Chủ nhiệm đề tài: BS. Nguyễn Đăng Phải, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Ban Bảo vệ sức khoẻ cán bộ tỉnh Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Hải Dương; Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: 9/1998 - 9/2000.
Đề tài được tổng kết.
I. MỤC TIÊU
- Điều tra hiện trạng tình hình tăng huyết áp và một số bệnh ở người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Hải Dương;
- Xây dựng mô hình Câu lạc bộ Chăm sóc và Bảo vệ sức khoẻ (CLB CS-BVSK) người cao tuổi tại cộng đồng;
- Tổng kết đánh giá kết quả, triển khai nhân rộng mô hình CLB CS-BVSK người cao tuổi tại cộng đồng trong toàn tỉnh.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Kết quả điều tra bệnh tăng huyết áp ở người cao tuổi tại cộng đồng.
1.1. Điều tra huyết áp cho người cao tuổi tại các vùng sinh thái khác nhau trong tỉnh.
Qua điều tra huyết áp (HA) của 3.117 người, trong đó, nam: 1.277 người, nữ: 1.840 người ở các nhóm tuổi từ 50 - 80 cho thấy, nhóm tuổi 50 - 54 có số người ít nhất (6,2%), chủ yếu là nữ, nhóm 65 - 69 tuổi đông nhất (22%), nhóm 70 - 74 tuổi (20,1%), nhóm 60 - 64 tuổi (19,6%).
1.2. Kết quả điều tra.
* Kết quả xác định huyết áp động mạch (HAĐM) ở người cao tuổi:
Áp dụng cách phân loại tăng HAĐM theo Tổ chức Y tế Thế giới (năm 1993), sau khi điều tra HAĐM cho 3.117 người cho thấy, tỷ lệ tăng HAĐM chung là 880/3.117 người bằng 28,2%. Trong đó, nam 388 người, bằng 30,3%, nữ 492 người, bằng 26,7%. Trong cùng nhóm tuổi, nam có tỷ lệ tăng HAĐM chung cao hơn nữ (nam 30,3%, nữ 26,7%).
* Kết quả xác định tăng HAĐM giới hạn (tiền tăng huyết áp):
Tỷ lệ tăng HAĐM giới hạn (tiền tăng HA) ở người cao tuổi tại các vùng điều tra là 369 người bằng 12,7%. Trong đó, nhóm tuổi 55 - 69 và từ 55 tuổi trở lên dễ bị mắc bệnh tăng HAĐM.
* Tỷ lệ người cao tuổi bị tăng HAĐM ở các vùng sinh thái trong tỉnh:
Ở các vùng sinh thái khác nhau thì người cao tuổi có tỷ lệ tăng HAĐM khác nhau: vùng đô thị 36%, nông thôn 21%; vùng núi, bán sơn địa 39%.
1.3. Tìm hiểu liên quan tăng HA với yếu tố thuận lợi và tình hình điều trị.
Sự hiểu biết về bệnh tăng HA trong người cao tuổi rất hạn chế. Có 542 người, bằng 61,7% không biết mình mắc bệnh tăng HAĐM, do không được kiểm tra sức khoẻ thường xuyên. Số người được xác định tiếp xúc với yếu tố có nguy cơ tăng HA động mạch như ăn nhiều mỡ lợn, ăn mặn, hút thuốc lá, thuốc lào, nghiện rượu v.v... có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao từ 10,8 - 50,3%; Đa số bệnh nhân bị tăng HAĐM có một số triệu chứng như nhức đầu (59%), nhìn mờ khác thường (52%), tê đầu ngón tay chân (53,9%), đau ngực (50,2%), phù ít (7,1%). Tỷ lệ tăng HA đã có tai biến mạch máu não là 3,6%. Số người bị tăng HAĐM đã sử dụng thuốc để điều trị ít, 13,9% dùng thuốc Tây y, 6,3% dùng thuốc Đông y. Còn lại không điều trị.
2. Xây dựng mô hình CLB CS-BVSK người cao tuổi tại cộng đồng.
2.1. Tổ chức triển khai mô hình.
Mô hình CLB CS-BVSK người cao tuổi được xây dựng theo quy mô thôn ở thôn Thiện Đáp, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành; thôn Lý Dương, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang; quy mô xã: ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng.
Về tổ chức CLB CS-BVSK người cao tuổi: Hội viên CLB là những người có độ tuổi từ 50 trở lên với nữ và 55 tuổi trở lên đối với nam. Lãnh đạo CLB CS-BVSK người cao tuổi là Ban chủ nhiệm CLB. CLB có 3 tiểu ban hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ban chủ nhiệm CLB, gồm Tiểu ban CS-BVSK, Tiểu ban Văn hoá - Văn nghệ - Thể dục thể thao, Tiểu ban tuyên truyền thời sự, chính sách pháp luật.
2.2. Nội dung hoạt động của CLB CS-BVSK người cao tuổi.
Xây dựng quy chế hoạt động của CLB. Tổ chức khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ, lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khoẻ, phân loại bệnh tật, hướng dẫn phòng chữa bệnh cho các hội viên CLB ở 3 xã: Vĩnh Hồng, Kim Xuyên, Cẩm Sơn. Cơ cấu thành viên CLB CS-BVSK như sau: tỷ lệ nữ tham gia từ 61 - 65,5%, cao hơn so với nam từ 34,5 - 38.7%, nhóm tuổi từ 60 - 74 là 66,8% (nam: 25,7%, nữ: 41,1%), nhóm tuổi từ 50 - 59 chiếm tỷ lệ: 14,3%, nhóm tuổi bằng hoặc hơn 75 tuổi chiếm tỷ lệ: 18,8%.
Qua kết quả khám, chữa bệnh cho thấy các bệnh chủ yếu của người cao tuổi là bệnh về răng 52,6%, mắt 50%, tai mũi họng 25%, tăng huyết áp 23,4%. Các bệnh xương khớp 13,3%, phổi hô hấp 12,7%, bệnh tim mạch 7,7%.
2.3. Đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt cho CLB CS-BVSK người cao tuổi tại cộng đồng để chủ động duy trì hoạt động của CLB.
Ban chủ nhiệm đề tài đã đào tạo 2 khoá tập trung cho đội ngũ cán bộ nòng cốt cơ sở, lựa chọn nội dung phù hợp với người già và với điều kiện ở địa phương, nghiên cứu cách truyền đạt dễ hiểu, mời các chuyên gia về chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi của Trung ương và tỉnh trực tiếp hướng dẫn kiến thức và kinh nghiệm trong hoạt động CLB cho đội ngũ cán bộ. Ban chủ nhiệm đề tài cũng đã phối hợp với cán bộ của CLB để tổ chức hướng dẫn tập luyện cho người cao tuổi với nội dung phong phú, đa dạng. Kết quả, các thành viên trong CLB đã tự luyện tập được và hướng dẫn cho người trong gia đình.
2.4. Kết quả hoạt động của 3 CLB CS- BVSK sau 2 năm thực hiện đề tài.
- Nâng cao sức khoẻ cho hội viên: Kết quả sau 2 năm hoạt động, tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh về mắt đã giảm còn 35,5%, tai mũi họng còn 11,8%, răng còn 22,4% và bệnh tăng HAĐM còn 7,1%.
- Nâng cao được nhận thức về chăm sóc sức khoẻ và chính sách pháp luật: Qua kết quả trắc nghiệm về nâng cao nhận thức trong chăm sóc sức khoẻ của người cao tuổi tại các CLB cho thấy: CLB CS-BVSK người cao tuổi tại cộng đồng là một mô hình CLB rất phù hợp với người cao tuổi, phù hợp với tâm tư và nguyện vọng của họ (93,8%). Có 92,5% số người tham gia CLB đã thấy sức khoẻ được nâng lên rõ rệt, 88% tự xoa bóp, bấm huyệt, 81% tự phục hồi chức năng. Các hội viên đã nâng cao nhận thức về chính sách pháp luật của Nhà nước (85,7%), thực hiện tốt phong trào của địa phương (81,7%).
- Kết quả vận động xây dựng cơ sở vật chất cho các CLB: Được sự ủng hộ của Đảng uỷ, chính quyền, nhân dân địa phương và sự đầu tư của Ban chủ nhiệm đề tài, các CLB đã có địa điểm sinh hoạt riêng, có bàn ghế, tủ sách và các loại sách CS-BVSK. Toàn bộ kinh phí được công khai dân chủ và được chi vào các nội dung thiết thực như dụng cụ thể thao, sách báo, thăm hỏi hội viên lúc ốm đau v.v...
3. Triển khai mở rộng mô hình ra toàn tình.
Ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với ban đại diện Hội Người cao tuổi của tỉnh phổ biến, nhân rộng ra 12 huyện, thành phố. Toàn tỉnh có trên 100.000 hội viên tham gia sinh hoạt ở 589 CLB người cao tuổi. Các huyện, thành phố có hội viên tham gia nhiều nhất là Bình Giang, Cẩm Giàng, Kim Thành, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Gia Lộc, TP Hải Dương.