Kết quả xây dựng mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn năm 2015

Chiều ngày 16/09/2015, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương vừa tổ chức buổi hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.

Trong năm 2015, Dự án đã triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi vịt Super M3 quy mô 20.000 con; mô hình chăn nuôi gà Mía lai, gà Ri lai, gà lai Chọi quy mô 25.000 con và mở rộng mô hình sử dụng chế phẩm đệm lót sinh học BALASA NO1 làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm.

Ban chủ nhiệm Dự án đã phối hợp với các địa phương: Hùng Thắng (Bình Giang), Ngô Quyền (Thanh Miện), Hiệp Hòa (Kinh Môn), Hoàng Tân (Chí Linh) tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và cấp phát tài liệu cho hơn 200 hộ dân; hỗ trợ các hộ dân 50% tiền mua con giống gia cầm và hỗ trợ một phần chi phí mua thuốc thú y.

Kết quả theo dõi mô hình nuôi vịt Super M3 cho thấy vịt Super M3 có tỷ lệ sống cao, tăng trọng sau 50 ngày tuổi đạt 3kg/con, tiêu tốn thức ăn 2,5 kg thức ăn/kg tăng trọng. Với giá bán 38-40 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi thu lãi từ 28-32 triệu đồng/1000 con.

Mô hình gà Ri lai, gà Mía lai và gà lai Chọi cho thấy trọng lượng gà lúc 12 tuần tuổi đạt 1,8 kg/con; lúc 16 tuần tuổi đạt 2,7 kg/con (gà Ri lai), 3 kg (gà lai Chọi). Các hộ chăn nuôi gà ở Chí Linh xuất bán lúc gà được 10-12 tuần tuổi với giá không quá 50 nghìn đồng/kg nên thu lãi không đáng kể. Còn các hộ Hiệp Hòa (Kinh Môn) dự kiến xuất bán gà thời điểm 14-16 tuần tuổi, giá bán cao hơn nên dự kiến thu lãi khoảng 6-7 triệu đồng/100 con.

Kết quả theo dõi mô hình sử dụng đệm lót sinh học đánh giá đạt hiệu quả cao, có nhiều ưu điểm như: giảm công dọn chuồng, giảm tỷ lệ dịch bệnh; giảm mùi hôi trong chăn nuôi. Dự án sẽ tiếp tục triển khai mô hình 10.000 con gà Ri lai tại xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) để phục vụ thị trường Tết.

Nguyễn Thị Ánh


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây