Chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Xuân Hách, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Trung tâm Sinh học thực nghiệm, Đại học Sư phạm I, Hà Nội.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 01 đến tháng 12/2005.
Đề tài được tổng kết khi kết thúc.
I. MỤC TIÊU
- Tiếp thu kỹ thuật nuôi giun quế tại Trung tâm Sinh học thực nghiệm - Đại học Sư phạm I, Hà Nội để xây dựng mô hình nuôi giun qui mô hộ gia đình, bổ sung thức ăn có hàm lượng đạm cao, thay thế một phần thức ăn công nghiệp, cá, ốc,... góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng năng suất trong nuôi trồng thuỷ đặc sản.
- Hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật nuôi giun quế quy mô hộ gia đình, phổ biến áp dụng mở rộng.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Địa điểm, qui mô và thời gian thực hiện.
- Địa điểm: Mô hình được triển khai tại HTX dịch vụ nông nghiệp Ô Mễ, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ.
- Quy mô: Triển khai tại 8 hộ dân tham gia trên tổng diện tích 200 m2.
- Thời gian thực hiện: Thời gian bắt đầu nuôi ngày 26/4/2005; thời gian kết thúc 15/12/2005 (sau 1 - 2 tháng nuôi thu hoạch 1 lần cho đến 15/12/2005 kết thúc).
2. Đặc điểm con giun quế.
- Giun quế có hàm lượng đạm cao, trong cơ thể chúng lượng đạm chiếm tới 70% trọng lượng khô.
- Là loại giun nhỏ, hai đầu nhọn, chiều dài thân 10 - 15 cm, thân mảnh hơi dẹt như que đan len, có đường kính vòng thân 1,5 - 2,0 mm; có mầu nâu tím ánh bạc; đếm kỹ thân có tới 120 đốt; phía gần đuôi có 1 cái đai, gọi là đai sinh dục, đai này nằm từ đốt thứ 18 đến đốt 22. Giun quế rất năng động, thường ẩn náu ở dưới những hòn gạch, hòn đá, các miếng gỗ hoặc ngay dưới các lớp phân, rãnh nước cạnh các chuồng lợn hoặc chuồng trâu.
- Giun quế là loại ăn tạp, là loài giun đất ăn phân, chúng có thể hoàn toàn sống trong phân mà không cần có đất. Loại phân thích hợp nhất với giun quế là phân trâu, bò, ngựa. Phân lợn không hấp dẫn với giun quế bằng các loại phân trên. Phân gà công nghiệp không nên dùng vì hàm lượng lân có trong phân lớn, không phù hợp. Ngoài ra còn tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như thân, lá các loại cây không độc, không có tinh dầu ủ để cho giun ăn.
- Đặc điểm sinh lý: Sống ở nơi ấm áp, ẩm ướt, yên tĩnh, sợ ánh sáng, thích hợp gần cống rãnh, nơi có nhiều chất hữu cơ thối rữa. Nhiệt độ môi trường 20 - 300C, pH bằng 7, độ ẩm 60 -70%, sinh sản nhanh vào lúc 6 - 8 tuần tuổi.
3. Kết quả thực hiện.
3.1. Tiếp thu kỹ thuật nuôi giun quế.
Trung tâm Ứng dụng TBKH đã cử các cán bộ kỹ thuật trực tiếp đi học tập tiếp thu công nghệ nuôi giun tại Trung tâm Sinh học thực nghiệm thuộc Trường Đại học Sư phạm I, Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Ba Vì, tỉnh Hà Tây.
3.2. Kết quả triển khai của mô hình nuôi giun quế.
- Số lượng giun giống được thả nuôi tại các hộ dân của mô hình là 400 kg/200 m2, được nuôi bằng nguồn phân thải trong chăn nuôi.
- Sinh trưởng và phát triển của giun quế: Số lượng giun trung bình được thả ban đầu vào là 195 - 200 con/m2 trên diện tích trung bình của một hộ dân là 25 m2. Kết quả cụ thể như sau:
+ Sau 60 ngày mật độ giun trung bình của các hộ dân là: 3.983 con/m2 (hộ cao nhất đạt 4.200 con/m2).
+ Sản lượng giun trung bình của 1 hộ sau 90 ngày là: 65,25 kg (hộ cao nhất đạt 105 kg).
+ Sản lượng giun trung bình của 1 hộ dân thu hoạch sau 8 tháng nuôi là: 144,12 kg (hộ cao nhất đạt 240 kg).
+ Tổng sản lượng thu hoạch của mô hình (không kể 400 kg lượng giun giống thả nuôi ban đầu) là: 1.153 kg, đạt trung bình 0,72 kg/m2/tháng.
- Qua quá trình triển khai thực hiện mô hình, Trung tâm Ứng dụng TBKH đã hoàn thiện qui trình kỹ thuật nuôi giun quế để phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Từ năm 2007 được nhân rộng ra một số xã khác như Lai Vu, huyện Kim Thành v.v... để xử lý phân rác chăn nuôi, bảo vệ môi trường nông thôn.