Đây là thông tin do bà Aline Plancon, Trưởng bộ phận Phòng chống tội phạm dược phẩm và làm giả các sản phẩm y tế thuộc Interpol cho biết tại buổi họp báo chiều 1/11.Theo bà Aline Plancon, dược phẩm giả là mặt hàng siêu lợi nhuận, chỉ đứng sau buôn bán vũ khí và ma túy. Các loại thuốc làm giả chủ yếu là “ăn theo” các loại đã có thương hiệu mạnh trên thị trường.
Riêng ở châu Á, thuốc phòng chống ung thư bị làm giả nhiều nhất do đây là loại rất đắt tiền. Thuốc giả rất khó phát hiện bởi không có màu sắc hay mùi vị cụ thể.Tội phạm dược phẩm cũng liên kết với các tội phạm khác như rửa tiền, tham nhũng, làm hàng giả. Có những vụ việc phát hiện hàng chục tấn tân dược giả không qua con đường buôn lậu mà nhập chính thống vào các quốc gia.
Cũng theo bà Aline Plancon, từ năm 2008 đến nay, Interpol đã phối hợp với Việt Nam thông qua một số diễn đàn quốc tế và bước đầu đã đạt được những kết quả khá quan trọng trong việc nâng cao năng lực để nhận diện, phòng chống tội phạm dược phẩm và làm giả các sản phẩm y tế cho các cơ quan chức năng, như: Hải quan, Bộ Y tế, Bộ Công an.
Đại diện Interpol tại Việt Nam, đại tá Nguyễn Thị Minh Hòa, cho biết, trong đợt chiến chiến dịch truy quét dược phẩm giả tại Việt Nam, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện rất nhiều thuốc giả (chủ yếu tại Sài Gòn). Đáng chú ý có nhiều loại mẫu giống nhau nhưng chất lượng không giống như công bố.
(Theo vietnamnet)