Giá phân bón lại "nhảy múa"

Gần đây, nguồn cung phân bón trong nước có nhiều biến động, giá cả tăng nhanh bất chấp các biện pháp bình ổn.
Viện lý do hàng loạt các yếu tố đầu vào tăng giá, như điện, xăng dầu, cao su, lưu huỳnh, nhất là than tăng đến 40%, vừa qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thông báo sẽ tăng giá phân bón, đúng lúc vụ hè thu đang ở trước mắt. Sau khi giá than tăng, giá thành của phân đạm đã tăng 18%, với phân lân là 7%.
Đối với phân DAP mới đáp ứng 30-35% nhu cầu trong nước. Đến năm 2014, nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai hoạt động sẽ đáp ứng khoảng 80%. Riêng 2 loại phân kali và SA, do chúng ta chưa sản xuất được, nên mỗi năm phải nhập khẩu 70.000 tấn kali và 600.000 tấn SA.
Chính vì vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nên giá phân bón trong nước còn phụ thuộc vào giá thế giới. Từ đầu năm đến nay, giá phân bón thế giới có xu hướng tăng, kéo giá trong nước tăng theo. Bên cạnh đó, còn phải kể đến một số yếu tố góp phần làm cho giá phân bón không ngừng tăng, như: các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón không có dự trữ bắt buộc, nên xảy ra khan hàng và tăng giá mạnh vào các giai đoạn bón phân cao điểm; đồng loạt nhiều yếu tố đầu vào của sản xuất phân bón như: điện, than, xăng dầu, cao su, lưu huỳnh, nhân công, tỉ giá đều tăng giá.
Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ ban hành qui định các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón phải duy trì một lượng hàng dự trữ, có sự hỗ trợ của Nhà nước. Những doanh nghiệp có thị phần lớn phải tham gia dự trữ lưu thông bắt buộc, được hưởng những biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, vừa giảm bớt gánh nặng cho nguồn lực Nhà nước, vừa điều tiết cung-cầu thị trường".

(Theo kinh tế)

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây