Anh Vũ Văn Mừng, chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Phạm Trấn (huyện Gia Lộc) trồng 1 sào chùm ngây từ năm 2014. Sau trồng 4 tháng, cây đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi tháng 1 sào chùm ngây cho thu hoạch 70-80 kg lá tươi, anh bán với giá dao động từ 30-35 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, thu nhập từ 1 sào trồng cây chùm ngây sau khi trừ chi phí cũng được trên 10 triệu đồng.
Bà Vũ Thị Diệu, thôn Quếch An, xã Thanh An (Thanh Hà) 6 sào ruộng chuyển đổi từ các loại cây ăn quả sang trồng cây chùm ngây. Bà Diệu cho biết: Tôi trồng cây chùm ngây từ năm 2013, do sự giới thiệu của một người cháu là kỹ sư nông nghiệp. Lứa đầu tiên sau 6 tháng trồng cây đã cho thu hoạch lá tươi, tôi bán với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Chi phí đầu tư trồng 1 sào chùm ngây chưa đến 2 triệu đồng. Trừ chi phí thì mỗi tháng cũng thu được gần 5-6 triệu đồng.
Tại huyện Tứ Kỳ, anh Vũ Tất Hiệt có hơn 1 mẫu ruộng trồng cây chùm ngây, tính đến nay đã được hơn 1 năm. Cơ duyên của anh đối với cây chùm ngây bắt đầu từ chuyến công tác trong Sài Gòn, anh trực tiếp mang hạt giống ra ngoài Bắc để làm mô hình. Trong quá trình trồng và chăm óc, anh nhận thấy cây chùm ngây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng phân hóa học, nên là một loại rau sạch hoàn toàn. Chi phí mua giống chỉ 1,5 triệu đồng/sào. Do chân đất ruộng tốt nên sau trồng 2 tháng cây đã cho thu hoạch. Anh Hiệt cho biết, sản phẩm rau tươi của gia đình anh phải chia ra nhiều hướng tiêu thụ: cung cấp rau tươi cho các trường học; bán lẻ ngoài chợ và cung cấp cho cơ sở chế biến bột – trà chùm ngây. Giá bán rau tươi cũng dao động từ 10.000 – 25.000 đồng/kg. Với 1 sào trồng chùm ngây, mỗi tháng cho thu hoạch 2 đợt, với sản lượng 150 kg rau tươi/đợt, giá bán rẻ nhất là 10.000 đồng/kg thì mỗi tháng cũng thu được 2 triệu đồng/sào.
Mặc dù hiệu quả kinh tế, song các hộ đã trồng cây chùm ngây đều không có ý định mở rộng diện tích vì lo lắng cho đầu ra của sản phẩm. Theo ông Vũ Văn Mừng, Hợp tác xã nông nghiệp Phạm Trấn (huyện Gia Lộc), đầu ra cho sản phẩm rau chùm ngây của gia đình ông là chỗ quen biết ở Quảng Ninh chỉ tiêu thụ được sản lượng thu hoạch từ 2 sào chùm ngây của gia đình ông và hàng xóm. Nếu mở rộng diện tích, sản lượng thu hoạch không biết tiêu thụ ở đâu. Thêm vào đó, chân đất ruộng ở Gia Lộc còn quý hơn vàng khi trồng các loại cây rau màu khác như dưa hấu, su hào, bắp cải vụ đông; cây chùm ngây cho hiệu quả kinh tế kém loại rau màu này.
Là một trong những người tiên phong với cây chùm ngây tại Hải Dương, anh Vũ Tất Hiệt cho rằng, việc mở rộng diện tích trồng cây chùm ngây cần phải rất thận trọng vì khâu tiêu thụ sản phẩm đang khó khăn. Anh cho biết: Nông dân trồng cây chùm ngây chỉ để bán rau tươi, nếu chỉ bán lẻ ngoài chợ giá cao hơn nhưng tiêu thụ chậm; nếu chỉ cung cấp cho các bếp ăn các trường học cũng gặp nghịch lý do chùm ngây thu hoạch chủ yếu vào mùa hè, đúng dịp các cháu được nghỉ học; nếu bán cho các cơ sở chế biến sản phẩm từ lá chùm ngây thì giá chỉ 10.000 đồng/kg, trong khi tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Vì thế, đến thời điểm này, anh chỉ duy trì diện tích đã trồng cây chùm ngây chứ không mở rộng.
Do vậy người nông dân khi đầu tư vào việc trồng cây chùm ngây này cần phải tính toán kỹ lưỡng về thị trường, hiện tại dường như các hộ sản xuất bán nhỏ lẻ là chính
Nguyễn Thị Ánh