Kinh tế trang trại Mỹ - Mô hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá cao nhất thế giới

Các trang trại nông nghiệp Mỹ đi vào sản xuất chuyên môn hoá với 20 chuyên ngành phân bố trên 10 vùng sản xuất khác nhau như vành đai ngô, vành đai sữa... nhằm tạo ra ưu thế cạnh tranh về chất lượng nông sản và giá thành.
Kinh tế trang trại Mỹ - Mô hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá cao nhất thế giới
Các trang trại nông nghiệp không hoạt động đơn độc mà nằm trong hệ thống kinh tế liên ngành mang tên AGRIBUSINESS. AGRIBUSINESS bao gồm các ngành công nghiệp sản xuất vật tư thiết bị kỹ thuật nông nghiệp, mạng lưới các trang trại nông nghiệp và các ngành công nghiệp chế biến nông sản, dịch vụ lưu thông tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Quan hệ qua lại giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh của các ngành trong hệ thống AGRIBUSINESS được xây dựng trên cơ sở lợi ích kinh tế giữa các đối tác.

ở Mỹ có một mạng lưới tổ chức hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp bao gồm các hợp tác xã tín dụng, bảo hiểm, cung ứng vật tư, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ sinh hoạt, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Trong thế kỷ 20, công nghiệp hoá nông nghiệp Mỹ đã được triển khai toàn diện, trên quy mô rộng lớn, đạt mức độ cao dẫn đầu thế giới. Khoa học công nghệ đã trở thành lực lượng vật chất thực sự làm thay đổi nền nông nghiệp Mỹ cả về lượng và về chất.

Công nghiệp hoá đã có tác động trực tiếp vào hệ thống các yếu tố cơ bản của các trang trại trong sản xuất nông nghiệp Mỹ, tạo ra sự thay đổi cơ bản về vật tư kỹ thuật nông nghiệp: giống, phân bón, hoá chất, thức ăn gia súc và động lực, công cụ, máy móc nông nghiệp và về công nghệ sản xuất nông nghiệp, tạo ra năng suất sinh học và năng suất lao động cao. Về giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ sinh học đã tạo ra những giống cây trồng mới như các giống ngô, lúa nước, đỗ tương, bông, mía, củ cải đường, rau quả cho năng suất cao, chất lượng tốt và các giống vật nuôi cho nhiều thịt sữa, trứng, những giống bò thịt, lợn thịt, bò sữa, gà công nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất công nghiệp hoá. Về mặt vật tư kỹ thuật nông nghiệp, công nghệ hoá chất Mỹ đã sản xuất ra một khối lượng lớn các loại phân bón, đạm, lân, kali, hoá chất trừ sâu bệnh, cỏ dại chất lượng cao, không những đủ đảm bảo cho nhu cầu nông nghiệp trong nước mà còn xuất khẩu. Sản lượng phân bón của Mỹ sản xuất năm 1910 là 5,547 triệu tấn, đến năm 1990 tăng lên đến 36,5 triệu tấn. Từ những năm 60 đến những năm 90, lượng phân bón trên đơn vị diện tích ở Mỹ tăng 3 lần

Thức ăn gia súc ở Mỹ hàng năm đạt sản lượng trên 100 triệu tấn bao gồm nhiều chủng loại đáp ứng yêu cầu của từng loại gia súc gia cầm, theo từng lứa tuổi. Nguồn thức ăn tổng hợp, thức ăn đậm đặc, còn có các loại chất khoáng, vitamin, vi lượng, các chất kích thích tăng trưởng.

Về động lực và máy móc thiết bị nông nghiệp, công nghiệp Mỹ đã chế tạo một số lượng lớn động cơ, máy kéo và các máy móc thiết bị, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Từ đầu thế kỷ 20, Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới chế tạo hàng loạt máy kéo để sử dụng trong nông nghiệp và là nước dẫn đầu thế giới về số lượng máy kéo và máy móc thiết bị nông nghiệp, đến nay việc trang bị máy móc cho nông nghiệp đã bão hoà. Những năm 50-60 máy kéo của Mỹ chiếm khoảng trên dưới 50% số lượng máy kéo của toàn thế giới. Đến nay khi số lượng máy kéo trang bị cho nông nghiệp của các nước tăng nhiều, thì máy kéo của Mỹ cũng còn chiếm gần 20% số lượng máy kéo của thế giới.

Công nghệ sản xuất nông nghiệp của các trang trại Mỹ đến nay đã được công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở mức độ cao, từ cơ giới hoá, điện khí hoá, đến thuỷ lợi hoá, hoá học hoá. Các khâu sản xuất và chế biến các loại nông sản chính đã được cơ giới hoá toàn bộ và công nghệ tin học và tự động hoá bắt đầu xâm nhập vào sản xuất nông nghiệp của các trang trại.

Công nghiệp hoá nông nghiệp trong các trang trại từ bề rộng chuyển sang bề sâu đi vào thâm canh cao, trên cơ sở giảm chi phí năng lượng, vật tư kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, như áp dụng rộng rãi công nghệ sản xuất trồng trọt bằng làm đất tối thiểu, trên diện tích 45-50 triệu hecta, giảm chi phí nhiên liệu, bảo vệ đất, chống xói mòn, ứng dụng kỹ thuật tưới tiêu cho cây trồng, tiết kiệm nước...

Công nghiệp chế biến nông sản của Mỹ phát triển đạt mức độ cao nhất thế giới (chế biến lương thực, rau quả, thịt sữa v.v...)

Công nghiệp hoá nông nghiệp Mỹ đã đem lại hiệu quả to lớn đối với kinh tế trang trại.

Thành tựu nổi bật của nền nông nghiệp công nghiệp hoá của Mỹ là tạo ra năng suất cây trồng gia súc cao đi đôi với năng suất lao động nông nghiệp cao trên cơ sở kỹ thuật thâm canh công nghiệp hoá theo hướng giảm đầu tư lao động sống, tăng đầu tư lao động kỹ thuật (vật tư kỹ thuật, máy móc thiết bị). Hệ quả thu được là khối lượng nông sản hàng hoá nhiều, tỷ suất nông sản hàng hoá cao.

Đến nay năng suất các cây trồng và vật nuôi chủ yếu của Mỹ đều đạt mức cao vào loại hàng đầu thế giới trên diện tích lớn và cao gấp 2-3 lần năng suất bình quân thế giới.

Năng suất bình quân hạt cốc của Mỹ trên 64 triệu hecta đạt 6,674 tấn/hecta, cao gấp 2 lần năng suất bình quân thế giới (2,83 tấn/hecta). Năng suất ngô là cây hạt cốc có diện tích gieo trồng lớn nhất nước Mỹ - trên 29 triệu hecta, đạt 8,685 tấn/hecta, cao gấp 2 lần năng suất bình quân thế giới 4,3 tấn/hecta.

Năng suất lúa nước của Mỹ trên 1,3 triệu hecta đạt 6,674 tấn/hecta cao hơn gấp 1,9 lần năng suất bình quân thế giới. Năng suất lúa mì của Mỹ trên 25 triệu hecta đạt 2,53 tấn/hecta cao hơn năng suất bình quân thế giới không nhiều -2,5 tấn/hecta vì lúa mỳ ở Mỹ tập trung ở các vùng đất xấu, khô cạn, còn đất tốt nhất dành cho ngô. Năng suất đỗ tương ở Mỹ đạt 2,83 tấn/hecta trên diện tích 25 triệu hecta, cao hơn bình quân thế giới 30%. Năng suất khoai tây của Mỹ đạt bình quân 34,2 tấn/hecta cao gấp 2,2 lần năng suất bình quân thế giới (15,12 tấn/hecta). Năng suất cà chua của Mỹ đạt bình quân 60,5 tấn/hecta cao gấp 2,2 lần năng suất bình quân thế giới. Năng suất sữa bò của Mỹ bình quân đạt 7295 kg/con trên 9,5 triệu con bò sữa, cao hơn bình quân thế giới 3,5 lần.

Năng suất lao động nông nghiệp. Mỹ đứng ở vị trí dẫn đầu thế giới do chi phí lao động nông nghiệp thấp và năng suất sản lượng nông nghiệp cao, kết quả của thâm canh và cơ giới hoá liên hoàn, đồng bộ trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Năng suất lao động nông nghiệp cao dẫn đến chi phí lao động trên đơn vị sản phẩm thấp. Đến nay chi phí lao động của các trang trại Mỹ để sản xuất 1 tạ ngô là 0,12 giờ công, 1 tạ lúa nước là 0,30 giờ công, 1 tạ thịt là 0,88 giờ công, 1 tạ sữa là 0,66 giờ công.

Sản lượng nông sản của các trang trại Mỹ trong 30 năm gần đây tăng nhanh. Sản lượng hạt cốc tăng từ 176,5 triệu tấn lên 354 triệu tấn (thời gian 1961-95) riêng ngô tăng từ 103 triệu tấn lên 254 triệu tấn. Sản lượng trái cây tăng từ 8,7 triệu tấn lên 23,35 triệu tấn. Sản lượng thịt tăng từ 19,6 triệu tấn lên 32,4 triệu tấn. Sữa từ 56,9 triệu tấn lên 69,85 triệu tấn. Sản lượng ngô và đỗ tương của các trang trại Mỹ chiếm trên 50% tổng sản lượng ngô của toàn thế giới. Sản lượng thịt sữa của Mỹ chiếm 16-17% tổng sản lượng thế giới.

Do tác động mạnh mẽ của công nghiệp hoá nên các trang trại Mỹ đã tạo ra một khối lượng nông sản hàng hoá vào loại lớn nhất thế giới về dự trữ lương thực, thực phẩm, trước hết là hạt cốc với trữ lượng lớn. Riêng ngô hạt, dự trữ của Mỹ là 128 triệu tấn chiếm 87% khối lượng ngô dự trữ của thế giới.

Kinh nghiệm thực tế của nền kinh tế trang trại Mỹ cho thấy trang trại là loại hình tổ chức sản xuất có khả năng dung nạp các cấp độ khoa học công nghệ cao: công nghệ sinh học, cơ khí hoá, điện khí hoá, hoá học hoá, tự động hoá, phục vụ thâm canh tạo ra năng suất cây trồng vật nuôi, năng suất lao động nông nghiệp cao, tạo ra khối lượng nông sản hàng hoá nhiều, chất lương cao, giá thành hạ, nghĩa là kinh tế trang trại phù hợp với công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp.

VVT (Nguồn: Status of the family farm. Washington, 1999)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây