Báo động thực phẩm nhuộm màu

Những nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy, việc sử dụng phẩm màu tổng hợp lâu dài có những nguy hại cho sức khỏe con người, trong đó nổi bật là mầm bệnh u não, ung thư bàng quang, tinh hoàn, tuyến giáp, tuyến thượng thận, dị ứng, hen suyễn... Chúng có khả năng sinh ung thư, độc tính trên gien (tổn thương di truyền ADN, nhiễm sắc thể...), độc tính thần kinh (gây chứng hiếu động thái quá, suy giảm khả năng học tập, bốc đồng, giận dữ, thay đổi hành vi cả trẻ em và người trưởng thành).
Theo Bộ Y tế, phẩm màu thực phẩm hiện có 2 loại chính: tự nhiên và tổng hợp. Phẩm màu tự nhiên được làm từ động vật, thực vật (củ nghệ, lá cây, côn trùng...), có độ bền kém, phải dùng với lượng lớn và giá thành khá cao.
Phẩm màu tổng hợp được tạo ra bằng các phản ứng hóa học, có độ bền cao, dễ sử dụng và giá rẻ nên được các nhà chế biến thực phẩm ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, phẩm màu tổng hợp chỉ làm cho sản phẩm bắt mắt, gây chú ý với người mua chứ hoàn toàn không có giá trị về dinh dưỡng. Các phẩm màu tổng hợp phổ biến được các cơ sở sản xuất thường dùng trong chế biến thực phẩm gồm: Brilliant blue (sử dụng trong sữa, thạch, xi-rô, đồ uống, kẹo; đã bị cấm ở nhiều nước); erythrosine (làm kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ; đã bị cấm ở Mỹ và một số nước khác); allura red (dùng trong thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn; có thể gây ra ung thư ở động vật và dị ứng; gây hen suyễn, viêm mũi, chứng hiếu động thái quá ở người); tartrazine (ngũ cốc, mứt, thực phẩm ăn nhanh, mì gói, xúp, bột nước giải khát, bánh kẹo; đã bị cấm ở một số nước)...
Trong danh mục tiêu chuẩn đối với lương thực, thực phẩm, chỉ cho phép sử dụng 21 phẩm màu, trong đó 11 loại tự nhiên và 10 loại tổng hợp. Những loại phẩm màu này không gây độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng phải sử dụng dưới giới hạn cho phép. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một bộ phận cơ sở sản xuất, kinh doanh đã bất chấp, sử dụng phẩm màu vượt giới hạn, đặc biệt là màu tổng hợp; hoặc sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép. Đáng báo động là có nơi dùng cả phẩm màu công nghiệp để chế biến thực phẩm, rất dễ dẫn đến ngộ độc cấp tính, mãn tính vì chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng.
Đã đến lúc cần sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các ngành chức năng với những chế tài đủ mạnh mang tính răn đe, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phẩm màu cho cả người kinh doanh và người tiêu dùng. Có như vậy mới bảo vệ được sức khỏe và môi trường sống cho nhân dân.

(Theo Monre)

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây