Giống lúa HT6 và N46 được trồng trình diễn tại ở một số tỉnh miền Bắc là Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tây và Thành Hoá… đã khẳng định những ưu thế vượt trội so với giống lúa truyền thống của địa phương. Năm 2009, Trung tâm Ứng dụng TBKH đã đưa vào trồng thử nghiệm tại một số địa phương của tỉnh bằng hình thức gieo sạ, góp phần cơ giới hoá tronh sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng lương thực và thu nhập cho bà con nông dân.
Tổng diện tích gieo trồng giống lúa HT6 và N46 theo quy mô đề tài là 40ha, được triển khai tại HTX Thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện và HTX Tam Cường An Đức, huyện Ninh Giang. Qua sản xuất vụ xuân và vụ mùa năm 2009 đã cho thấy hai giống lúa này có hiệu quả cao. Giống HT6 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo tử tổ hợp lai HT1/VH. Giống N46 do TS Phan Hữu Tôn - Đại học Nông nghiệp I chọn tạo từ tổ hợp lại: Tẻ thơm x TBB7 (Nguồn IRRI), do Trung tâm chuyển giao CN & KN đăng ký bảo hộ bản quyển và giới thiệu ra sản xuất. Hai giống lúa này có ưu điểm: cứng cây, chống đổ tốt, sinh trưởng khoẻ, chống chịu tốt với sâu bệnh và thời tiết, chất lượng gạo trắng trong, cơm dẻo, năng suất cao.
Qua thực tế sản xuất cho thấy, so với giống đối chứng KD18 (hiện đang được trồng ở địa phương) giống HT6 và N46 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, khả năng chống chịu với sâu bệnh và thời tiết tốt hơn hẳn. Trong đó năng suất thực thu của giống HT6 là: Vụ xuân : 66,58 tạ/ha (cao hơn giống KD18 là 4 tạ/ha), vụ mùa: 59,2 tạ/ha (cao hơn giống KD là 5 tạ/ha); năng suất của giống N46: Vụ mùa: 63,6 tạ/ha (cao hơn giống KD 18 là 1,1 tạ/ha), vụ mùa: 58 tạ/ha (cao hơn giống KD18 là 3,8 tạ/ha). Về hiệu quả kinh tế, do năng suất của hai giống lúa này đều cao, trong khi đó giá thóc thương phẩm bán ra thị trường cao hơn giống KD18 từ 4.400.000 đồng - 5.300.000 đồng/ha.
Với những kết quả trên, Việc đưa hai giống lúa HT6 và N46 vào trồng thử nghiệm bằng hình thức gieo sạ tại địa phương đã góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng sản lượng lúa lai cho địa phương, đồng thời giúp cho bà con nông dân tiết kiệm được hạt giống 40 - 50%, giảm công lao động, chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm 30% và điều quan trọng hơn là sức khoẻ của người dân và môi trường sinh thái được đảm bảo.
Nguyễn Thị Thanh