Một số chỉ tiêu nhân chủng học theo lứa tuổi, giới tính

ĐỀ TÀI XÁC ĐỊNH MỘT SỐ CHỈ TIÊU NHÂN CHỦNG HỌC THEO LỨA TUỔI, GIỚI TÍNH NGƯỜI HẢI DƯƠNG TRONG TIẾN TRÌNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ  

Chủ nhiệm đề tài: Vũ Khắc Lùng, Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Sở Thể dục - Thể thao tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Viện Khoa học Thể dục - Thể thao Việt Nam; Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hải Dương; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Năm 2000.

Đề tài được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

- Xác định thực trạng và so sánh sự phát triển thể chất, trí tuệ của nam, nữ học sinh 3 nhóm tuổi sống và học tập ở 3 vùng: thành phố, đồng bằng và miền núi trong tỉnh.

- Làm dữ liệu để so sánh, đối chứng với tốc độ phát triển thể chất, trí tuệ người Hải Dương những năm tiếp theo, làm cơ sở cho công tác tuyển chọn vận động viên năng khiếu các môn thể thao của tỉnh.

- Kiến nghị các giải pháp nâng cao thể chất người Hải Dương những năm đầu thế kỷ XXI.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Đề tài đã tiến hành điều tra hiện trạng một số chỉ tiêu nhân chủng học của 1.800 học sinh nam, nữ 3 nhóm tuổi 8, 14, 17 thuộc 3 vùng thành phố, đồng bằng và miền núi và so sánh, nhận xét đánh giá hiện trạng về thể chất, trí tuệ của nam - nữ học sinh ở 3 vùng khác nhau trong tỉnh và so sánh với một số chỉ tiêu chung của toàn quốc. Kết quả như sau:

1. Đánh giá hiện trạng và so sánh sự phát triển về hình thái cơ thể học sinh 8, 14, 17 tuổi (nam, nữ) ở TP Hải Dương và 2 huyện Chí Linh, Thanh Miện.

1.1. So sánh chiều cao, cân nặng trung bình của các nhóm tuổi.

- Chiều cao đứng và cân nặng trung bình của học sinh nam nhóm 8, 14, 17 tuổi của huyện Thanh Miện đều thấp hơn rất rõ so với học sinh nam cùng nhóm tuổi của thành phố Hải Dương và huyện Chí Linh.

- Chiều cao và cân nặng trung bình của học sinh nữ nhóm 8, 14, 17 tuổi của huyện Thanh Miện đều thấp hơn so với học sinh nữ cùng nhóm tuổi của huyện Chí Linh và thành phố Hải Dương.

1.2. So sánh các chỉ số hình thái khác.

a. Chỉ số đánh giá thể lực người Việt Nam QVC.

Học sinh nam có xu hướng giảm dần ở lứa tuổi 14, chiều cao của học sinh nam từ 8 - 14 tuổi có sự tăng tiến nhiều hơn so với các chỉ số hình thái khác. Giá trị trung bình của chỉ số QVC học sinh nam tuổi 17 ở cả ba vùng đã có sự phát triển tương đối đồng đều và phù hợp với quy luật sinh trưởng và phát triển của các lứa tuổi. Học sinh nữ độ chênh lệch về giá trị trung bình của chỉ số QVC tuổi 17 ở 3 vùng không nhiều, chứng tỏ sự phát triển về thể lực của nữ khi đến tuổi trưởng thành tương đối đồng đều giữa 3 vùng và phù hợp với quy luật sinh trưởng và phát triển của các lứa tuổi. Chỉ số QVC tuổi 14 ở cả 3 vùng đều có sự tăng tiến, chứng tỏ sự phát triển của nữ về chiều cao, cân nặng và một số chỉ tiêu hình thái khác cân đối hơn so với nam. Độ lệch so với giá trị trung bình của QVC ở từng nhóm tuổi nam, nữ cả 3 vùng tương đối lớn, chứng tỏ sự phát triển không đồng đều ở từng cá thể học sinh.

So sánh chỉ số QVC của Hải Dương đối với TP Hồ Chí Minh xác định giá trị trung bình của chỉ số QVC học sinh nam, nữ 8 - 14 - 17 tuổi tỉnh Hải Dương yếu hơn học sinh TP Hồ Chí Minh.

b. Chỉ số Quetelet: Chỉ số này cho phép so sánh được sức nặng tương đối của những người có chiều cao khác nhau (đánh giá mức độ béo, gầy). Chỉ số này thu được lớn hơn chứng tỏ sự phát triển của cơ thể tốt hơn.

Chỉ số Quetelet của nam, nữ học sinh 8 - 14 - 17 tuổi ở cả ba vùng trong tỉnh đều có sự phát triển tăng tiến tỉ lệ thuận, phù hợp với quy luật sinh trưởng và phát triển của các lứa tuổi. Các giá trị trung bình của chỉ số Quetelet tìm được ở học sinh nam, nữ 8, 14, 17 tuổi của TP Hải Dương cao hơn của Chí Linh và Thanh Miện. Điều này chứng tỏ học sinh nam + nữ của TP Hải Dương, đã có tốc độ lớn nhanh hơn. Giá trị trung bình của Quetelet học sinh nam, nữ 3 nhóm tuổi của TP Hải Dương cao hơn học sinh toàn quốc đã thể hiện sự phát triển bình thường của cơ thể, phù hợp với quy luật sinh trưởng và phát triển các lứa tuổi.

c. Chỉ số biểu hiện độ giãn của lồng ngực Hirts: Chỉ số này càng cao là biểu hiện sự thích nghi tốt của chức năng hô hấp.

So sánh chỉ số Hirts ở học sinh nam và nữ nhóm tuổi 8, 14 và 17 xác định ở cả 3 vùng trong tỉnh đều có sự phát triển tăng tiến tỉ lệ thuận, phù hợp với quy luật sinh trưởng và phát triển của các lứa tuổi, nam và nữ nhóm 8 tuổi của TP Hải Dương cao hơn hẳn Chí Linh và Thanh Miện.

2. Đánh giá và so sánh về chức năng (công năng tim, huyết áp) ở TP Hải Dương, huyện Chí Linh và Thanh Miện.

2.1. Chỉ số công năng tim của học sinh nam, nữ 8, 14, 17 tuổi ở cả 3 vùng trong tỉnh đều đạt mức trung bình và của nam tốt hơn của nữ ở cả 3 nhóm tuổi.

2.2. Chỉ số huyết áp của học sinh nam và nữ 8, 14, 17 tuổi ở cả 3 vùng trong tỉnh đều ở mức bình thường, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý các lứa tuổi học sinh và hằng số sinh lý người Việt Nam.

3. So sánh về chiều cao, cân nặng trung bình của học sinh nam, nữ tỉnh Hải Dương với các chỉ tiêu trên toàn quốc.

Giá trị trung bình về chiều cao, cân nặng của học sinh nam, nữ 8, 14, 17 tuổi của tỉnh Hải Dương đều có có tiến triển hơn hoặc xấp xỉ bằng học sinh toàn quốc. Cụ thể như sau:

- Học sinh TP Hải Dương lứa tuổi 8, 14, 17 ở cả nam và nữ đều có sự phát triển tốt hơn so với học sinh toàn quốc.

- Chiều cao, cân nặng của học sinh huyện Thanh Miện ở cả 3 nhóm tuổi của nam và nữ hầu hết đều kém hơn học sinh toàn quốc. Rõ nét nhất là nhóm 8, 14 tuổi. Học sinh Chí Linh có sự phát triển tương đối tốt hơn hoặc xấp xỉ bằng học sinh toàn quốc cả về chiều cao và cân nặng.

- Giá trị trung bình về cân nặng của học sinh nam tỉnh Hải Dương ở cả 3 nhóm tuổi phát triển chậm hơn về chiều cao và mức trung bình thấp hơn so với học sinh toàn quốc ở nhóm tuổi 8, 14.

4. Dự báo về chiều cao của học sinh nam tỉnh Hải Dương từ 14 - 17 tuổi.

Bằng phương trình hồi quy bậc nhất, qua nghiên cứu thực tế đã dự báo được chiều cao của nam học sinh từ 14 - 17 tuổi. Cụ thể:

- Với giá trị trung bình của chiều cao nam học sinh 14 tuổi TP Hải Dương là 153,61 cm thì tới năm 17 tuổi chiều cao sẽ là 165,16 - 167,16 cm.

- Chiều cao của nam học sinh 14 tuổi Chí Linh là 151,77 cm, tới năm 17 tuổi chiều cao sẽ là 164 - 166 cm.

- Chiều cao của nam học sinh 14 tuổi Thanh Miện là 150,03 cm, tới năm 17 tuổi chiều cao sẽ là 163 - 165 cm.

- Giá trị trung bình của chiều cao nam 17 tuổi toàn tỉnh (3 năm sau) là 164,08 cm ± 2 cm. So với chiều cao trung bình của nam 17 tuổi sẽ cao hơn nam cùng nhóm tuổi từ 1 - 3 cm.

5. Điều tra chỉ số thông minh (IQ).

Đề tài đã thực hiện điều tra chỉ số thông minh của 540 học sinh nam, nữ trên ba nhóm tuổi 8, 14, 17 ở 3 cấp học (Tiểu học, THCS, THPT) theo phương pháp trắc nghiệm trí thông minh Raven (của người Anh) tại 3 vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội và kinh tế khác nhau là khu vực thành thị (thành phố Hải Dương), khu vực nông thôn (huyện Thanh Miện), khu vực miền núi (huyện Chí Linh). Kết quả cho thấy mức độ thông minh của học sinh nam và nữ thành phố Hải Dương cao hơn học sinh huyện Chí Linh, hơn hẳn huyện Thanh Miện.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Đã được các cấp các ngành quan tâm, đối với các trường học đã có đất giành cho hoạt động thể dục thể thao 50%, đã bố trí 100% giáo viên chuyên trách các trường THPT, THCS, tiểu học đạt 20%, phấn đấu đến 2010 đạt 100%, tài liệu giảng dạy đã được thống nhất từ Trung ương và thực hiện nghiêm túc trong các trường của tỉnh.

Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Thể dục - Thể thao đã có chương trình phối hợp công tác phát triển thể dục thể thao ở các trường học hàng năm. Cụ thể như đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên thể dục thể thao, kiến thức về những môn thể thao học sinh ưa thích như bóng đá, điền kinh, đá cầu, các môn võ.

Phối hợp tổ chức các giải truyền thống thể thao cho học sinh từ cấp trường đến toàn tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây