Qua kết quả điều tra số liệu khí tượng thủy văn thời gian gần đây, Viện Nghiên cứu Ngô nhận định tại VN ở các vùng trồng ngô nhờ nước trời, tuy lượng mưa cả năm cao bình quân năm đạt 1.411 mm (Sơn La) hoặc 2.140 mm (Vinh-Nghệ An) nhưng phân bố không đều. Do đó vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước trong giai đoạn ngô cần nước, thậm chí thiếu nước cho cả vụ ngô.
Ước tính sản lượng ngô thiệt hại do hạn ở VN lên tới 30% vì trên 80% diện tích ngô không tưới (0,6-0,7 triệu ha). Thiếu nước xảy ra vào thời kỳ ngô trỗ cờ kết hạt còn có thể giảm tới 50% năng suất. Hạn hán do biến đổi khí hậu đang là một thách thức gây đau đầu cho giới khoa học nông nghiệp trong việc chọn tạo ra giống cây trồng cần ít nước. Giống ngô LCH9 được Viện Nghiên cứu Ngô cho ra đời trong hoàn cảnh ấy.
LCH9 có thời gian sinh trưởng sớm hơn LVN10 từ 5 – 7 ngày có thể trồng ở vụ xuân, xuân hè và đông sớm ở các tỉnh phía Bắc. Trong điều kiện hạn so với nhiều giống ngô khác, giống ngô LCH9 thể hiện tính ưu việt về năng suất ổn định (vượt 7-10% so với LVN10) do có bộ rễ phát triển tốt, lá ít bị héo hơn, lá xanh bền đến khi chín sinh lý, số hạt/bắp nhiều hơn các giống ngô khác. Tuy thế giống LCH9 còn một số nhược điểm như bộ lá rậm rạp, nên khi trồng bà con lưu ý trồng thưa hơn các giống khác.
Trong những năm gần đây, LCH9 được triển khai trên tổng diện tích trên 3.000 ha tại các vùng ngô không có điều kiện tưới ở 18 tỉnh phía Bắc như: Hà Tây (cũ), Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Điện Biên, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Kết quả cho thấy: LCH9 cho năng suất cao, ổn định, có khả năng chống đổ, gãy tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh khô vằn và đốm lá; Bắp hình trụ, to dài và có màu hạt da cam. Bắp dài, kết hạt tốt, hơi nông cay, có thể trồng được 3 vụ trong năm.
Tại huyện Đông Anh – Hà Nội, vụ xuân 2010 đã trồng hơn 200 ha LCH9. Thực sự thời tiết nắng nóng kỷ lục của năm nay đã là một thí nghiệm rất khắc nghiệt với tất cả các giống ngô trồng ở miền Bắc. Gần như cả vụ từ lúc gieo đến khi thu hoạch chỉ có một lượng mưa không đáng kể trên các vùng đất bãi sông Hồng, sông Đuống. Nông dân trồng ngô như đứng trên chảo lửa bởi chắc mẩm một điều rằng đã thất thu hoàn toàn. Nhiều giống chịu hạn kém, sinh trưởng còi cọc, cây thấp le tè, cho bắp rất bé, ít hạt. Thế nhưng, đối với LCH9 thì lại khác. Hàng loạt những chủ nhiệm các HTX trồng LCH9 như ông Nguyễn Đăng Hải (Chủ nhiệm HTXDV NN Lực Canh – Xuân Canh), ông Nguyễn Ngọc Hiến (Phó chủ nhiệm HTXDVNN Phương Trạch – Vĩnh Ngọc)… đều có chung một nhận xét: Giống LCH9 được áp dụng tại Đông Anh từ 2004 đến nay, có khả năng thích ứng rộng qua các vụ trên các chân đất.
Tỷ lệ nẩy mầm của hạt giống cao (>90-95%), cây con sinh trưởng khỏe, dễ chăm sóc, là giống đạt năng suất cao, ổn định cỡ trên 2 tạ/sào (mức đầu tư 15-20 kg NPK, 8 kg đạm urê, 3 kg Kali clorua). Với những năm thời tiết hạn hán, nóng kỷ lục như hè này, đặc tính chống chịu của LCH9 được thể hiện rõ dù với mức thâm canh thấp vẫn cho năng suất khá cao (gấp rưỡi đến gấp đôi so với các giống khác cùng trồng trong vùng), cây của LCH9 cứng, chống đổ tốt. Giống LCH9 thích hợp với cả các chân đất “gieo nhói” trên đất không cày (cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch), sau khi nướt ngập rút vào vụ thu đông ở các vùng đất ven sông. Khi bắp ngô chín thân lá vẫn còn xanh, có thể tận dụng làm thức ăn cho trâu bò vào mùa khô. Tại các xã đã từng trồng vài chục ha LCH9 các vụ tiếp theo dân đều tự nguyện nâng diện tích ứng dụng lên tới hàng trăm ha. Ở điểm tham quan đầu bờ LCH9 của huyện Đông Anh, rất đông đảo bà con cùng giới khoa học nông nghiệp đều ngạc nhiên về độ “lì đòn” chống hạn của LCH9. Trên một chân đất phần lớn là cát, khô rang, độ ẩm cực ít mà những cây ngô LCH9 vẫn hiên ngang vươn lên, vẫn cho bắp khá múp, dài, kết hạt nhiều ở một điều kiện tưởng cam go tưởng cầm chắc tay trắng, mất mùa.
Theo như tác giả của giống gợi ý về kỹ thuật canh tác đối với giống ngô LCH9 tại những vùng đất không có điều kiện tưới, muốn đạt được năng suất cao cần phải chú ý các yếu tố sau: Mật độ gieo trồng ở mức vừa phải (1.900-2.200 cây/sào Bắc Bộ), khoảng cách hàng cách hàng 65 -70cm, cây cách cây 25-27cm. Đất càng thuận lợi mật độ càng gần tới mức 2.200 cây. Đất càng nghèo dinh dưỡng, dễ bị hạn ta nên gieo ở mật độ thưa 1.900 cây (hàng hẹp 65 cm). Khi gieo ở độ sâu lấp hạt đều nhau (4-5 cm vào vụ xuân, 2-3 cm vào vụ hè thu, thu đông, đông sớm). Nên bón lót NPK phân viên (đất dễ úng bí cần tăng lượng lân), bón kali giúp ngô chắc hạt.
Bón thúc chia làm 3 đợt, đợt 1: 1/3 lượng đạm + 1/2 lượng kali (khi ngô được 3-4 lá, tỉa định cây), vun lấp phân; đợt 2: 1/3 lượng đạm + 1 /2 lượng kali kết hợp vun cao (khi ngô 7-9 lá thật, cao đến đầu gối); đợt 3: bón nốt 1/3 lượng đạm, vun cao lấp phân. Sau khi ngô trỗ xong, nếu lá không xanh đậm, bón thêm đạm (2-3 kg urê/sào Bắc Bộ), sau trỗ không bón thêm kali (phải bón kali sớm giúp cây cứng, khỏe kháng sâu bệnh tốt). Tranh thủ bón phân khi đất có ẩm. Một trong những thói quen xấu ảnh hưởng đến nắng suất ngô của bà con là cắt lá ngọn khi hạt vừa vào chắc. Nông dân đinh ninh cách làm này sẽ giúp ngô chín nhanh hơn nhưng không phải thế mà còn làm giảm năng suất bởi không có lá quang hợp, cây không hấp thu dinh dưỡng chuyển lên nuôi hạt được. Bà con chỉ cần tước lá bệnh dưới gốc ngô nếu thấy hiện tượng khô vằn xuất hiện.
NNVN