Cà rốt là cây trồng có giá trị kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Hải Dương. Cà rốt được trồng thành vùng tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá tại một số địa phương như xã Cẩm Văn và Đức Chính, huyện Cẩm Giàng; xã Minh Tân và Thái Tân, huyện Nam Sách; xã Tiền Tiến và Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà...
Tuy nhiên từ năm 2010 đến nay, nhiều diện tích gieo trồng cây cà rốt đã xuất hiện, dịch hại gây hiện tượng mất rễ, gây ra chia rễ hoặc củ ngắn làm giảm năng suất và chất lượng, thậm chí không cho thu hoạch khiến diện tích gieo trồng và sản lượng cà rốt giảm sút.
Năm 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương đã tiến hành nghiên cứu, phòng trừ dịch hại gây hiện tượng mất rễ (củ) trên cây cà rốt tại huyện Cẩm Giàng. Qua khảo sát tại 200 hộ trồng cà rốt ở 2 xã Đức Chính và Cẩm Văn đã xác định: hiện tượng mất rễ trên cây cà rốt thường tập trung ở vụ cà rốt gieo trồng sớm, trên chân đất cát pha và đất trong đồng, với các giống TI203 và SUPER VL-444 F1. Nông dân chưa tìm ra nguyên nhân cũng như cách phòng trị bệnh này, mà chỉ có cách nhổ bỏ cây để gieo đợt khác.
Với phương pháp khoa học, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tiến hành thu thập và phân loại mẫu dịch hại và xác định được 3 loài truyến trùng ký sinh trên cây cà rốt là Meloidogyne spp.; Pratylenchus spp. và Radopholus spp, trong đó tuyến trùng nốt sưng Meloidogyne spp., là nguyên nhân chính làm hỏng rễ từ đó sinh ra chia rễ, mất rễ và chết cây con. Sử dụng thuốc Etocap 10EC và thuốc Heroga 6,4SL xử lý 2 lần theo liều lượng khuyến cáo đã hạn chế tỷ lệ u cục và tỷ lệ mất rễ. Trong khi đó, thuốc Diazan 10G và thuốc Secsaigon 10EC nông dân thường dùng để xử lý sau gieo không có hiệu quả trừ tuyến trùng.
Từ kết quả trên, Chi cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên diện tích 3.600 m2 tại lô 1, 3 thôn Uyên Đức. Mô hình chú trọng áp dụng các biện pháp như: trồng cây khỏe, bón phân cân đối, bón sớm và tập trung, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi đến ngưỡng phun thuốc để bảo vệ kỹ sinh thiên địch; chú ý phòng trừ tuyến trùng ngay ở giai đoạn sau gieo để bảo vệ rễ chính. Rắc thuốc Etocap 10GR với liều lượng 1kg/sào sau gieo và rắc lần 2 khi cây có 3-4 lá để trừ tuyến trùng. Với cách phòng trừ như trên đã làm giảm tỷ lệ cà rốt bị hại do tuyến trùng còn 13%, thấp hơn só với ruộng xử lý bằng thuốc Diazan 10GR và Secsaigon 10EC (tỷ lệ 24%).
Mô hình sử dụng thuốc trừ tuyến trùng đã giảm được 20gr hạt, 5kg phân NPK và đã giảm được 5 lần xử lý với 9 loại thuốc bảo vệ thực vật; giảm được ô nhiễm môi trường; giảm chi phí là: 232.000 đ/sào. Năng suất đạt 3,2 tấn/sào, cao hơn so với ruộng nông dân là 207kg/sào. Tổng thu ruộng mô hình đạt: 6,1 triệu đồng/sào, trừ chi phí thu lãi 3,4 triệu đồng, cao hơn so với ruộng nông dân là 785.000 đ/sào.
Từ kết quả trên ban đề tài đã xây dựng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và phòng trừ tuyến trùng gây hiện tượng u cục, mất rễ trên cây cà rốt; đã tổ chức tập huấn giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật gieo trồng và phòng trừ dịch hại trên cây cà rốt.
Anh Nguyên