Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trong lộ trình phát triển Chính phủ

Công nghệ thông tin (CNTT) đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đặc biệt là hoạt động quản lý hành chính.
Theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành, Chương trình Quốc gia về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 dự kiến sẽ đầu tư 1.700 tỷ đồng dành cho các dự án, nhiệm vụ có quy mô quốc gia từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Mục tiêu của Chương trình đến năm 2015 là xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử; ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động; cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Cụ thể như hệ thống quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc; hệ thống thư điện tử quốc gia; giao ban điện tử đa phương tiện giữa Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương; Cổng thông tin điện tử (TTĐT) Chính phủ; nộp tờ khai thuế qua mạng Internet; triển khai thủ tục hải quan điện tử; cấp và quản lý chứng minh nhân dân; bệnh án điện tử và quản lý hệ thống khám chữa bệnh; tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa... hay như các cơ sở dữ liệu: Thủ tục hành chính trên Internet; các dự án đầu tư; doanh nghiệp...
Ứng dụng CNTT trong nội bộ CQNN là nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động. Chương trình đặt ra mục tiêu cũng như các giải pháp hướng tới 60% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các CQNN được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; hầu hết cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc.
Đặc biệt phải bảo đảm các điều kiện về kỹ thuật cho 100% các cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương có thể được thực hiện trên môi trường mạng. Triển khai Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc tới 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Theo Chương trình quốc gia, một mục tiêu cụ thể cần thực hiện là 100% các CQNN từ cấp quận, huyện, Sở, Ban, ngành hoặc tương đương trở lên có cổng hoặc trang TTĐT cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp. Đảm bảo 50% hồ sơ khai thuế của người dân và doanh nghiệp được nộp qua mạng. 90% cơ quan hải quan triển khai thủ tục hải quan điện tử. Tất cả kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, kết quả đấu thầu, danh sách nhà thầu được đăng tải trên mạng đấu thầu quốc gia; khoảng 20% số gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và dịch vụ tư vấn sử dụng vốn nhà nước được thực hiện qua mạng; thí điểm mua sắm chính phủ tập trung trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. 100% hộ chiếu công dân là hộ chiếu điện tử. 30% công dân được cấp chứng minh nhân dân sản xuất trên dây chuyền hiện đại, không bị trùng lặp, chống được làm giả. Tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong hoạt động của CQNN bằng cách nâng cao hiệu quả kênh tiếp nhận ý kiến góp ý của người dân trên môi trường mạng, tổ chức đối thoại trực tuyến, chuyên mục hỏi đáp trực tuyến về hoạt động của các CQNN.
(Theo Chinhphu)

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây