Sản xuất Gạch nung trên địa bàn tỉnh

ĐỀ TÀI ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT, ĐÁNH GIÁ MỘT SỐ KHU VỰC CÓ TIỀM NĂNG SÉT SẢN XUẤT GẠCH NUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP KHAI THÁC SÉT HỢP LÝ ĐỂ BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU VÀ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI  

Chủ nhiệm đề tài: Kỹ sư Nguyễn Văn Quý

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện chính: Hội Địa chất tỉnh Hải Dương; Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương; Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Năm 2006.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

Khảo sát, đánh giá một số khu vực có tiềm năng sét sản xuất gạch nung trên địa bàn tỉnh. Phân tích và đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác đất sét nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng, đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ hệ thống đê điều, môi trường sinh thái.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

A. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU SỰ PHÂN BỐ VÀ ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG SÉT LÀM GẠCH DỌC CÁC TRIỀN SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG.

1. Đánh giá chung về tiềm năng khoáng sản sét làm gạch nung theo các triền sông trên địa bàn tỉnh.

1.1. Phạm vi điều tra khảo sát, đánh giá khoáng sản sét.

Điều tra, khảo sát các khu vực có chứa khoáng sản sét thuộc các bãi bồi ven sông, các khu vực đất nông nghiệp canh tác kém hiệu quả cần chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản. Đồng thời đi sâu khảo sát đánh giá trữ lượng, chất lượng sét một số bãi bồi ven sông và có triển vọng khai thác, sử dụng trong thời gian tới.

1.2. Kết quả điều tra, khảo sát khoáng sản sét.

Khoáng sản sét phân bố ở các bãi bồi ven sông phía ngoài đê và một số khu vực đất canh tác nông nghiệp bị nhiễm phèn, hệ thống tưới tiêu không thuận lợi. Điều tra, khảo sát, thu thập số liệu của các Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, các xã có nhiều diện tích đất sét tiềm năng sản xuất gạch nung. Kết quả điều tra cụ thể trong toàn tỉnh như sau:

1.2.1. Thành phố Hải Dương.

Có 3 phường Hải Tân, Ngọc Châu, Bình Hàn có diện tích bãi bồi ngoài đê hẹp. Những năm qua do khai thác không có kế hoạch làm lãng phí nguồn tài nguyên sét. Hiện nay đất sét sản xuất gạch nung chỉ đủ cho một số lò gạch liên tục kiểu đứng đang hoạt động.

1.2.2. Huyện Thanh Hà.

Các xã có diện tích lớn là Vĩnh Lập, Tiền Tiến, Phượng Hoàng, Trường Thành, Thanh Bính, Thanh Hải.

Bãi bồi Phượng Hoàng: Từ km 42,3 đến km 43,5 bờ trái tương ứng với đường sông từ km 44 đến km 45,5 thuộc địa phận thôn Phượng Dầu, xã Phượng Hoàng. Diện tích 24 ha, trữ lượng sét tạm tính là 360.000m3.

1.2.3. Huyện Gia Lộc.

Đất sét chỉ có ở các vùng đồng trũng ngập, chuyển đổi nuôi thả cá với diện tích rất nhỏ, đó là các xã Trùng Khánh, Liên Hồng.

1.2.4. Huyện Thanh Miện.

Đất sét để làm vật liệu gạch nung trên diện tích nhỏ ở các xã: Hồng Quang, Đoàn Kết, Ngũ Hùng, Tiền Phong.

1.2.5. Huyện Ninh Giang.

Diện tích bãi bồi nhỏ ở các xã là: Hoàng Hanh, Quang Hưng, Hồng Phong, Hồng Phúc, Văn Giang và thị trấn Ninh Giang có trữ lượng sét không lớn.

1.2.6. Huyện Tứ Kỳ.

Các bãi bồi có diện tích lớn, có tiềm năng sét để sản xuất gạch nung ở các xã Tứ Xuyên, Tây Kỳ, Đông Kỳ, Bình Lãng, Hưng Đạo, Đại Đồng.

Bãi bồi Đại Đồng: Từ km 30 đến km 33 bờ phải, tương ứng với đường sông từ km 39,5 đến km 43,2 thuộc địa phận thôn Nghĩa Xá, xã Đại Đồng. Diện tích 210 ha.

Bãi bồi Tứ Xuyên: Từ km 46,5 đến km 49,5 bờ phải, tương ứng với đường sông từ km 59,5 đến km 64 thuộc địa phận thôn An Định, xã An Thanh. Diện tích 126 ha, trữ lượng sét tạm tính là 2.280.000m3.

1.2.7. Huyện Kim Thành.

Có nhiều bãi bồi lớn như Thượng Vũ, Việt Hưng, Kim Lương, Đại Đức, Tam Kỳ, Liên Hoà, Kim Đính, Bình Dân.

1.2.8. Huyện Nam Sách.

Các xã có diện tích bãi bồi sét lớn là An Châu, Thượng Đạt, Minh Tân, Hiệp Cát, Cộng Hoà, Thái Tân.

Bãi bồi Hiệp Cát 1: Từ km 4,6 đến km 6 bờ trái, tương ứng với đường sông từ km 7,5 đến km 8,3 thuộc địa phận thôn Lấu Khê, xã Hiệp Cát. Diện tích 50 ha, trữ lượng sét tạm tính là 960.000m3.

Bãi bồi Hiệp Cát 2: Từ km 7,7 đến km 10 bờ trái, tương ứng với đường sông từ km 10 đến km 12,3 thuộc địa phận thôn Đại Lã, xã Hiệp Cát. Diện tích 20 ha, trữ lượng sét tạm tính là 330.000m3.

Bãi bồi Thái Tân 1: Từ km 12 đến km 14 bờ trái, tương ứng với đường sông từ km 14,3 đến km 16 thuộc địa phận thôn Mạc Cầu, xã Thái Tân. Diện tích 100 ha.

Bãi bồi Thái Tân 2: Từ km 15 đến km 17 bờ trái, tương ứng với đường sông từ km 17,2 đến km 19,2 thuộc địa phận thôn An Thắng, xã Thái Tân. Diện tích 71 ha, trữ lượng sét tạm tính là 1.590.000m3.

Bãi bồi Minh Tân: Từ km 20,3 đến km 22 bờ trái, tương ứng với đường sông từ km 22,5 đến km 24 thuộc địa phận thôn Uông Hạ, xã Minh Tân. Diện tích 40 ha, trữ lượng sét tạm tính là 840.000m3.

Bãi bồi Cộng Hoà: Từ km 16 đến km 18 bờ phải, tương ứng với đường sông từ km 17 đến km 19,5 thuộc địa phận xã Cộng Hoà. Diện tích 218,36 ha, trữ lượng sét tạm tính là 7.317.000m3.

1.2.9. Huyện Kinh Môn.

Trữ lượng đất sét có ở các xã Phúc Thành, Thăng Long, Long Xuyên, Hiệp Sơn, Thất Hùng, Lạc Long, Thượng Quận, Minh Hoà, Quang Trung.

Bãi bồi Phúc Thành: Từ km 24 đến km 25 bờ phải, tương ứng với đường sông từ km 22,7 đến km 24 thuộc địa phận xã Phúc Thành. Diện tích 24,01 ha, trữ lượng sét tạm tính là 1.719.000m3.

Bãi bồi Lê Ninh: Từ km 27 đến km 28,5 bờ phải, tương ứng với đường sông từ km 25,5 đến km 27,3 thuộc địa phận xã Lê Ninh. Diện tích 20 ha, trữ lượng sét tạm tính là 1.045.000 m3.

Bãi bồi Kính Chủ: Từ km 18,8 đến km 20 bờ trái, tương ứng với đường sông từ km 36,5 đến km 38 thuộc địa phận các xã Hoàng Sơn và Thái Sơn. Diện tích 12 ha, trữ lượng sét tạm tính là 1.140.000 m3.

1.2.10. Huyện Chí Linh.

Các xã có tiềm năng sét là Hoàng Tân, Cộng Hoà, Văn Đức, Tân Dân, Thái Học, Đồng Lạc, Nhân Huệ, Phả Lại, Cổ Thành, Lê Lợi.

Bãi bồi Vĩnh Trụ: Từ km 10,5 đến km 15,3 bờ phải, tương ứng với đường sông từ km 11,7 đến km 16 thuộc địa phận thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách và thôn Trụ Thượng, xã Đồng Lạc, huyện Chí Linh. Diện tích 223,71 ha, trữ lượng sét tạm tính là 8.485.714 m3.

Bãi bồi Đồng Lạc: Từ km 13 đến km 16 bờ trái, tương ứng với đường sông từ km 15,5 đến km 21,5 thuộc địa phận xã Đồng Lạc. Diện tích 80 ha, trữ lượng sét tạm tính là 5.890.000m3.

1.2.11. Huyện Cẩm Giàng.

Tiềm năng sét có ở các xã Cao An, Cẩm Định, Đức Chính, Cẩm Văn.

Bãi bồi Đức Chính: Từ km 10,7 đến km 12,3 bờ phải, tương ứng với đường sông từ km 18 đến km 21,5 thuộc địa phận các thôn Xuân Kiều, Tự trọng xã Đức Chính và thôn Tự Trung xã Cẩm Văn. Diện tích 234,93 ha, trữ lượng sét tạm tính là 6.687.000m3.

1.2.12. Huyện Bình Giang.

Là huyện duy nhất không có vùng đất sét tiềm năng phục vụ sản xuất gạch nung.

2. Khoan khảo sát, thăm dò xác định trữ lượng và chất lượng một số điểm sét tiềm năng.

Nghiên cứu 11 điểm sét tiềm năng theo các triền sông như sau:

2.1. Sông Thái Bình.

2.1.1. Bãi bồi Thái Tân.

Diện tích bãi rộng, trữ lượng sét lớn, chất lượng sét đảm bảo yêu cầu để làm vật liệu xây dựng, hàm lượng sét cao chiếm 32%, lượng hữu cơ trong sét thấp. Hàm lượng SiO2 cao (68,35%) gạch xốp, hàm lượng (Al2O3 + Fe2O3) chiếm 17,62 % gạch nung có mầu đỏ.

2.1.2. Bãi bồi Đại Đồng.

Điều kiện giao thông khá thuận lợi, trữ lượng sét tương đối lớn, chất lượng sét đảm bảo yêu cầu để sản xuất gạch nung, (hàm lượng sét cao chiếm 31%, lượng hữu cơ trong sét thấp chỉ (7,06%). Hàm lượng SiO2 cao (64,82%) gạch xốp, nhẹ; hàm lượng (Al2O3 + Fe2O3) chiếm 23,2 % gạch nung có mầu nâu đỏ.

2.1.3. Bãi bồi Phượng Hoàng.

Điều kiện giao thông khá thuận lợi, trữ lượng sét lớn bị khai thác dở dang, chất lượng sét đảm bảo yêu cầu để sản xuất gạch nung, hàm lượng sét cao chiếm 30%, lượng hữu cơ trong sét thấp chỉ 6,91%. Hàm lượng SiO2 cao (66,05%) gạch xốp, nhẹ; hàm lượng (Al2O3 + Fe2O3) chiếm 21,17% gạch nung có mầu nâu đỏ.

2.1.4. Bãi bồi Tứ Xuyên.

Điều kiện giao thông tương đối thuận lợi, trữ lượng sét lớn đã bị khai thác dở dang. Chất lượng sét đảm bảo yêu cầu để sản xuất gạch nung, (hàm lượng sét cao chiếm 34%, lượng hữu cơ trong sét thấp chỉ 6,77%). Hàm lượng SiO2 cao (66,81%) gạch xốp, nhẹ; hàm lượng (Al2O3 + Fe2O3) chiếm 20,67% gạch nung có mầu nâu đỏ.

2.2. Sông Kinh Thầy.

2.2.1. Bãi bồi Đồng Lạc.

Diện tích rộng, bề dày lớp sét lớn nên, trữ lượng sét nhiều. Chất lượng sét đảm bảo yêu cầu để sản xuất gạch nung, (hàm lượng sét cao chiếm 30%, lượng hữu cơ trong sét thấp chỉ 6,53%). Hàm lượng SiO2 cao (68,19%) gạch xốp, nhẹ, hàm lượng (Al2O3 + Fe2O3) chiếm 20,13% gạch nung có mầu nâu đỏ.

2.2.2. Bãi bồi Cộng Hoà.

Diện tích bãi rộng, trữ lượng sét lớn, chất lượng sét đảm bảo yêu cầu sản xuất gạch nung, (hàm lượng sét cao chiếm 30%, lượng hữu cơ trong sét thấp chiếm 6,5%). Hàm lượng SiO2 cao (67,16%) gạch xốp, nhẹ, hàm lượng (Al2O3 + Fe2O3) chiếm 20,57% gạch nung có mầu nâu đỏ.

2.2.3. Bãi bồi Bến Triều.

Diện tích bãi bồi không rộng, trữ lượng sét tương đối lớn, chất lượng sét đảm bảo yêu cầu sản xuất gạch nung, (hàm lượng sét cao chiếm 32%, lượng hữu cơ trong sét thấp chiếm 7,17%). Hàm lượng SiO2 cao (65,90%) gạch xốp, nhẹ, hàm lượng (Al2O3 + Fe2O3) chiếm 21,17% gạch nung có mầu nâu đỏ.

2.3. Sông Kinh Môn.

Bãi bồi Thượng Vũ: Trữ lượng sét lớn, đảm bảo yêu cầu để sản xuất gạch nung, (hàm lượng sét cao chiếm 31%, lượng hữu cơ trong sét thấp chiếm 6,14%). Hàm lượng SiO2 cao (69,55%), gạch xốp, nhẹ, hàm lượng (Al2O3 + Fe2O3) chiếm 19,01%, gạch nung có mầu nâu đỏ. Trên bãi bồi có 1 lớp sét màu xám vàng có chất lượng tốt, phù hợp để sản xuất gạch nung.

2.4. Sông Rạng.

Bãi bồi Kim Đính: Trữ lượng sét khá lớn, đảm bảo yêu cầu để sản xuất gạch nung, (hàm lượng sét cao chiếm 32%, lượng hữu cơ trong sét thấp chiếm 7,22%). Hàm lượng SiO2 cao (65,86%), hàm lượng (Al2O3 + Fe2O3) chiếm 21,21% gạch nung có chất lượng tốt (gạch xốp, nhẹ và có mầu nâu đỏ).

2.5. Sông Văn Úc.

Bãi bồi Vĩnh Lập: Điều kiện giao thông khá thuận lợi, diện tích bãi tương đối rộng, trữ lượng lớn, đã bị khai thác, chất lượng sét đảm bảo yêu cầu để sản xuất gạch nung, (hàm lượng sét cao, chiếm 33%, lượng hữu cơ trong sét thấp, chiếm 7%). Hàm lượng SiO2 cao (65,56%) gạch xốp nhẹ, hàm lượng (Al2O3 + Fe2O3) chiếm 21,34% gạch nung có mầu nâu đỏ.

2.6. Sông Luộc

Bãi bồi Tiền Phong: Chất lượng sét đảm bảo yêu cầu để sản xuất gạch nung, (hàm lượng sét cao chiếm 33%, lượng hữu cơ trong sét thấp chiếm 6,72%). Hàm lượng SiO2 cao (64,93%) gạch xốp, nhẹ, hàm lượng (Al2O3 + Fe2O3) chiếm 22,53%, gạch nung có mầu nâu đỏ. Diện tích và trữ lượng sét tại bãi bồi không lớn, bãi bồi lại nằm gần khu dân cư, ít có triển vọng khai thác sét để làm gạch nung ở quy mô lớn.

B. THỰC TRẠNG KHAI THÁC VÀ NHU CẦU SÉT DÙNG TRONG SẢN XUẤT GẠCH.

1. Thực trạng khai thác sét:

Đến cuối năm 2005 trên địa bàn tỉnh có 16 nhà máy gạch Tuynel, 781 lò gạch thủ công, gần 40 lò gạch liên tục kiểu đứng. Đến cuối tháng 2 năm 2006 toàn bộ lò gạch thủ công ngừng hoạt động, phát triển thêm một số lò gạch liên tục kiểu đứng.

Trước năm 2005 việc khai thác sét ven sông rất phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn đê điều và môi trường sinh thái. Ở nhiều địa phương ven sông đất sét khai thác không giấy phép khá phổ biến, tài nguyên sét bị lãng phí nghiêm trọng.

2. Nhu cầu khai thác sét.

Đề án quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006-2010 đưa ra mục tiêu sản xuất gạch nung đến năm 2010 đạt 550 triệu viên. Trong đó, sản xuất bằng lò tuynel là 330 triệu viên. Nhu cầu đất sét làm nguyên liệu mỗi năm khoảng 1 triệu m3.

C. ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP QUẢN LÝ KHAI THÁC NHẰM TIẾT KIỆM ĐẤT CANH TÁC, BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU VÀ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI.

1. Những căn cứ để xây dựng biện pháp quản lý khai thác sét.

1.1. Đánh giá sự phân bố nguồn trữ lượng sét trên địa bàn.

- Phân bố nguồn sét: Thông qua khảo sát trên địa bàn tỉnh đã có 11 huyện với tổng số 61 xã có nguồn đất sét làm nguyên liệu để sản xuất gạch.

- Đánh giá về trữ lượng:

Lớp 1: Nằm ngay trên mặt đất có chiều dày từ trên 1 - 2,8 m là đất sét màu nâu gụ, nâu xám ở trạng thái dẻo mềm. Đây là lớp sét có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch tốt nhất.

Lớp 2: Nằm dưới lớp 1 có chiều dày từ 2,2 m đến trên 3 m, đây là loại bùn sét sen kẹp cát màu xám nâu, xám đen (lớp này chất lượng không tốt để sản xuất gạch).

Lớp 3: Bùn sét pha màu xám nâu, xám xanh đơn, chỗ lẫn mùn thực vật thường ở độ sâu 5 m, hố khoan kết thúc chiều sâu khảo sát lớp này không thể dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch.

1.2. Tình hình quy hoạch, khai thác và sử dụng đất làm nguyên liệu:

Tỉnh đã tiến hành lập và phê duyệt quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2001 - 2005 và những năm tiếp theo đến 2010 cho phép 8/11 huyện, thành phố có vùng nguyên liệu được phép sản xuất gạch thủ công.

2. Đề xuất các giải pháp.

2.1. Giải pháp về quản lý nhà nước.

- Quy hoạch tổng thể các vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất gạch thủ công trên địa bàn tỉnh.

- UBND tỉnh và các ngành, UBND các huyện, thành phố cần tăng cường chỉ đạo các xã, chủ hộ có sản xuất gạch thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của Trung ương, của tỉnh về sản xuất gạch.

- Các cấp, các ngành có liên quan của tỉnh cần tăng cường biện pháp kiểm tra giám sát các địa phương (phường, xã), các chủ hộ sản xuất gạch thủ công thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước, quy hoạch các vùng nguyên liệu, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.

2.2. Giải pháp kỹ thuật về công tác khai thác.

- Đảm bảo đúng quy hoạch được duyệt.

- Việc tổ chức khai thác vùng sét nguyên liệu phải tuân thủ mọi quy định về đê điều, đảm bảo cự ly an toàn cho đê và môi trường sinh thái.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Đề tài đã đề ra các giải pháp khai thác sử dụng đất sét một cách hợp lý, tránh lãng phí tài nguyên khoáng sản để bảo vệ đê điều và môi trường sinh thái, bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng.

- Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học để lập các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây