Để góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do bãi rác Soi Nam gây ra, dự án “Áp dụng công nghệ sinh học xử lý rác và nước thải tại bãi rác Soi Nam thành phố Hải Dương” đã được đưa vào Kế hoạch khoa học công nghệ của tỉnh năm 2008 của tỉnh do UBND thành phố Hải Dương chủ trì thực hiện. Dự án thực hiện từ tháng 01/2008 và kết thúc vào tháng 8/2008. Kết quả của dự án được tóm tắt như sau:
- Để đánh giá khối lượng rác sinh hoạt thải ra trong một ngày, Ban chủ nhiệm dự án cucngf Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành điều tra trong nhiều ngày sau đó tính lượng rác thải trung bình ngày. Việc đo, đếm được tiến hành từ 4h đến 6h30 sáng và từ16h30 đến 22h mỗi ngày. Qua đo đếm đã xác định được lượng rác thải sinh hoạt trong ngày khoảng 327m3, tương đương 153,6 tấn, nếu tính cả những ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật… thì rác thải sinh hoạt trong 1 ngày từ 320-350 tấn. Thành phần chủ yếu trong rác thải được thu gom là rác hữu cơ (chiếm tới 85%), còn lại là rác thải rắn (chiếm 15%).
- Đã thiết kế, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác (mương thu gom nước rác và hồ bơm nước; hố chứa và xử lý nước rác; cống điều tiết; bệ đặt máy bơm nước rác) tại bãi rác Soi Nam với diện tích 2.000 m3 đã đi vào hoạt động.
- Đã phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Hà Nội là cơ quan chuyển giao công nghệ mở 02 lớp tập huấn về quy trình xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học BIO-MIX1; quy trình xử lý nước rác thải bằng chế phẩm sinh học BIO-MIX2 cho cán bộ quản lý, công nhân trực tiếp thực hiện tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương.
- Ứng dụng chế phẩm BIO-MIX1 để xử lý rác thải: theo quy trình khi rác được tập kết tại bãi rác dự án đã tiến hành phun 1 lần chế phẩm sinh học BIO-MIX1 theo tỷ lệ 1 lít Biomix1 dùng để phun cho 10 tấn rác, trước khi đổ lượt rác mới lên lại phun tiếp lần 2. Trong 2 tuần đầu số lần phun là 2 lần/ngày, đến tuần thứ 3 phun 1 lần/ngày. Căn cứ vào tình hình thực tế dự án đã sử dụng cách phun mỗi ngày phun 400 lít chế phẩm trên toàn bộ bề mặt của bãi rác, sau đó phun 250 lít chế phẩm/lần/ngày.
Để đánh giá kết quả Trung tâm quan tắc và phân tích môi trường (TTQT&PTMT) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu trong không khí mà chủ yếu là 2 chỉ tiêu H2S và NH3, kết quả phân tích 36 mẫu không khí (18 mẫu có xử lý bằng chế phẩm sinh học và 18 mẫu đối chứng), mẫu được lấy vào các ngày 30/01/2008, 08/5/2008, 09/5/2008, 14/5/2008, 22/5/2008, 25/6/2008, 26/6/2008. Mỗi ngày lấy 3 mẫu vào các giờ: 8h15, 10h30, 14h. Mỗi mẫu lấy ở 2 vị trí khác nhau giữa bãi rác, cách bãi rác 200m và cuối hướng gió Đông Nam.
Kết quả phân tích cho thấy: Áp dụng chế phẩm BIO - MIX1 để xử lý rác cho kết quả tốt. Lượng khí H2S và NH3 sinh ra thấp hơn khu vực không được phun chế phẩm, trung bình giảm từ 55 - 67,40% đối với H2S và 53 - 60% đối với NH3. Đồng thời, sau 6 tháng thử nghiệm nhận thấy lượng mùn trong bãi rác đã tăng tới 76,3%, lượng đạm tăng 58,5%. Chế phẩm BIO - MIX1 đạt hiệu quả xử lý rác thải cao nhất khi nhiệt độ môi trường trên 300C.
- Ứng dụng chế phẩm sinh học BIO - MIX2 để xử lý nước rác thải: quy trình xử lý mỗi tháng 5 lần, mỗi lần xử lý 500 m3 nước rác thải theo tỷ lệ 1 kg BIO - MIX2 dùng cho 18-20m3 nước thải, sục đều trong một giờ đồng hồ để tạo keo lắng tụ, sau đó thôi sục khí để kết lắng, sau 21 ngày bổ sung 5-6 kg chế phẩm mỗi tuần. Thực tế Ban chủ nhiệm dự án đã tiến hành xử lý 25 kg BIO - MIX2 đổ xuống diện tích hồ là 1.000m3 nước rác.
Để đánh giá kết quả xử lý nước rác thải bằng chế phẩm sinh học BIO - MIX2 TTQT&PTMT thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lấy mẫu và phân tích 7 mẫu nước: 01 mẫu trước khi xử lý vào ngày 12/02/2008 và 6 mẫu sau khi xử lý vào 12/4/08; 24/5/08; 24/6/08; 11/7/08; 17/7/08; 4/8/08.
Nước thải sau khi được xử lý bằng chế phẩm BIO – MIX2 có chất lượng tốt hơn mẫu nước không được xử lý. Mẫu nước phân tích sau xử lý so với mẫu nước trước xử lý chỉ tiêu COD, BOD5, PTổng thấp hơn: COD sau xử lý bằng 36,9%-84% trước xử lý; BOD5 sau xử lý bằng 34,6%-70% trước xử lý; PTổng sau xử lý bằng 46,3%-68% trước xử lý; So với TCVN 5945-2005 (mức B) và TCVN7733 -2007 (mức B), thì các chỉ tiêu TSS, COD, NTổng, PTổng, S2- luôn thấp hơn tiêu chuẩn cho phép, chỉ riêng chỉ tiêu BOD5 còn cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2-55mg/l.
Sau khi kết thúc dự án UBND thành phố Hải Dương đã ra Quyết định số 3505/QĐ-UB ngày 05/12/2008 về việc ban hành quy trình công nghệ xử lý rác thải và nước thải bằng chế phẩm sinh học BIO – MIX1, BIO - MIX2 tại Bãi rác Soi Nam và đã giao cho Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hải Dương tổ chức xử lý theo đúng quy trình. Trong đó có tính toán chi tiết định mức chi sử dụng chế phẩm sinh học Biômix -1 cho 100 m3 rác thải sinh hoạt và định mức chi sử dụng chế phẩm sinh học Bio-mix 2 cho một lần xử lý trung bình 1.000 m3 nước rỉ rác, mỗi tháng xử lý 2 lần. Các định mức nói trên đã được UBND thành phố Hải Dương phê duyệt để làm căn cứ dự toán và quyết toán kinh phí xử lý rác và nước rỉ rác tại bãi rác Soi Nam cho Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hải Dương.
Kết quả sử dụng chế phẩm sinh học BIO – MIX1, BIO - MIX2 xử lý rác và nước rỉ rác tại bãi rác soi Nam đã giảm được mùi hôi thối, thực sự góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện môi trường không khí và nước tốt hơn cho nhân dân Thành phố, đặc biệt là những người dân sống quanh khu vực bãi rác
ThS. Trần Thị Loan - Phòng Quản lý khoa học