Y học cổ truyền của tỉnh Hải Dương trong hiện tại và tương lai

ĐỀ TÀI ĐÁNH GIÁ SỰ KẾ THỪA PHÁT TRIỂN Y HỌC CỔ TRUYỀN CỦA TỈNH TA TRONG HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI  

Chủ nhiệm đề tài: Lương y Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch Hội châm cứu tỉnh Hải Dương.

Cơ quan thực hiện: Hội châm cứu tỉnh Hải Dương, Bảo tàng tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: 1998-1999.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

- Nghiên cứu lịch sử y dược của tỉnh;

- Đánh giá sự kế thừa y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh;

- Sưu tầm các bài thuốc gia truyền để phổ biến rộng.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Tổng quan nghiên cứu lịch sử y dược tỉnh Hải Dương.

Tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống di tích lịch sử có liên quan đến nghề làm thuốc bằng cách nghiên cứu các bản thần tích, các văn bia hoặc các truyền thuyết lịch sử; khảo sát tại các địa phương có nghề làm thuốc để thu nhập tư liệu bằng cách phỏng vấn trực tiếp, tổ chức hội thảo hoặc lấy số liệu của chính quyền, địa phương, phát phiếu điều tra về các xã, sau đó tập hợp và thẩm định.

2. Thực hiện điều tra khảo sát nghiên cứu làng thuốc, thân thế sự nghiệp các danh y và công lao cống hiến đóng góp với y học cổ truyền.

2.1. Thân thế sự nghiệp của các danh y.

Về Nguyễn Đại Năng: thực hiện 3 đợt điền dã tại các địa danh có liên quan như xã Hiệp Sơn và Hiệp An (Kinh Môn). Tuy nhiên, việc nghiên cứu qua hệ thống di tích lịch sử chưa tìm ra nơi thờ Nguyễn Đại Năng.

Về Phạm Công Bân: Sử sách ghi ông quê ở Tứ Minh, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc TP Hải Dương, được phong Thái y đời vua Trần Dụ Tông, có nhiều công lao chữa bệnh cho dân nghèo, ông đã soạn sách "Thái y dịch bệnh". Sau nhiều lần điền dã, khảo sát tại địa phương, vẫn chưa xác định được di tích liên quan đến Phạm Công Bân.

Về Tuệ Tĩnh: Riêng đối với đại danh y Tuệ Tĩnh thì các nguồn tư liệu tương đối phong phú, các di tích liên quan đến cụ còn nhiều. Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, quê tại làng Nghĩa Phú tổng Văn Thai, nay là xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng. Theo các nguồn tài liệu thì ông sinh vào năm 1330, năm 22 tuổi thi đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) nhưng không ra làm quan mà về nhà làm thuốc, chữa bệnh cho dân. Ông còn thu thập các bài thuốc dân gian lưu truyền trong nhân dân ghi chép lại thành sách như "Nam dược thần hiệu", "Hồng nghĩa giác tư y thứ" hoặc "Trực giác chỉ nam trực tỉnh phú". Đại danh y Tuệ Tĩnh vẫn là người có công đầu trong sử dụng cây thuốc nam và các bài thuốc Nam để chữa bệnh.

Cụ Nguyễn Thanh Giản: bí danh Nam Khê, sinh ngày 17/3/1904 tại thôn Diên Khánh, xã Quang Hưng trong một nhà nho nghèo ở vùng chiêm trũng của tỉnh Hải Dương. Năm 20 tuổi dạy học tư ở nhà, lương y Nguyễn Thanh Giản bắt đầu vào nghề tại nhà thuốc Tế Sinh Biên ở Bến Trại, huyện Thanh Miện từ năm 1929 đến 1932. Ông đã cùng các đồng nghiệp dịch toàn bộ tập "Y tông tâm tĩnh" của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông và hơn 20 đầu sách kinh điển về Y học cổ truyền.

Cụ Nguyễn Huy Cương: bí danh là Nguyễn Vững, sinh ngày 05/5/1016 tại thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trong một gia đình có truyền thống lâu đời làm thầy dạy chữ Nho và làm thuốc Đông y. Năm 15 tuổi ông đã được bố đẻ là lương y Nguyễn Huy Số dạy chữ Nho và dạy nghề thuốc. Ông đã tích cực tham gia với Trung ương Hội và Bộ Y tế củng cố các cấp Hội và hệ thống y dược ở các tuyến điều trị trên toàn miền Bắc, đồng thời với việc xây dựng hội ở các tỉnh phía Nam, tiến tới thống nhất Hội Y học cổ truyền trên phạm vi cả nước.

Cụ Nguyễn Văn Long: sinh năm 1905 trong một gia đình nhà nho nghèo, vốn có truyền thống nhiều đời làm thuốc Bắc ở làng Vĩnh Duệ, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Sự cống hiến có giá trị của lương y Nguyễn Văn Long là sử dụng chữa bệnh hoàn toàn bằng thuốc Nam, đặc biệt là phương pháp chữa vết thương phần mềm bằng lá mỏ quạ độc đáo và hiệu quả.

Cụ Nguyễn Văn Bách: Bí danh là Lỗ Công, sinh năm 1925 trong một gia đình có nhiều đời làm thuốc và dạy chữ nho ở xã Quang Hưng - Gia Lộc. Thân sinh của ông là Lương y Nguyễn Văn Nghiêm, danh y nổi tiếng ở vùng Gia Lộc -Tứ Kỳ - Hải Dương. Được truyền về dạy nghề thuốc rất cơ bản, ngoài 20 tuổi ông đã làm chủ một hiệu thuốc bắc ở Cát Cụt - Hải Phòng và dành nhiều thời gian khám chữa bệnh ở phòng khám khoa nội, khoa phụ sản của Viện YHCT, dịch, biên soạn tài liệu YHCT. Năm 1993 ông cùng lương y, bác sĩ Phó Đức Thảo khảo dịch lại lần cuối, tái bản toàn bộ tập "Hải Thượng Y Tông tâm tĩnh". Ông là một trong số ít lương y có trình độ uyên thâm về YHCT.

Nguyễn Xuân Sung: sinh ngày 21/8/1914 tại thôn Phú Khê, xã Thái Học, huyện Bình Giang thuộc dòng họ Vũ có nhiều người thành đạt trong khoa bảng, dạy học và thuốc. Cụ học chữ Nho và học thuốc từ ông nội là Vũ Như Cửu (con cụ Vũ Xuân Tiên) làm tổng sư ở huyện Bình Giang. Ông đã tham gia dịch bộ y tổng tâm tĩnh của Hải Thượng Lãn Ông.

2.2. Làng nghề và những bài thuốc y học cổ truyền.

Làng Chiềng tức làng Trịnh Xuyên, là một thôn lớn của xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang. Thôn có 730 hộ, 3.200 khẩu. Trong đó, có 7 hộ với 38 khẩu chuyên làm nghề cắt thuốc Bắc với môn thuốc gia truyền chữa phong tê thấp. Tuy nhiên, nghề làm thuốc làng Chiềng chỉ là nghề phụ, do nguồn dược liệu làm thuốc phải mua từ bên ngoài. Trước đây, nguồn dược liệu khan hiếm phải lấy tận Hà Nội. Khi dược liệu từ Trung Quốc sang nhiều, những hộ làm thuốc chỉ lấy tại thành phố Hải Dương hoặc chợ Thông (Thanh Miện). Bước sang nền kinh tế thị trường, nghề làm thuốc làng Chiềng có chiều hướng phát triển tốt.

Làng Thông thuộc xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, nằm trên Quốc lộ 20 từ Phủ Vạc đi thị trấn Thanh Miện, được nhiều người biết đến không chỉ vì có nghề dệt đũi nổi tiếng, mà ở đây còn có nghề buôn bán thuốc Bắc từ xa xưa. Nghề thuốc ở đây có từ bao giờ, đến nay chưa có tài liệu nào nói tới, chỉ biết rằng ông tổ nghề là ông Tộ, người làng Thông, rất giỏi nghề làm thuốc.

Nghĩa Phú tên nôm gọi là làng Xưa, là một thôn của xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, là quê hương của đại danh y Tuệ Tĩnh và cũng là nơi có nhiều lương y thừa kế nhiều đời và tồn tại đến ngày nay. Có những dòng họ 12 đời kế tiếp nhau làm nghề thuốc chữa bệnh cứu người. Ở làng, mỗi dòng họ đều có những lương y chuyên sâu về một loại bệnh.

3. Thực trạng điều tra YHCT qua kết quả điều tra và đánh giá thực trạng tại huyện Kinh Môn.

3.1. Thực hiện điều tra về cơ sở vật chất và số lượng người làm YHCT.

YHCT, châm cứu của huyện Kinh Môn có 73 người. Trong đó, lương y được đào tạo và bồi dưỡng ở Trường cán bộ Y tế tỉnh và Hội YHCT tỉnh có 17 người, lương y trên 80 tuổi có 2 cụ. Cơ sở vật chất có 3 phòng để kê 3 giường bệnh, 1 phòng có 1 tủ đựng bệnh án, 1 bộ bàn ghế, 1 giường cá nhân để khám bệnh và 1 phòng dùng làm kho thuốc, bào chế. Có 1 quầy hàng mặt đường rộng 6m phục vụ khám chữa bệnh ngoại trú và theo nhu cầu, 5 cửa hàng tư nhân có phòng bán thuốc riêng.

3.2. Thực hiện điều tra tổng hợp về hoạt động y học cổ truyền:

Khu vực Nhà nước: Khoa YHCT thuộc các trung tâm y tế huyện chữa bằng thuốc Đông y cho 733 người, châm cứu bấm huyệt cho 201 người với tỷ lệ khỏi đạt 70%, đỡ 20%, đạt 9,5%. Khu vực tư nhân: mỗi năm có từ 2.000-3.000 người chữa bằng YHCT và châm cứu từ 15 đến 20 loại bệnh. Những môn thuốc gia truyền gồm thuốc cảm ở Huệ Trì (chữa bệnh trẻ em), thuốc chữa rắn cắn và thuốc bó gẫy xương kín ở An Phụ, thuốc nam chữa bỏng ở xã Phạm Mệnh và xã Thái Thịnh.

3.3. Thực hiện đánh giá qua điều tra:

Hệ thống y dược của huyện Kinh Môn sau tái lập được củng cố, nhưng hoạt động còn hạn chế. Số lượng cán bộ YHCT khá đông (73 người) nhưng chỉ có 17 người được đào tạo. Cơ sở vật chất của y tế nhà nước còn thiếu thốn, chưa được đầu tư cho YHCT. Y tế tư nhân còn thiếu cơ sở vật chất và chưa được quản lý chặt chẽ. Rất ít trạm y tế xã có vườn thuốc Nam, toàn bộ các trạm y tế xã không sử dụng YHCT trong khám và chữa bệnh. Huyện Kinh Môn còn có ưu thế và nguồn thuốc thiên nhiên, nhiều loài thuốc YHCT được kế thừa. Hội YHCT của huyện và Hội Châm cứu tập hợp được nhiều lương y.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nghiên cứu đề tài đã tập hợp được 172 bài thuốc gia truyền và tập hợp thành tài liệu quý về lịch sử y và dược cổ truyền.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây