Điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng cát sông Thái Bình

ĐỀ TÀI ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT, ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG CÁT SÔNG THÁI BÌNH, SÔNG KINH THẦY VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP KHAI THÁC CÁT HỢP LÝ ĐỂ BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU  

Chủ nhiệm đề tài: KS Nguyễn Tá Dước, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Hội Địa chất tỉnh Hải Dương; Đoạn quản lý đường sông số 7; Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều tỉnh Hải Dương; Trung tâm Dự báo khí tượng, thuỷ văn Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Năm 2004.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

- Điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng khoáng sản cát và hiện trạng khai thác cát trên hai tuyến sông Thái Bình và sông Kinh Thầy tỉnh Hải Dương.

- Đề xuất giải pháp quy hoạch, quản lý khai thác cát bền vững và bảo vệ hệ thống đê điều.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Khảo sát thực địa, khoan thăm dò.

1.1. Thực hiện khảo sát các điểm lộ tự nhiên hoặc nhân tạo để tìm hiểu cấu trúc địa chất và thành phần vật chất cũng như hiện trạng của từng bãi bồi; đồng thời xác định vị trí các bãi bồi theo chiều dài sông, chiều dài đê và theo vị trí địa lý, xác định diện tích, hình dạng bãi cát, chụp ảnh minh họa tại các vết lộ và hiện trạng các bãi bồi để xây dựng bản đồ khái quát các vị trí tích tụ cát theo hai tuyến sông Thái Bình và Kinh Thầy, lập mặt cắt tính trữ lượng theo tuyến thăm dò tại 5 bãi bồi.

1.2. Xác định ranh giới địa chất giữa các lớp và mối quan hệ tiếp xúc giữa các lớp, kiểm tra kết quả các phương pháp nghiên cứu khác, xác định chiều dầy bãi bồi, lấy các mẫu để xác định cỡ hạt và thành phần hoá học của cát tại từng bãi bồi. Thực hiện khoan 150 m thăm dò để xác định quy luật biến đổi vỉa cát theo chiều dài, chiều rộng của bãi bồi.

1.3. Thực hiện lấy mẫu các lỗ khoan ở các lớp cát có đặc điểm khác nhau, phân tích các loại mẫu để xác định thành phần hoá học và độ hạt của cát tại 5 bãi bồi, khoanh vùng tính trữ lượng cát từng bãi bồi, phân loại cát để sử dụng đúng mục đích, tránh lãng phí tài nguyên.

1.4. Xây dựng phương pháp xác định ranh giới, tính trữ lượng và phân loại mỏ cát theo quy mô và cấp trữ lượng từng mỏ cát.

1.5. Điều tra trên tuyến 108,5 km dọc hai sông Kinh Thầy, Thái Bình và xác định được 20 vị trí tích tụ cát tại các vị trí dòng sông đổi hướng dòng chảy.

1.6. Thực hiện xác định vị trí, hình dạng, diện tích, hiện trạng và trữ lượng, chất lượng cát tại 11 bãi bồi của sông Thái Bình, 9 bãi bồi của sông Kinh Thầy.

1.7. Thực hiện điều tra chế độ dòng chảy và lượng cát bùn lắng đọng các năm 2000-2004 trên hai tuyến sông dựa trên tài liệu của các trạm thuỷ văn Cát Khê trên sông Thái Bình và Bến Bình trên sông Kinh Thầy. Hàng năm lượng phù sa chuyển qua mặt cắt Cát Khê khoảng 14 triệu tấn, qua mặt cắt Bến Bình khoảng 12,6 triệu tấn.

2. Điều tra việc khai thác cát trên hai tuyến sông và tác động đến tình hình kinh tế - xã hội.

2.1. Thực trạng khai thác cát trên hai tuyến sông:

Tình trạng khai thác cát diễn ra sôi động suốt ngày đêm, bình quân mỗi ngày có từ 200 đến 300 lượt phương tiện, trong đó chỉ có một số ít có giấy phép của UBND tỉnh cho phép khai thác tận thu nhằm khơi thông luồng lạch và nạo vét bến cảng, còn chủ yếu là khai thác trái phép. Hầu hết các tàu thuyền không đủ điều kiện lưu hành, nhiều tàu không có giấy phép đăng ký lưu hành, đăng kiểm; lái tàu không có bằng lái, chủ tàu là những hộ tư nhân không có giấy phép kinh doanh khai thác cát, sỏi lòng sông. Hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép hết sức tinh vi, các chủ phương tiện thường tổ chức khai thác vào chập tối, ban đêm hoặc rạng sáng để tránh các lực lượng kiểm tra, tập trung vào một số vị trí sau:

- Sông Thái Bình từ km 9 - 10 địa phận xã Hiệp Cát - Nam Sách, từ km 15 - 22 địa phận các xã Thái Tân - Nam Sách và Đức Chính - Cẩm Giàng, từ km 20-24 địa phận các xã Minh Tân, Thượng Đạt - Nam Sách, từ km 33 - 48 địa phận xã Tiền Tiến, Thanh Hải, Phượng Hoàng, Thanh Hà, từ km 51 - 52 địa phận xã Thanh Sơn - Thanh Hà và xã Tứ Xuyên - Tứ Kỳ, từ km 62 - 64 địa phận xã Vĩnh Lập - Thanh Hà.

- Sông Kinh Thầy từ km 0 - 1,5 địa phận các xã Nhân Huệ - Chí Linh và Hiệp Cát - Nam Sách, từ km 13 - 17 địa phận các xã Thanh Quang, An Bình - Nam Sách, từ km 30 - 32 địa phận các xã Bạch Đằng, Thất Hùng - Kinh Môn, từ km 38 - 43 địa phận các xã Phạm Mệnh, Duy Tân, Phú Thứ - Kinh Môn.

2.2. Thực hiện điều tra 141 bãi chứa cát và vật liệu xây dựng chỉ có 9 bãi chưa có giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền, còn lại 132 bãi hoạt động không đúng quy định hiện hành. Hầu hết các bãi vi phạm Pháp lệnh đê điều và Pháp lệnh phòng chống lụt, bão, không có giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng, giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông. Tình trạng mua bán cát ở các bãi đất lộn xộn, chính quyền các xã không quản lý được hoạt động của các bến bãi.

2.3. Việc khai thác cát lòng sông và lập bến bãi chứa cát trái phép đã gây ra sạt lở bờ sông, nhiều khu vực đê, kè bị uy hiếp nghiêm trọng có thể sạt lở bất cứ lúc nào, cản trở dòng chảy khi có lũ, tai biến địa chất ảnh hưởng trực tiếp tới quy luật, diễn biến lòng sông, ô nhiễm môi trường sinh thái, mất trật tự, an toàn trong hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa, thất thoát về tài nguyên, thất thu hàng tỷ đồng tiền thuế, vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và bất bình trong nhân dân.

3. Xác định nguyên nhân, xây dựng giải pháp.

3.1. Nguyên nhân:

- Nhu cầu cát đen phục vụ san lấp mặt bằng và xây dựng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận rất lớn. Trong khi đó, tỉnh chỉ mới được cấp giấy phép khai thác tận thu, nạo vét luồng lạch rất nhỏ, khoảng 50.000 m3 cho 1 giấy phép trong 12 tháng, không đáp ứng yêu cầu thực tế. Các đối tượng đã tự ý khai thác trái phép đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cát.

- Hệ thống các văn bản dưới luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản nói chung và cát lòng sông nói riêng còn thiếu và chưa đồng bộ. Công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Khoáng sản; các Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ và quy định của UBND tỉnh về các hoạt động khai thác cát lòng sông và lập bến bãi chứa cát tới đông đảo nhân dân trong tỉnh chưa thật sự sâu, rộng và thường xuyên.

- Công tác điều tra, đánh giá để tìm ra các mỏ cát có trữ lượng cát lớn, chất lượng cát tốt để định hướng khai thác, quy hoạch khai thác cát lòng sông và lập bến, bãi chứa cát và vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện. Hải Dương cũng như nhiều tỉnh khác chưa có khu vực thuộc tuyến sông nào được thăm dò và được Bộ Công nghiệp phê duyệt trữ lượng cát.

- Công tác quản lý đối với các đơn vị, cá nhân phương tiện tham gia khai thác cát vận tải thuỷ còn buông lỏng. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên và kịp thời. Nhận thức và vai trò của một bộ phận chính quyền các cấp và một số tầng lớp nhân dân còn yếu kém. Thậm chí có nơi chính quyền địa phương còn tiếp tay cho nạn khai thác cát trái phép.

3.2. Đề xuất các giải pháp Quản lý khai thác cát trên địa bàn tỉnh.

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật khoáng sản, Pháp lệnh đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, UBND tỉnh và các Bộ ngành Trung ương đến các cấp, các ngành và các đối tượng khai thác và sử dụng bến bãi ven sông.

- Lập quy hoạch tổng thể hoạt động khảo sát, thăm dò và khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh; quy hoạch sử dụng tổng hợp khoáng sản sét, đất phù sa và quy hoạch sử dụng diện tích bãi bồi sau khi kết thúc khai thác cát trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Việc khai thác cát phải thực hiện theo đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giấy phép khai thác phải quy định rõ vị trí, khối lượng và thời gian khai thác. Các doanh nghiệp được cấp phép phải thực hiện đúng các quy định ghi trong giấy phép.

- Quản lý chặt chẽ các phương tiện hoạt động khai thác cát, phương tiện vận tải tham gia giao thông đường thuỷ nội địa. Lập bến bãi chứa vật liệu xây dựng để quản lý thu thuế, ngăn chặn thất thoát tài nguyên.

- Các ngành chức năng của tỉnh phải thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên thanh tra, kiểm tra các hoạt động thăm dò, khai thác cát.

- Quy hoạch khu tái định cư và hỗ trợ đào tạo nghề cho dân cư sống trên sông bằng nghề khai thác cát trái phép để họ sớm ổn định đời sống.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nghiên cứu phục vụ công tác quản lý, quy hoạch khai thác cát và các khoáng sản trên địa bàn tỉnh.


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập172
  • Hôm nay47,872
  • Tháng hiện tại1,406,424
  • Tổng lượt truy cập4,111,628
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây