80% nồi cơm điện không đạt chuẩn. Cứ khoảng 10 chiếc nồi cơm điện bán trên thị trường thì có đến 9 chiếc xuất xứ từ Trung Quốc.
Điều tra của nhiều người tiêu dùng thông qua Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về nồi cơm điện cho thấy, cứ khoảng 10 chiếc nồi cơm điện bán trên thị trường thì có đến 9 chiếc xuất xứ từ Trung Quốc. Trên 80% trong số đó không đạt tiêu chuẩn.
Nồi cơm điện từ 50.000đ đến hàng triệu
Tại một số siêu thị cũng như cửa hàng, quầy hàng bán đồ điện tử tại Hà Nội, các loại nồi cơm điện với nhiều chủng loại, kiểu dáng và hãng sản xuất được bày la liệt. Trong đó, nhiều loại nồi được sản xuất từ Trung Quốc, chất lượng không được công bố rõ ràng. Giá cả các loại nồi làm người tiêu dùng hoa mắt từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng.
Tuy nhiên, theo những người bán hàng cũng như kinh nghiệm sử dụng của người dân cho thấy: Nồi có giá rẻ từ khoảng sau 1 năm sẽ hỏng, nấu cơm lúc sống lúc nhão, nhất là lúc nấu nhiều cơm.
Một điều tra của khách hàng thông qua Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam gửi đến Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho thấy: Cứ khoảng 10 chiếc nồi cơm điện bán trên thị trường thì có đến 9 chiếc xuất xứ từ Trung Quốc. Trên 80% trong số đó không đạt tiêu chuẩn.
Chỉ số kỹ thuật in trên nhãn mác sai với kiểm tra đo lường thực tế. Đơn cử, công suất tối đa 580W - 640W nhưng nội dung in trên nhãn mác dán trên thân nồi đều thể hiện công suất là 700W cho nồi 1,8 lít. Đó là chưa kể đến dung tích của nồi cơm điện nắp rời của nhiều hãng chỉ đạt 1,5 - 1,6 lít nhưng ghi trên nhãn mác là 1,8 lít.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Nhiều đơn vị kinh doanh nồi cơm điện sử dụng các loại men chống dính không có bản quyền nên không thể có chứng nhận an toàn, không độc hại của các tổ chức quốc tế như GS, CE, UN... Hệ thống dây dẫn bên trong nồi hầu hết không phải là loại chịu được nhiệt độ cao, không có khả năng chống cháy chập khi có sự cố về điện.
Các chi tiết nhựa, gioăng của một số hãng cung cấp có độ bền quá thấp. Biểu hiện như có mùi, bị cong vênh, biến dạng, nứt và ngả màu sau từ 2 - 4 tháng sử dụng. Nguyên nhân do tỷ lệ nhựa tạp quá cao.
Theo quy định, relay nhiệt (bao gồm cả loại cơ và điện tử) phải được làm từ các loại hợp kim chịu được oxy hóa cao, đặc biệt là bệ đỡ và chân chống. Ngoài ra, độ rã từ cả nam châm mềm và vĩnh cửu phải đạt giới hạn 1/1.000.000... Thực tế tính ra 90% các thương hiệu nồi cơm điện đang bày bán tại Việt Nam đều không đạt tiêu chuẩn này nên tỷ lệ cơm bị sống, nhão, cháy... thường hay xảy ra.
Bên cạnh đó, hầu hết các hãng nồi cơm điện đưa vào nước ta tiêu thụ đều có bộ tiêu chuẩn cắt nhiệt không phù hợp với cách nấu cơm của người Việt Nam.
Còn một vấn đề hàng ngày tiêu tốn nhiều năng lượng điện cũng như kinh phí sử dụng của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng là xoong nấu dày, nặng vượt quá mức 1,2mm/150g trở lên cho nồi 1,8 lít/700W sẽ đồng nghĩa với thời gian nấu lâu hơn, chi phí điện năng nấu cơm tăng, chất lượng cơm giảm vì tỷ số truyền, tích và tỏa nhiệt không hợp lý.
Nhiều người dân do thiếu hiểu biết cùng tư vấn sai của nơi bán nên mua nồi nấu điều khiển điện tử, đa chức năng về chỉ để nấu cơm.
Theo Bee