Phân bố mức độ tàn tật của NTT:

- Mức độ 0 là 10.830 người, chiếm tỷ lệ 41,4% tổng số NTT.

- Mức độ 1 là 9.480 người, chiếm tỷ lệ 36,2%.

- Mức độ 2 là 5.846 người, chiếm tỷ lệ 22,4%.

* Phân loại mức độ tàn tật theo nhóm:

- Nhóm khó khăn vận động cao nhất 7.413 người.

- Nhóm mất cảm gián có số người thấp nhất là 228 người.

- Mức độ tàn tật của nhóm khó khăn vận động chủ yếu ở mức độ 2 (40,5%) và mức độ 1 (31,9%).

- Mức độ mất cảm giác lại chủ yếu ở mức độ 0 và 1: 41,7% và 36,8%.

* Phân loại theo nhóm khó khăn vận động:

- Trong nhóm khó khăn vận động chủ yếu là liệt 1 chi dưới 1.853 người, chiếm 25%, tiếp đến là bại não 1.642 người, chiếm 22,2%.

- Người cụt 2 chi trên thấp nhất 45 người chiếm 0,6%.

* Phân loại nhóm khó khăn vận động theo nguyên nhân:

- Người có khó khăn vận động nguyên nhân chủ yếu là di chứng bệnh tật và chưa rõ nguyên nhân 5.517 người, chiếm 60,9%.

- Người khó khăn vận động do nguyên nhân bẩm sinh 1.920, chiếm 25,9%.

- Người khó khăn vận động do tai nạn đứng thứ 3 là 651 người, chiếm 8,8%.

- Người khó khăn vận động do bị thương chỉ có 325 người, chiếm 4,4%.

* Phân loại nhóm khó khăn vận động theo mức độ:

- Người khó khăn vận động do liệt 1 chi dưới chủ yếu ở mức độ 0 (50%) và mức độ 2 (31,7%). Người ở mức độ 1 chỉ có 18,3%.

- Người khó khăn vận động do bại não chủ yếu ở mức độ 2 (51%) và mức độ 1 (41,8%), ở mức độ 0 chỉ có 7,2%.

Nhìn chung trong nhóm khó khăn vận động chủ yếu ở hai mức độ là: 2 và 1.

2. Yếu tố liên quan đến tàn tật và nhu cầu phục hồi chức năng của người tàn tật ở cộng đồng.

* Nguyên nhân tàn tật:

NTT không rõ nguyên nhân chiếm tỷ lệ lớn, thường gặp ở các gia đình khó khăn về kinh tế và thiếu sự quan tâm chăm sóc về bệnh tật chiếm 30,7%. NTT do bẩm sinh chiếm 27,6%. NTT do bệnh tật thường do bại não, tai biến mạch máu não, bại liệt. Đây là những NTT có di chứng nặng nề nhất, chiếm 18,2%. NTT do tai nạn chiếm 8,4%.

* Thu nhập kinh tế:

Gia đình NTT chủ yếu có thu nhập thấp dưới 80.000 đồng/người/tháng (chiếm 63,1%). Rất ít NTT có thu nhập khá trên 150.000 đồng/người/tháng (chiếm 8%).

Cuộc sống của NTT: Phụ thuộc hoàn toàn và không hoàn toàn chiếm 75%, chỉ có 25% NTT có cuộc sống tự lập.

Nhu cầu phục hồi của NTT: Số NTT có nhu cầu PHCN chiếm tỷ lệ cao (73%), số không có nhu cầu PHCN chiếm 2,7%.

Trong số NTT ở 12 huyện, thị, đa số NTT có nhu cầu PHCN. Số ít NTT không có nhu cầu PHCN, có thể do mức độ tàn tật quá nặng hoặc điều kiện kinh tế quá khó khăn. Riêng huyện Gia Lộc số NTT không có nhu cầu PHCN chiếm tỷ lệ lớn, có thể do số NTT ở đây chủ yếu ở mức độ 0 hoặc mức độ 2.

97,7 % NTT mong muốn gia đình biết cách xử lý, chăm sóc với NTT. Phần lớn NTT đều có nhu cầu tham gia vào các hoạt động giúp đỡ gia đình, nội trợ, thậm chí cả tham gia lao động sản xuất (67%; 57,1% và 46,9%). Một số NTT còn có nhu cầu tham gia các hoạt động xã hội (13,1%).

Phần lớn gia đình NTT đều có nguyện vọng được chăm sóc NTT tại nhà và có nhu cầu PHCN cho NTT để họ có cơ hội được hòa nhập vào cộng đồng. Một số ít gia đình muốn đưa NTT vào cơ sở nuôi dưỡng, có thể do kinh tế hoặc do tình cảm.

3. Biện pháp can thiệp và kết quả đạt được sau can thiệp PHCN cho NTT tại cộng đồng.

3.1. Thời gian can thiệp: từ tháng 1 năm 2003 đến tháng 1 năm 2004.

3.2. Địa điểm can thiệp: Tại 3 cơ sở là xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang và xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện.

3.3. Biện pháp can thiệp.

- Mở hội nghị thống nhất triển khai PHCN tại cơ sở với đội ngũ cán bộ cốt cán, lãnh đạo xã, trạm y tế, các tình nguyện viên là hội trưởng hoặc thành viên các đoàn thể của xã.

- Phát tài liệu kỹ thuật cho tình nguyện viên, NTT và gia đình.

- Hỗ trợ trang thiết bị cho 3 xã để gia đình NTT và bản thân NTT làm quen được với các dụng cụ hoặc NTT đến phòng mẫu ở trạm y tế tập luyện.

- Thực hành các kỹ thuật PHCN dựa vào cộng đồng do các kỹ thuật viên và các chuyên gia PHCN, bác sĩ PHCN hướng dẫn ngay trong các nhóm tàn tật tại 3 xã.

- Hướng dẫn cụ thể làm các dụng cụ trợ giúp phù hợp cho từng NTT đúng theo mẫu dụng cụ đã hỗ trợ cho các trạm y tế.

3.4. Kết quả đạt được sau can thiệp:

Số người được nghe phổ biến kiến thức PHCN: 455. Số người được hướng dẫn sử dụng dụng cụ PHCN: 455. Nhu cầu NTT cần được phục hồi: 173 người.

Tại 3 cơ sở đề tài áp dụng mô hình PHCN dựa vào cộng đồng, đã có sự chuyển biến cả về tâm lý và nhìn nhận của cộng đồng đối với NTT.

Qua thời gian triển khai áp dụng mô hình PHCN dựa vào cộng đồng, cho thấy mô hình này tương đối phù hợp với điều kiện hiện nay.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất giải pháp phục hồi chức năng cho NTT trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cấp kinh phí tổ chức thực hiện

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây