Ý tưởng khá mới mẻ là dùng gáo dừa để làm cốt liệu cho bê tông cùng những hiệu quả kinh tế mang lại, đề tài của Nguyễn Tấn Khoa, cựu sinh viên ngành vật liệu và cấu kiện xây dựng, khoa xây dựng, Trường đại học bách khoa TP.HCM.
Khoa cho biết, quá trình gia công xử lý gáo dừa gồm 3 công đoạn chính. Công đoạn đầu tiên là xử lý gáo dừa làm nguyên liệu bao gồm nhiều giai đoạn (đập, sàng nhiều lần) nhằm đạt được hình dạng, kích thước, tính chất thích hợp. Theo tác giả, thông thường gáo dừa khô có bề dày từ 2,5 - 3 mm cho nên kích thước hạt sau khi đập nhỏ thích hợp nhất để làm cốt liệu là từ 5 - 6 mm. Tiếp đến là công đoạn dùng gáo dừa làm cốt liệu: gáo sẽ được đem đi khử lignin bằng dung dịch kiềm ở nhiệt độ cao. Lignin rất dễ tan trong môi trường kiềm, vì thế nếu không khử lignin trong gáo dừa thì lúc lignin bị hòa tan sẽ làm giảm độ pH trong bê tông. Một khi độ pH giảm sẽ dẫn đến cấu trúc của bê tông dễ bị ăn mòn bởi những tác nhân xâm thực, làm cho bê tông giảm tuổi thọ và không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Dung dịch sau khi tách ra còn có thể được sử dụng làm phụ gia siêu dẻo cho bê tông.
Cuối cùng, với việc chế tạo hỗn hợp bê tông, những thành phần được sửdụng gồm có: nước và phụ gia, xi măng đóng vai trò là chất kết dính, cát đóng vai trò là cốt liệu nhỏ, gáo đóng vai trò là cốt liệu lớn. Quá trình thử nghiệm đã thu được sản phẩm là tấm tường bê tông nhẹ thay thế được hoàn toàn vật liệu truyền thống, có khối lượng thể tích 1.400 - 1.700 kg/m3, cường độ chịu nén đạt được từ 50 - 100 kg/cm2.
Đánh giá về tính khả thi của đề tài, Tấn Khoa cho biết, việc ứng dụng thành công gáo dừa làm cốt liệu cho bê tông sẽ giúp giải quyết được nguồn chất thải công nghiệp và nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như giá trị kinh tế của nguyên liệu dừa; giải quyết được việc làm địa phương bằng cách tổ chức công nghệ sản xuất tấm tường bê tông tại chỗ. Mặt khác, có thể triển khai công nghệ tại nhiều địa phương khác nhau với công nghệ sản xuất đơn giản. Công nghệ sản xuất hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường vì tạo ra vật liệu xây dựng không nung, ít tiêu hao năng lượng so với vật liệu gạch đất sét truyền thống. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, nước thải (có lẫn chất lignin) cũng được tận dụng chiết xuất lại sản xuất phụ gia cho bê tông, nên đảm bảo an toàn cho môi trường so với các phương pháp sản xuất bê tông truyền thống trước đây.
Với sản phẩm bê tông nhẹ từ cốt liệu gáo dừa, tác giả đã nộp đơn lên Cục sở hữu trí tuệ xin cấp bằng sáng chế.
Nguồn: Báo Khoa học phổ thông