Chủ nhiệm dự án: TS. Hà Bạch Đằng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.
Cơ quan phối hợp: Sở Y tế tỉnh Hải Dương; UBND các huyện: Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Gia Lộc, Ninh Giang.
Thời gian thực hiện: 2003 - 2005.
Dự án được tổng kết.
I. MỤC TIÊU
- Điều tra đánh giá hiện trạng về thu gom và xử lý rác của các thị trấn thuộc các huyện trong tỉnh Hải Dương.
- Áp dụng kỹ thuật tiến bộ, xây dựng bãi xử lý rác thải phù hợp với điều kiện và có hiệu quả.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Tình hình rác thải của các thị trấn huyện hiện nay.
Rác thải đô thị đang là vấn đề bức xúc đối với thị trấn các huyện và các vùng dân cư tập trung trong tỉnh. Lượng rác hàng ngày thải ra của mỗi thị trấn huyện trên địa bàn tỉnh khoảng 30m3 (tương đương 15 tấn/ ngày). Việc thu gom rác thải tuy đã có đội vệ sinh môi trường thực hiện, nhưng việc xử lý rác chưa hợp vệ sinh, rác đổ bừa bãi, không có nơi qui định nên đã làm ảnh hưởng tới môi trường của cộng đồng.
2. Xây dựng mô hình tổ chức, quản lý, thu gom và vận chuyển rác của thị trấn, huyện lỵ các huyện trong tỉnh.
2.1. Điều tra đánh giá hiện trạng
- Nhận thức về BVMT của cộng đồng.
- Hình thức tổ chức quản lý, hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý rác hiện nay của các thị trấn.
- Đánh giá tác động môi trường của khu vực xây dựng bãi chôn lấp rác kỹ thuật, hợp vệ sinh của các địa điểm được lựa chọn để xây dựng bãi rác thị trấn của các huyện, các chỉ tiêu đánh giá bao gồm:
+ Thành phần nước: pH, BOD5, COD, NH4, NO2, NO,PO4, AS, Coliform.
+ Thành phần đất: pH, Tổng Nitơ, Tổng phốt pho, kim loại nặng (As, Cd).
+ Thành phần khí: bụi, CO2, SO2, NOx, H2S.
- Khảo sát, học tập kinh nghiệm của một số tỉnh đã làm tốt việc thu gom và xử lý rác thải tại cộng đồng để lựa chọn mô hình phù hợp với địa phương.
2.2. Xây dựng mô hình giả định của việc thu gom, xử lý rác thải của thị trấn các huyện sau khi đi khảo sát gồm:
+ Hình thức tổ chức, quản lý; biên chế lao động.
+ Tổ chức quản lý, thu gom và vận chuyển rác.
+ Qui chế vận hành tổ chức: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức quản lý thu gom rác, kinh phí hoạt động...
- Tổ chức hội thảo về mô hình giả định để lựa chọn mô hình thích hợp.
- Triển khai áp dụng mô hình đã thống nhất lựa chọn.
- Tổng kết đánh giá, hoàn thiện, kiến nghị triển khai áp dụng.
3. Áp dụng kỹ thuật tiến bộ, xây dựng bãi chôn lấp rác kỹ thuật, hợp vệ sinh và những biện pháp thực hiện:
3.1. Áp dụng kỹ thuật tiến bộ xây dựng bãi chôn rác kỹ thuật, hợp vệ sinh.
- Tổ chức khảo sát lựa chọn địa điểm bãi chôn lấp rác.
- Khảo sát, thiết kế xây dựng bãi chôn lấp rác và thi công xây dựng.
3.2. Biện pháp thực hiện
- Tham quan khảo sát mô hình tổ chức quản lý, thu gom rác của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và thị xã Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn để áp dụng vào địa phương.
- Tổ chức tập huấn phương pháp điều tra cho các thành viên dự án.
- Khảo sát thực tế tại địa phương để lựa chọn địa điểm bãi chôn lấp rác.
- Hợp đồng thiết kế bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh với Công ty Tư vấn thiết kế và xây dựng công trình đô thị tỉnh Hải Dương.
- Hội thảo chuyên gia đóng góp ý kiến.
- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường của thị trấn huyện và các khu dân cư.
4. Quy trình kỹ thuật xử lý bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh gồm.
Đắp đất sét lèn chặt tạo thành đê xung quanh bãi rác, chiều cao đê từ 3,3 - 4 m kể từ đáy bãi rác. Trải lót lớp vải địa kỹ thuật chống thấm từ đáy lên đến thành đê bao của bãi rác, đổ lớp đất dày 0,2 m lên phía trên để bảo vệ lớp vải địa kỹ thuật không bị rách khi đổ rác. Lớp vải địa kỹ thuật làm nhiệm vụ ngăn ngừa không cho nước rác thấm qua đáy và qua thành bãi rác ra ngoài làm ô nhiễm nguồn nước. Đáy bãi rác có thiết kế hệ thống thu gom nước rác dẫn ra hố ga để xử lý giảm thiểu ô nhiễm trước khi thải ra môi trường. Để chống tích tụ khí trong bãi rác, phải thiết kế xây dựng hai cột thoát khí bằng ống nhựa PVC đường kính 110 cm và có đục lỗ, khoảng cách giữa hai ống là 25 m.
Quá trình vận hành của bãi rác được xử lý trình tự như sau: một lớp rác dày khoảng 1 m được lèn chặt và phun chế phẩm E.M, sau đó phủ bằng một lớp đất dày khoảng 0,2 m, cứ như vậy cho đến khi đổ đầy bãi rác. Khi đóng cửa bãi rác, phần trên bề mặt được phủ bằng một lớp đất sét và đất màu (đất sét ở dưới, đất màu ở trên) dày 0,75 m để chống phát tán mùi hôi ra môi trường xung quanh và tạo sự phân giải yếm khí của rác được nhanh hơn.
Kết quả, đến đầu năm 2005 trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã xây dựng xong và đưa vào vận hành 11 bãi chôn lấp rác kỹ thuật, hợp vệ sinh của tất cả thị trấn huyện lỵ trong tỉnh. Đó là các huyện: Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Bình Giang, Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Hà, Kim Thành và Cẩm Giàng. Các bãi chôn lấp rác được nghiệm thu kỹ thuật và bàn giao cho các huyện tiến hành khai thác, sử dụng. Các thông số kinh tế - kỹ thuật của các bãi chôn lấp rác kỹ thuật, hợp vệ sinh của của các huyện như sau:
STT |
Tên bãi rác thị trấn |
Năm xây dựng |
Hoàn thành |
Dung tích (m3) |
Kinh phí KHCN đầu tư (đồng) |
01 |
Chí Linh |
2002 |
2002 |
9.317 |
290.000.000 |
02 |
Thanh Miện |
2003 |
2003 |
9.706 |
230.887.000 |
03 |
Kinh Môn |
2003 |
2003 |
7.478 |
249.714.000 |
04 |
Tứ Kỳ |
2003 |
2003 |
6.700 |
178.173.000 |
05 |
Ninh Giang |
2003 |
2003 |
6.546 |
227.945.000 |
06 |
Bình Giang |
2003 |
2003 |
5.790 |
264.342.000 |
07 |
Cẩm Giàng |
2004 |
2005 |
9.648 |
231.554.000 |
08 |
Kim Thành |
2004 |
2005 |
11.673 |
246.707.000 |
09 |
Nam Sách |
2004 |
2005 |
8.250 |
261.175.000 |
10 |
Thanh Hà |
2004 |
2005 |
4.271 |
151.145.000 |
11 |
Gia Lộc |
2004 |
2005 |
9.986 |
204.676.000 |
Như vậy tổng dung tích của 11 bãi rác thị trấn huyện lỵ đã xây dựng là 89.365 m3, tổng số tiền sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh Hải Dương đầu tư từ năm 2002 - 2005 là 2.536.318.000 đồng. Ngoài kinh phí trên, các huyện còn phải đầu tư kinh phí đối ứng để giải phóng mặt bằng, xây dựng đường vào bãi rác... với số tiền tương đương 40 - 50% mức đầu tư của tỉnh.
Ngay sau khi làm thủ tục nghiệm thu, bàn giao công trình các huyện đã chỉ đạo UBND thị trấn huyện lỵ cùng đơn vị phụ trách vệ sinh môi trường tổ chức thu gom, vận chuyển, đổ rác vào bãi rác mới. Những bãi chôn lấp rác này đã phát huy tác dụng tốt, rác thải sinh hoạt được thu gom và đổ tập trung, thuận tiện cho việc xử lý môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các thị trấn huyện lỵ.
Tỉnh Hải Dương là một trong số ít tỉnh đi đầu trong việc xây dựng các bãi xử lý rác thải tập trung hợp vệ sinh cho các huyện. Kết quả này góp phần khẳng định sự đầu tư có hiệu quả của khoa học và công nghệ vào xử lý môi trường phục vụ nâng cao chất lượng sản xuất và đời sống nhân dân.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Đến năm 2005, kỹ thuật xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp kỹ thuật, hợp vệ sinh đã được xây dựng và áp dụng cho 11 thị trấn các huyện trong tỉnh Hải Dương.