Bệnh lùn sọc đen hại lúa đang bùng phát ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng. Hiện bà con nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp để phòng trị và khắc phục dịch bệnh này như phun thuốc và dùng bẫy đèn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài để hạn chế dịch bệnh phải thay đổi cơ cấu giống lúa.
Nếu sử dụng các giống lúa ngắn ngày, nên áp dụng biện pháp gieo thẳng để đảm bảo thu hoạch. Về giống, có thể sử dụng các giống sau:
DT122
Đây là giống lúa thuần cảm ôn, năng suất cao (trung bình 50 - 60 tạ/ha), hạt dài, gạo trong, có mùi thơm, đạt chất lượng xuất khẩu. DT122 là giống đẻ nhánh khoẻ, phát triển nhanh, nhiều bông, chịu nóng tốt giai đoạn trỗ, kháng rầy nâu khá tốt, kháng trung bình với bạc lá và đạo ôn, nhiễm nhẹ khô vằn khi bón phân không cân đối, đặc biệt có thời gian sinh trưởng ngắn (85-90 ngày trong vụ mùa). Thích ứng với tất cả các phương thức làm mạ: mạ dược, mạ nền, mạ khay, gieo thẳng.
PC6
Là giống do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) chọn tạo, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống sản xuất thử nghiệm năm 2008.
PC6 là giống lúa ngắn ngày với thời gian sinh trưởng 90-95 ngày trong vụ mùa, 88-90 ngày trong vụ hè thu tại các tỉnh Trung Bộ. PC6 sinh trưởng nhanh, khoẻ, lá đòng đứng, ngắn, màu xanh nhạt, bông to, hạt nhỏ, xếp sít, màu hạt vàng đậm, năng suất trung bình 55-65 tạ/ha trong vụ xuân, 50-60 tạ/ha trong vụ mùa hoặc hè thu, chất lượng tốt (hạt dài, trong, cơm mềm).
QR1
Đây là giống lúa thuần cảm ôn, hạt nhỏ, chất lượng gạo ngon. QR1 có nhiều ưu điểm: sinh trưởng, phát triển mạnh, loại hình cây đẹp, nhiều bông, năng suất trung bình 55-60 tạ/ha, thích ứng rộng, thời gian sinh trưởng vụ mùa 100-110 ngày, thích hợp để gieo cấy trà xuân muộn và mùa sớm.
QR1 có khả năng chống chịu sâu bệnh khá hơn một số giống lúa thuần đang gieo cấy. QR1 có thể dùng làm giống dự phòng khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận. Giống lúa này do GS.TS. Đỗ Năng Vịnh và các cộng sự ở Viện Di truyền nông nghiệp chọn lọc, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho sản xuất thử năm 2009.
(Kinh tế nông thôn)