Nghiên cứu cơ cấu bệnh tật tỉnh Hải Dương

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU CƠ CẤU BỆNH TẬT TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG GIAI ĐOẠN 1998-2000  

Chủ nhiệm đề tài: BS. Bùi Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: 12 trung tâm y tế trong toàn tỉnh.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 06/2000 đến tháng 02/2001.

Đề tài được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

1. Nghiên cứu cơ cấu bệnh tật của người bệnh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 12 Trung tâm y tế trong toàn tỉnh giai đoạn 1998-2000.

2. Nhận xét sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật người bệnh theo giới, tuổi, mùa, nghề nghiệp và so sánh giữa các năm 1998-1999-2000.

3. Dự báo cơ cấu bệnh tật người bệnh tỉnh Hải Dương trong những năm tiếp theo.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Trong 3 năm (1998-2000), đề tài đã tiến hành nghiên cứu 11.080 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 12 trung tâm y tế huyện, thành phố. Trong đó, có 57.036 nữ, chiếm tỷ lệ 51,8% và 53.044 nam, chiếm 48,2%. Kết quả như sau:

1. Về cơ cấu bệnh tật.

1.1. Cơ cấu bệnh tật theo giới, tuổi, nghề nghiệp, mùa khí hậu ở một số bệnh mang tính đặc thù:

- Nữ giới thường mắc các bệnh khối u, nội tiết, tâm thần cao hơn nam giới.

- Nam giới thường mắc các bệnh hệ tuần hoàn, hô hấp, chấn thương cao hơn nữ giới.

- Trẻ dưới 5 tuổi gặp nhiều hơn trẻ ở các lứa tuổi khác trong các chương bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh vật, hô hấp.

- Người bệnh làm ruộng, ở vùng đồng bằng mắc nhiều hơn ở các chương bệnh nhiễm khuẩn, ký sinh vật so với các vùng khác.

- Các tháng mùa nóng trong năm (5, 6, 7) có số người mắc bệnh cao hơn các mùa khác ở các chương bệnh: nhiễm khuẩn, ký sinh vật, hô hấp, mắt.

1.2. Cơ cấu bệnh tật theo chương bệnh:

Các hệ cơ quan có tỷ lệ người mắc bệnh cao là: hô hấp 21,3%, tiêu hoá 11,9%, các bệnh nhiễm khuẩn 11,1%, tuần hoàn 7,4% v.v...

1.3. Một số bệnh thường gặp ở các chương bệnh như sau:

Các bệnh nhiễm khuẩn: đứng đầu là các nhiễm khuẩn đường ruột (41,5%), bệnh giun sán (21,1%). Các loại khối u thường gặp: u nang buồng trứng 36,7%, các u ác phế quản phổi 9,6%, u ác dạ dày 7,9%. Các bệnh thường gặp của hệ thần kinh: bệnh của rễ và đám rối thần kinh 58,9%, bệnh của hệ thần kinh trung ương 8,1%. Các bệnh tim mạch: tai biến mạch máu não, bệnh mạch não chiếm tỷ lệ cao nhất 38,1%, nhồi máu cơ tim 2,5%. Các bệnh hô hấp: viêm phổi 42,4%, hen phế quản 4,7%. Các bệnh tiêu hoá: bệnh của dạ dày, tá tràng, thực quản 37,6%, bệnh viêm ruột thừa 12,5%. Các bệnh cơ xương khớp: viêm đa khớp dạng thấp 41,6%, Gout và các bệnh khác của khớp 18,8%. Các bệnh của hệ tiết niệu: Sỏi tiết niệu 26,8%, viêm đường tiết niệu 26,3%. Các tai nạn chấn thương: tai nạn giao thông 21,7%, các tai nạn khác 24,4%, chấn thương sọ não 10,1%.

1.4. Mười bệnh có số lượng người điều trị đông nhất là: viêm phổi, viêm phế quản, bệnh đường hô hấp trên, tiêu chảy và các nhiễm khuẩn đường ruột, bệnh dạ dày, tá tràng, tai biến mạch máu não, bệnh gan mật, các tai nạn giao thông và các tai nạn khác, bệnh khác ở ruột.

2. Sự thay đổi cơ cấu bệnh tật trong 3 năm 1998-1999-2000.

2.1. Một số bệnh có xu hướng tăng, như: Thương hàn, lao, viêm gan virus, khối u phế quản, phổi, bệnh của hệ thần kinh trung ương, thiểu năng tuần hoàn não, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh của dạ dày, tá tràng, bệnh phúc mạc, viêm tuỵ, Gout và các bệnh khác của khớp, sỏi tiết niệu, chấn thương sọ não.

2.2. Một số bệnh có xu hướng giảm, như: Nhiễm khuẩn ruột, viêm não, viêm phổi, bỏng, ngộ độc thuốc và sinh phẩm.

3. Kết quả điều trị.

Tỷ lệ khỏi đạt 65 - 68,4%, chuyển tuyến 1,8 - 2,7%, tử vong trước 24 giờ 68 - 71%.

10 bệnh có số lượng người bệnh tử vong cao nhất là: tai nạn giao thông, viêm phổi, suy tim, tai biến mạch máu não, ngộ độc thuốc, xuất huyết não, tâm phế mãn, các tai nạn khác, hen phế quản, nhồi máu cơ tim.

4. Dự báo cơ cấu bệnh tật năm 2005.

10 bệnh có tần suất gặp nhiều nhất là: bệnh của hệ tiêu hoá, bệnh nhiễm khuẩn, ký sinh vật, bệnh của hệ tuần hoàn và các tai nạn chấn thương.

Những bệnh đặc thù của từng chương bệnh cũng có sự thay đổi về vị trí xếp hạng trong chương. Đặc biệt, các bệnh viêm gan, bệnh hệ thần kinh trung ương, khối u, sỏi tiết niệu, chấn thương, nhiễm virus sẽ tăng vọt.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nghiên cứu làm cơ sở cho ngành y tế và các cấp, ngành có liên quan quan tâm đến y tế dự phòng, xây dựng cơ sở vật chất khám và điều trị, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây