Việt Nam là một nước nông nghiệp với khoảng 80% số dân sống ở vùng nông thôn. Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Tuy nhiên, việc chăn nuôi thiếu quy hoạch, nhất là các vùng dân cư đông đúc đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Các chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm nguồn nước mặt, không khí, đất và ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của con người.
Theo tính toán của các chuyên gia trong nước thì hằng năm, tổng đàn gia súc, gia cầm Việt Nam sẽ thải vào môi trường khoảng 73 triệu tấn chất thải rắn. Ước tính một tấn phân chuồng tươi với cách quản lý, sử dụng truyền thống như hiện nay sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2 quy đổi thì với khối lượng chất thải chăn nuôi nêu trên sẽ phát thải vào không khí 17,52 triệu tấn CO2 nếu không được xử lý.
Việc xử lý chất thải chăn nuôi là một yêu cầu cấp thiết nhằm giảm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và nguồn dịch bệnh gây ra cho con người và động vật... Do vậy, việc áp dụng các biện pháp nhằm xử lý chất thải chăn nuôi là một trong những vấn đề cấp bách của ngành nông nghiệp nước ta hiện nay. Một trong những giải pháp đem lại lợi ích của người chăn nuôi đó là công nghệ khí sinh học.
Công nghệ khí sinh học được nghiên cứu và ứng dụng ở Việt Nam từ những năm 1960. Kể từ đó, công nghệ này luôn được cải tiến và ứng dụng rộng rãi ở những quy mô khác nhau và đem lại những hiểu quả đáng mừng về kinh tế - xã hội và môi trường cho người dân. Với những lợi ích và công nghệ này mang lại, dự án "Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam, giai đoạn 2007-2011" được xây dựng với mục tiêu phát triển ngành khí sinh học bền vững theo hướng thị trường và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Dự án do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổ chức Phát triển Hà Lan ở Việt Nam (SNV-VN) thực hiện theo báo cáo khảo sát người sử dụng khí sinh học do Dự án thực hiện, lợi ích của công trình khí sinh học đối với cuộc sống người dân được thể hiện ở các mặt sau:
Về kinh tế: Khí sinh học cung cấp năng lượng sạch cho các hoạt động như đun nấu và thắp sáng. Trước khi có công trình khí sinh học, hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng loại nhiên liệu phổ biến là điện, củi, rơm, rạ, trấu, cành cây khô, than và khí hóa lỏng. Sau khi các hộ gia đình này xây dựng công trình khí sinh học, việc thay thế các loại nhiên liệu thường dùng thay đổi khá rõ rệt. Cụ thể, số hộ sử dụng củi giảm 70%, số hộ sử dụng than giảm 47%, số hộ sử dụng rơm, trấu, cành cây khô giảm 49% và số hộ sử dụng khí hóa lỏng giảm 11,5%. Căn cứ vào loại, số lượng nhiên liệu được thay thế và giá cả mua bán thì mức độ tiết kiệm nhiên liệu bình quân đối với mỗi hộ gia đình ước tính từ 85 nghìn đến 90 nghìn đồng/tháng. Ðặc biệt, đối với những hộ gia đình sử dụng khí sinh học thay thế hoàn toàn nhiên liệu khác trong việc đun nấu thì tiết kiệm khoảng 100 nghìn đồng/tháng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ phẩm khí sinh học giúp giảm chi phí mua phân bón cho cây trồng. Chi phí mua phân bón hóa học cho cây trồng của hộ gia đình sau khi có công trình khí sinh học giảm đi đáng kể (khoảng từ 18 đến 30%) so với trước khi có công trình khí sinh học. Tuy nhiên, khác với các loại cây lương thực, rau hoặc cây ăn quả thì hầu hết các hộ gia đình không sử dụng phụ phẩm khí sinh học để bón cho cây công nghiệp vì những cây công nghiệp thường được trồng ở xa nhà mà việc vận chuyển phụ phẩm khí sinh học không mấy thuận tiện. Nhìn chung, việc sử dụng phụ phẩm khí sinh học không những tăng năng suất cây trồng, góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn góp phần giảm việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
Về xã hội: Ðối với các gia đình nông thôn, trước khi có công trình khí sinh học, hộ dân thường dùng củi, rơm rạ, than hoặc khí hóa lỏng để đun nấu. Ðể có được những nhiên liệu này, hộ dân thường phải đi tìm kiếm, nhặt nhạnh hoặc tìm mua. Sau khi có công trình khí sinh học, hộ dân gần như sử dụng khí sinh học để thay thế hoàn toàn cho các nhiên liệu phục vụ cho hoạt động đun nấu trước đây và tính trung bình, mỗi hộ dân có thể tiết kiệm từ 3 đến 4 giờ/tuần cho việc tìm kiếm hoặc mua các nhiên liệu. Ngoài ra, việc sử dụng khí sinh học trong đun nấu thuận tiện và sạch sẽ cũng đã góp phần giải phóng phụ nữ và trẻ em khỏi gánh nặng vất vả của công việc nội trợ và kiếm củi, tiết kiệm thời gian cho việc học tập và nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, khi đầu tư xây dựng công trình khí sinh học, thông thường các hộ gia đình thường kết hợp nâng cấp chuồng trại, khu công trình phụ, nhà vệ sinh... Vì vậy, xây công trình khí sinh học trực tiếp mang lại cuộc sống tiện nghi cho người dân như sử dụng chất đốt có chất lượng cao, khu công trình phụ, chuồng trại vệ sinh, sạch đẹp và thuận tiện như cuộc sống ở thành thị...
Về môi trường: Trước khi có công trình khí sinh học thì 54% số hộ gia đình có thói quen ủ phân trước khi bón cho cây trồng, 16% số hộ dân bón phân chuồng trực tiếp cho cây và 15% số hộ gia đình đổ trực tiếp chất thải chăn nuôi ra cống rãnh hoặc mương thoát nước. Cách giải quyết chất thải vật nuôi như trên đã tác động xấu đến môi trường sống, gây ra mùi hôi thối quanh khu vực sống và ảnh hưởng đến những hộ dân bên cạnh. Sau khi có công trình khí sinh học, 72% lượng chất thải vật nuôi được nạp vào công trình khí sinh học, 20% số hộ gia đình sử dụng sau khi ủ phân, 4,8% lượng chất thải vật nuôi được các hộ gia đình bán hoặc cho hàng xóm và chỉ còn 2,1% lượng chất thải vật nuôi được thải trực tiếp vào cống rãnh.
Tóm lại, việc sử dụng các công trình khí sinh học góp phần quan trọng giảm ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi (ước tính xử lý được 7,5 - 8 triệu tấn chất thải chăn nuôi). Phụ phẩm khí sinh học được sử dụng làm phân bón cho đồng ruộng và hoa màu có tác dụng cải tạo đất, nâng cao độ phì chống bạc màu và xói mòn đất, góp phần bảo vệ và cải tạo nguồn tài nguyên đất canh tác, giúp cho cây trồng tăng sản lượng từ 20 đến 30%. Thêm vào đó, sử dụng khí sinh học làm chất đốt nhằm giảm tiêu thụ gỗ củi phục vụ các mục đích khác nhau và cũng góp phần giảm các bệnh về mắt và phổi do khói bụi gây ra khi đun nấu.
Theo Kinh tế nông thôn