Quy hoạch đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh Hải Dương

ĐỀ TÀI NHỮNG GIẢI PHÁP QUY HOẠCH ĐẤT NGHĨA TRANG, NGHĨA ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG NHẰM SỬ DỤNG TIẾT KIỆM ĐẤT ĐẢM BẢO VỆ SINH MÔI TRƯỜNG  

Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Tá Dước, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện:

- Trung tâm Điều tra quy hoạch đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Hải Dương.

- Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Năm 2005.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Xuất sắc.

I. MỤC TIÊU

Đánh giá hiện trạng và xây dựng quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa của tỉnh Hải Dương đến năm 2010 và đưa ra các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ, có hiệu quả, đồng thời sử dụng tiết kiệm đất và đảm bảo vệ sinh môi trường.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Điều tra hiện trạng việc quản lý và sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

1.1. Tình hình quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.

Hải Dương là một trong các tỉnh đi đầu trong công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tính đến hết năm 2005 trên toàn tỉnh đã có 240/263 xã, phường, thị trấn xây dựng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010. Cấp huyện đã có 12/12 huyện xây dựng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010. Cấp tỉnh đã xây dựng quy hoạch đến năm 2010 và được Chính phủ phê duyệt.

- Thống kê theo dõi, chỉnh lý biến động đất đai hàng năm, kiểm kê đất đai 5 năm một lần theo qui định của Luật Đất đai.

- Thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm về đất đai.

- Giải quyết tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các vi phạm trong việc quản lý sử dụng đất đai được quan tâm giải quyết kịp thời, đến nay cơ bản không phát sinh các điểm nóng về đất đai.

- Hiện nay tỉnh Hải Dương đang xây dựng điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến 2020; xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010).

1.2. Quản lý đất nghĩa trang, nghĩa địa.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương chưa bám sát quy hoạch, kế hoạch được duyệt, quản lý quỹ đất dành cho nghĩa trang, nghĩa địa chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa không đúng quy hoạch, kế hoạch và vượt kế hoạch được duyệt. Một số nơi chính quyền địa phương còn buông lỏng việc quản lý sử dụng quỹ đất này, để các hộ gia đình, dòng họ tự khoanh bao lấn chiếm đất nông nghiệp làm quỹ đất nghĩa địa dự trữ cho dòng họ mình. Từ khi thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ, còn xảy ra hiện tượng một số hộ gia đình có phần đất nông nghiệp được chia gần khu nghĩa trang, nghĩa địa của thôn đã thoả thuận ngầm với dòng họ để bán phần đất nông nghiệp của gia đình mình cho dòng họ làm đất nghĩa trang, nghĩa địa.

Hầu hết các nghĩa trang, nghĩa địa không có quy hoạch chi tiết thống nhất, diện tích chiếm đất của mỗi phần mộ tuỳ tiện và không có tường bao quanh bảo vệ, không có nhà quản trang, hào thoát nước, gây lãng phí đất. Kiến trúc các phần mộ không thống nhất, hầu hết là phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của mỗi gia đình, dòng họ, gây nên tình trạng lãng phí tiền của, mất mỹ quan chung và không đảm bảo vệ sinh môi trường.

1.3. Hiện trạng sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh.

- Việc phân bố nghĩa địa trong tỉnh không đồng đều, có huyện số lượng nghĩa địa tập trung tương đối lớn như huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, bình quân 1 xã có trên 8 nghĩa địa. Tuy nhiên cũng có một số huyện số lượng nghĩa địa tập trung không lớn như huyện Kim Thành, bình quân mỗi xã có 5 nghĩa địa.

- Số nghĩa địa ở từng địa phương phụ thuộc vào số thôn hoặc khu dân cư. Bình quân mỗi thôn hoặc khu dân cư có ít nhất một nghĩa địa.

- Về quy mô diện tích, trừ thành phố Hải Dương, 11 huyện còn lại đều có diện tích đất nghĩa trang, nghĩa địa biến động từ 120 đến 150 ha, trong đó huyện Thanh Miện có diện tích đất nghĩa trang, nghĩa địa lớn nhất 151,61 ha.

- Diện tích đất nghĩa trang, nghĩa địa tính trên 1000 người dân toàn tỉnh là 0,89 ha. Trong đó các huyện có quy mô diện tích tính trên 1000 dân hơn 1 ha là Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Nam Sách.

- Chỉ tiêu tỷ lệ mộ tập trung so với tổng số mộ của toàn tỉnh là 87,96%; các huyện có tỷ lệ mộ tập trung lớn hơn 90% là: Thành phố Hải Dương 98%, Cẩm giàng 96,70%, Gia Lộc 91,48%, Thanh Miện 92,93%.

- Diện tích bình quân cho một mộ trong toàn tỉnh là 10,75 m2. Trong đó các huyện có diện tích bình quân trên một mộ rất lớn là Chí Linh 30,38 m2/mộ, Bình Giang 20,36 m2/mộ, Cẩm Giàng 13,8 m2/mộ, Thanh Miện 11,38 m2/mộ, Nam Sách 17,27 m2/mộ, Kinh Môn 12,80 m2/mộ.

2. Điều tra, thống kê phần mộ, hạ tầng cơ sở và cảnh quan, môi trường.

2.1. Số lượng thống kê, sự phân bố việc sử dụng đất cho các phần mộ

- Qua điều tra khảo sát và tổng hợp từ các phiếu điều tra thì trên toàn tỉnh có 1.411.062 ngôi mộ (đây là những ngôi mộ mắt nhìn thấy và hoàn toàn đếm được, ngoài ra còn rất nhiều mộ hàng năm không được người nhà đắp lại và chăm sóc dần dần sẽ bị san bằng, không kiểm đếm được), do đó số liệu thống kê trên đây chỉ là số liệu mang tính tương đối.

- Trong số 1.411.062 ngôi mộ thì có 1.241.177 ngôi mộ, bằng 87,9% trong 1.783 nghĩa địa tập trung, 169.885 ngôi mộ nằm rải rác ở các nghĩa địa nhỏ, gò đống hoặc ruộng, vườn của hộ gia đình. Số mộ nằm rải rác nhiều nhất ở 2 huyện Ninh Giang và Tứ Kỳ. Mỗi huyện có trên 20.000 ngôi mộ. Các mộ nằm rải rác đều là các ngôi mộ cải táng và tồn tại từ lâu đời ở giai đoạn trước khi cải cách ruộng đất năm 1954, còn các ngôi mộ ở các nghĩa địa tập trung thường được hình thành về sau này.

- Bình quân diện tích/mộ trong toàn tỉnh là 10,75 m2/mộ, khoảng cách giữa các mộ thường giao động từ 1 m đến 2 m, trung bình là 1,45 m và độ sâu phần mộ: đối với các huyện có địa hình thấp, độ sâu phần mộ trung bình từ 1,5 m đến 1,8 m.

2.2. Hạ tầng cơ sở và cảnh quan môi trường khu vực nghĩa địa.

Qua thực tế điều tra sâu tại 50 nghĩa địa ở 50 thôn cho thấy: Đường ra nghĩa trang xây từ trước bằng gạch lát nghiêng hoặc gạch vỡ. Gần đây nhiều nơi làm đường bê tông hoặc lát mặt cứng. Phần lớn các mộ táng không theo quy hoạch, hướng của các mộ tùy theo ý thích của từng gia đình, lộn xộn, thiếu quy củ. Độ cao của các mộ cũng khác nhau, tạo nên sự lộn xộn, chật chội, chen chúc, thiếu mỹ quan. Phần lớn các nghĩa địa không có hệ thống cây xanh.

2.3. Kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm.

- Phần lớn nước mặt ở các khu vực nghĩa trang, nghĩa địa bị ô nhiễm. Các chỉ số BOD5, TSS, Sunfát, Lipít, Phốtpho, Nitơ, Coliform... càng gần nghĩa địa càng cao.

- Nước ngầm bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, hoá chất, vi khuẩn có thể từ nguồn trên mặt đất, dưới đất được thẩm thấu hoặc được lan truyền xuống theo chiều sâu (chiều thẳng đứng) hoặc chiều ngang. Thông thường ở những nơi có thành phần cơ giới đất khác nhau, mức độ thẩm thấu sẽ khác nhau (đất nhẹ mức độ thẩm thấu sâu và nhanh hơn ở nơi đất nặng). Mặt khác chất lượng nước ngầm bị ô nhiễm ngoài nghĩa địa còn có nhiều nguồn gây ra, nhưng tại các khu vực lấy mẫu xung quanh nghĩa địa thì tác động của nghĩa trang, nghĩa địa sẽ là nguồn gây ô nhiễm chính cho nguồn nước. Để kết luận chính xác trong phạm vi đề tài này chưa thể thực hiện được, khi nghiên cứu các đề tài sau có quy mô rộng hơn cần phải phân tích thêm các mẫu ở khu vực hoàn toàn cách xa nghĩa trang, nghĩa địa làm đối chứng.

3. Kết luận tổng quát về thực trạng quản lý và sử dụng nghĩa địa.

- Do lịch sử để lại từ nhiều đời nên quá trình hình thành và phân bố các khu vực nghĩa địa chưa hợp lý, số mộ nằm rải rác ở các nơi còn nhiều, thậm chí còn nằm cả trong khuôn viên khu dân cư, gây rất nhiều khó khăn trong việc quản lý loại đất nghĩa trang, nghĩa địa.

- Việc quản lý quỹ đất nghĩa địa của các địa phương còn lỏng lẻo, hiện tượng sử dụng không đúng quy hoạch, kế hoạch thường xuyên xảy ra. Một số nơi chính quyền địa phương còn coi nhẹ vấn đề này, còn để các gia đình, dòng họ tự khoanh bao lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công làm đất nghĩa trang, nghĩa địa riêng cho dòng họ mình, thậm chí có trường hợp còn làm mộ giả để chiếm đất, giữ đất. Có trường hợp thoả thuận ngầm với nhau mua bán trái phép đất nông nghiệp để sau này sử dụng chuyển sang đất nghĩa địa.

- Nhận thức của các địa phương và nhân dân về ô nhiễm môi trường chưa đầy đủ, nên có nơi bố trí nhiều khu nghĩa địa gần các khu dân cư, làm ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh hoạt của người dân.

- Hầu hết các địa phương chưa có qui chế quản lý, định mức cho việc chôn cất các phần mộ nên người dân sử dụng còn tuỳ tiện, không theo hàng lối, không có khoảng cách nhất định, không theo quy hoạch chung. Về kiến trúc phần mộ thì cái to, cái bé, cái cao, cái thấp, vừa lãng phí đất, vừa lãng phí tiền, vừa mất mỹ quan chung.

- Các khu vực nghĩa địa hiện nay hầu hết chưa có ranh giới rõ ràng, không có tường bao, rãnh thoát nước, chưa bố trí đường đi, cây xanh xung quanh khu vực nghĩa địa, vì vậy hiện tượng lấn chiếm, phá phách, mất vệ sinh chung đã làm ảnh hưởng đến tôn nghiêm trong khu vực nghĩa địa.

- Việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất nghĩa địa được lồng trong quy hoạch sử dụng đất nói chung, định mức cho loại đất này thì chưa cụ thể, cho nên chủ yếu dựa vào kết quả thực hiện của các năm trước, kỳ trước để tính diện tích cho kỳ sau, không phân tích được hiệu quả sử dụng đất. Vì vậy quy hoạch thường xuyên bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng quy hoạch loại đất này hầu như chỉ mang tính hình thức.

4. Định hướng phân bố, quy hoạch mở rộng nghĩa trang, nghĩa địa.

Kết quả phân tích nước ngầm tại các khu vực đã chọn ở các khoảng cách từ 500 m trở xuống đều bị ô nhiễm và ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên khoảng cách càng xa nghĩa địa thì nồng độ chất ô nhiễm càng giảm đi. Vậy để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước ngầm, môi trường không khí, đất... cần lưu ý bố trí khu vực nghĩa trang, nghĩa địa tiếp tục được mở rộng càng xa khu dân cư càng tốt.

Giải pháp trước tiên: tạm thời đóng cửa các khu vực nghĩa địa sát khu dân cư hoặc quá gần khu dân cư; sau đó sẽ tiếp tục đóng cửa dần các nghĩa địa có phạm vi xa hơn. Giai đoạn 2006-2010: Dự kiến đóng cửa 633 nghĩa trang, nghĩa địa có khoảng cách đến khu dân cư nhỏ hơn 100 m, trong đó di dời 24 nghĩa địa do việc quy hoạch các cụm công nghiệp, quy hoạch các tuyến giao thông, quy hoạch các khu đô thị hay quy hoạch lại đồng ruộng.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Hoàn thiện bản đồ quy hoạch đất nghĩa trang, nghĩa địa của tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Làm căn cứ để các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn xây dựng quy hoạch sử dụng đất chi tiết cho địa phương mình, đồng thời đề xuất các giải pháp quản lý.

- Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của đề tài, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4315/ 2006/QĐ-UBND ngày 14/12/2006 quy định về quản lý sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh Hải Dương.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây