Tình hình mắc tật khúc xạ ở một số trường Tiểu học

ĐỀ TÀI ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH MẮC TẬT KHÚC XẠ Ở MỘT SỐ TRƯỜNG TIỂU HỌC, TRUNG HỌC CƠ SỞ, TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Ở MỘT SỐ HUYỆN VÀ THÀNH PHỐ HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: Bác sỹ Nguyễn Kim Bắc, Giám đốc Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội, Sở Y tế tỉnh Hải Dương.

Đơn vị chủ trì: Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội, Sở Y tế tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương.

Thời gian thực hiện: 4/2002 - 12/2003.

Đề tài được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

- Đánh giá thực trạng tật khúc xạ (TKX) ở học sinh tại một số huyện, vùng trong tỉnh.

- Phân tích, tìm hiểu một số nguyên nhân, yếu tố gây ảnh hưởng của TKX.

- Đề xuất một số giải pháp với các ngành, các cấp có liên quan trong việc phòng chống và điều trị TKX cho học sinh.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Tiến hành khám, điều tra cho 4.875 học sinh ở 12 trường thuộc 3 huyện và thành phố Hải Dương. Kết quả như sau:

1. Tình hình mắc TKX chung tại các trường.

Tỷ lệ TKX chung của 12 trường thuộc 4 huyện, thành phố là: 10,9%. Trong đó, trường THCS Quang Trung, huyện Tứ Kỳ có tỷ lệ thấp nhất (1,2% học sinh TKX), trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Hải Dương có tỷ lệ cao nhất 29,7%.

Về giới tính: Trong tổng số 533 học sinh mắc TKX, nam có 202 em chiếm 38%, nữ có 331 em chiếm 62%. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với (P < 0,05).

- Khối Tiểu học: Tỷ lệ TKX chung ở học sinh Tiểu học là: 5,5%. Trong đó, trường Tiểu học Quang Trung, huyện Tứ Kỳ có tỷ lệ thấp nhất là 2,2%, trường tiểu học Trần Quốc Toản, TP Hải Dương có tỷ lệ cao nhất là 15,3%.

- Khối Trung học cơ sở: Tỷ lệ TKX chung ở học sinh THCS là 10,6%, trường THCS Quang Trung, huyện Tứ Kỳ có tỷ lệ thấp nhất là 2%, trường THCS Ngô Gia Tự, TP Hải Dương có tỷ lệ cao nhất là 28,5%.

- Khối Trung học phổ thông: Tình trạng TKX ở học sinh THPT tỷ lệ chung là 19,7%, trường THPT Bình Giang có tỷ lệ thấp nhất là 11,7%, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Hải Dương có tỷ lệ cao nhất là 29,7%.

2. Về các yếu tố ảnh hưởng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy số các em có bố hoặc mẹ bị TKX chiếm tỷ lệ thấp, trong số 533 em mắc TKX chỉ có 17 em có bố hoặc mẹ bị TKX.

Các yếu tố khác như: Môi trường học tập, cơ sở vật chất trường lớp, bàn ghế, bảng, ánh sáng không phù hợp, không đạt chuẩn ảnh hưởng tới TKX. Nhìn chung cở sở vật chất khối Tiểu học kém hơn khối THCS và khối THCS lại kém hơn khối THPT. Cụ thể:

- Về diện tích lớp học có 34/51 phòng học khối Tiểu học có diện tích dưới 48 m2.

- Về ánh sáng có 20/51 phòng học của khối Tiểu học chỉ có 2 bóng Neon 40W.

- Về bàn ghế học sinh của khối tiểu học chiều cao trung bình của bàn giao động từ 0,57 đến 0,76 m. Chiều cao trung bình của ghế giao động từ 0,31 đến 0,43 m. Trong khi chuẩn chiều cao của bàn khối tiểu học là từ 0,60 đến 0,62 m và chiều cao của ghế là từ 30 - 32 cm.

- Kết quả nghiên cứu cho thấy số mắc TKX cao, nhưng có tới trên 40% học sinh ở thành thị và trên 90% học sinh ở nông thôn chưa được khám kiểm tra TKX, chưa được cấp kính.

3. Đề xuất một số giải pháp phòng tránh TKX.

- Đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo hai ngành Y tế - Giáo dục phối hợp tổ chức thực hiện chăm sóc mắt học đường cho học sinh, một năm ít nhất học sinh trong tỉnh được khám mắt từ 1 đến 2 lần.

- Đề nghị ngành Y tế tổ chức mạng lưới dịch vụ y tế từ tỉnh đến huyện đủ khả năng chăm sóc TKX cho nhân dân và học sinh (đầu tư về trang thiết bị và con người).

- Ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường quan tâm giáo dục thể chất cho học sinh, cải thiện môi trường học tập, không gian học tập. Trước tiên là vấn đề ánh sáng và bàn ghế học tập, nhất là cấp tiểu học. Nhà trường và các thầy cô giáo cần quan tâm uốn nắn học sinh tư thế học tập (tránh vẹo cột sống và cận thị), cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, đặc biệt là các trường tiểu học .

- Ngành Y tế kết hợp với các cơ quan truyền thông, Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình định kỳ phổ biến kiến thức về ảnh hưởng của TKX cũng như các biện pháp phòng và điều trị TKX.

- Đối với mỗi gia đình cần có góc học tập riêng cho con em, có bàn ghế phù hợp cho từng cháu, có đèn học tập riêng, nên sử dụng bóng đèn tròn. Gia đình kết hợp với nhà trường quản lý giờ giấc học tập của các cháu, sắp xếp thời gian học tập và vui chơi hợp lý. Tránh để mắt làm việc liên tục trong tư thế không thoải mái và thiếu ánh sáng, hạn chế xem ti vi, trò chơi điện tử, truyện tranh, Internet.

- Tiến hành một nghiên cứu mô hình can thiệp ở những nơi có tỷ lệ mắc TKX cao để làm cơ sở nhân rộng. Phương châm là: dự phòng tích cực ở bậc tiểu học, can thiệp hiệu quả ở THCS, duy trì hoạt động ở THPT.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nghiên cứu là căn cứ khoa học để cảnh báo các bậc phụ huynh, các cấp, các ngành, nhất là ngành y tế và ngành giáo dục về tật khúc xạ ở học sinh.

Tuy vậy, chưa có một đề án cụ thể để triển khai rộng trên địa bàn tỉnh.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây