Thực trạng công tác truyền máu

ĐỀ TÀI KHẢO SÁT THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TRUYỀN MÁU VÀ ĐỀ XUẤT NHỮNG LUẬN CỨ KHOA HỌC CHO VIỆC THÀNH LẬP MỘT MÔ HÌNH TỔ CHỨC CUNG ỨNG MÁU TẠI TỈNH HẢI DƯƠNG  

Chủ nhiệm đề tài: BSCKI. Đoàn Văn Hoan, Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: 6/2000 - 12/2000.

Đề tài được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

1. Xác định thực trạng của công tác truyền máu trên toàn tỉnh, rút ra kết luận về những mặt được và chưa được của công tác tổ chức, hoạt động hiện nay;

2. Đề xuất một số phương án tổ chức mô hình cung ứng máu và lựa chọn mô hình thích hợp nhất, có khả năng đảm bảo an toàn truyền máu trên phạm vi toàn tỉnh.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Kết quả khảo sát tại 12 cơ sở tuyến huyện và Bệnh viện lao và các bệnh phổi về công tác truyền máu.

1.1. Về cơ sở vật chất.

- Số cơ sở được xây dựng trên 5 năm chiếm 63,6%, chất lượng còn tốt chiếm 57,6%. Ở các Trung tâm y tế (TTYT) các huyện: Chí Linh, Kinh Môn và TP. Hải Dương có phòng xét nghiệm khá hơn các huyện còn lại.

- Các thiết bị kỹ thuật: Chỉ có các thiết bị thông thường, không có thiết bị kỹ thuật chuyên sâu. Chất lượng tốt chiếm 53,2%.

- Mới có 3 TTYT được trang bị Labo sàng lọc HIV (Serodia) đồng bộ là Chí Linh, Kinh Môn và Kim Thành. Các trung tâm khác chưa có hoặc chưa đồng bộ.

1.2. Về đội ngũ cán bộ.

- Số bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm còn ít (5,8%), còn lại chủ yếu là kỹ thuật viên (KTV) trung cấp. Nhiều TTYT thiếu cán bộ xét nghiệm như: Bình Giang, Cẩm Giàng, Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện (chỉ có 2 - 3 KTV vừa đi tuyến xã, vừa làm tại bệnh viện), làm chung cả 3 chuyên ngành: Huyết học - Hoá sinh - Vi sinh.

- Có 66% số cán bộ đã ra trường trên 10 năm, ít được tập huấn và tiếp cận thông tin mới, trình độ chuyên môn rất hạn chế.

- TTYT Chí Linh và Bệnh viện lao và các bệnh phổi có đủ số lượng cán bộ, cơ cấu tương đối hợp lý (có cả bác sỹ và KTV), được quan tâm gửi đào tạo tập huấn ở tuyến Trung ương, trình độ chuyên môn tốt hơn.

1.3. Về hoạt động truyền máu.

- Nguồn máu khai thác ở tuyến huyện: Số lượng người cho máu ngày càng lớn. Số người cho máu chuyên nghiệp (nhóm nguy cơ cao) giảm dần. Nhóm ít nguy cơ (người nhà, máu hoàn hồi) và Bệnh viện tỉnh cấp tăng dần: từ 23% năm 1996 lên 99,35% năm 1999.

- Lượng máu do tuyến huyện khai thác: Lượng máu sử dụng (tính theo đơn vị máu) tăng dần: trung bình tăng 134 đơn vị/1 năm. Số đơn vị máu lấy từ nhóm nguy cơ cao giảm mạnh từ 75% năm 1996 xuống còn 0,65% năm 1999. Số đơn vị máu từ nhóm ít nguy cơ và Bệnh viện tỉnh cấp tăng nhanh: từ 25% năm 1996 lên 99,3% năm 1999. Lượng máu do các TTYT khai thác tại chỗ giảm mạnh: từ 80% năm 1996 xuống còn 23,6% năm 1999 (giảm trung bình 18,78%/ năm). Trong khi đó tổng lượng máu sử dụng lại tăng dần: từ 400 đơn vị máu năm 1996 lên 803 đơn vị máu năm 1999 (tăng trung bình 27,6%/ năm). 100% số máu sử dụng tại các TTYT là dùng máu toàn phần, khả năng tự đáp ứng về số lượng và hiệu quả sử dụng máu thấp.

- Tình hình sàng lọc 5 bệnh nhiễm trùng lây theo đường truyền máu: Tỷ lệ máu khai thác tại chỗ được sàng lọc tuy có tăng, song vẫn còn một lượng máu bị bỏ qua sàng lọc rất đáng kể như: HIV bị bỏ qua sàng lọc từ 92%, năm 1996-1999 còn 12%. HBV bị bỏ qua sàng lọc 100% năm 1997-1998, đến 1999 còn 12%. HCV bị bỏ qua sàng lọc 100% nằm trong cả 4 năm (1996-1999). Giang mai bị bỏ qua sàng lọc 100% năm 1996-1997, còn 33% năm 1998 và 12% năm 1999. Lượng máu khai thác tại chỗ của các TTYT không đảm bảo an toàn.

2. Kết quả khảo sát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

2.1. Về cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật.

- 100% số phòng làm việc và bàn kỹ thuật được đầu tư nâng cấp, quy hoạch hiện đại theo mẫu thiết kế của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Chất lượng thiết bị tốt, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật trong nhiều năm tới.

- Cả 15 hạng mục thiết bị kỹ thuật chuyên dụng được trang bị mới trong vòng 4 năm (1996-1999) theo chương trình nâng cấp ngành Huyết học - Truyền máu phòng chống HIV/AIDS. Chất lượng thiết bị tốt, đủ khả năng kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ cơ bản của công tác an toàn truyền máu (riêng 4 tủ trữ máu chuyên dùng có thể bảo quản được cùng lúc 200 đơn vị máu và chế phẩm).

2.2. Về đội ngũ cán bộ chuyên ngành Huyết học - Truyền máu.

Số cán bộ hiện tại đủ theo biên chế, cơ cấu phù hợp (đại học chiếm 14%) được đào tạo cơ bản theo chuyên ngành tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Trường Trung học Kỹ thuật Y tế Trung ương I, làm đúng chuyên ngành, khả năng hoạt động và trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công tác an toàn truyền máu. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương được chọn là điểm chỉ đạo của ngành Huyết học - Truyền máu Việt Nam.

2.3. Về hoạt động truyền máu.

- Nguồn máu (số lượt người cho) khai thác được có xu hướng tăng dần: từ 1.885 lượt năm 1996 lên 2.215 lượt năm 1999.

- Cơ cấu nguồn máu: Nguồn máu ít nguy cơ tăng dần: từ 569 lượt người năm 1996 lên 656 lượt người năm 1999. Đặc biệt nguồn máu tự thân tăng gấp 9 lần.

- Lượng máu (theo số đơn vị) từ nguồn máu có nguy cơ cao giảm dần: từ 78% năm 1996 xuống 63,7% năm 1999. Lượng máu từ nguồn ít nguy cơ tăng dần: từ 22% năm 1996 lên 36,2% năm 1999. Đặc biệt lượng máu tự thân tăng gấp 6 lần trong vòng 4 năm.

- 100% số đơn vị máu khai thác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh được sàng lọc đủ 5 loại bệnh lây truyền qua đường máu theo đúng quy định của "Điều lệnh truyền máu". Lượng máu đã được sàng lọc an toàn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cung cấp cho các TTYT ngày càng tăng (tăng trung bình 18,61%/năm, từ 80 đơn vị năm 1996 lên 613 đơn vị năm 1999). Lượng máu đã được sàng lọc an toàn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cung cấp cho các TTYT ngoài tỉnh tăng dần (tăng trung bình 37,8%/năm).

- Việc sử dụng chế phẩm máu (tính theo đơn vị) còn thấp, 8,02% năm 1999. Số bệnh nhân được sử dụng chế phẩm máu đã tăng gấp 8 lần (từ 7 bệnh nhân năm 1996 lên 58 bệnh nhân năm 1999). Hiện tại, khi có yêu cầu điều trị bằng chế phẩm mới tách để phục vụ, các TTYT chưa nơi nào tách và sử dụng được chế phẩm máu.

3. Đánh giá và kết luận về thực trạng công tác an toàn truyền máu của tỉnh Hải Dương giai đoạn 1996-1999.

Đối với hệ thống TTYT cấp huyện: Máu không đảm bảo an toàn vì lượng máu không được sàng lọc còn lớn, chưa sử dụng được chế phẩm máu, không có khả năng cung ứng đủ máu theo nhu cầu điều trị.

Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Đảm bảo được an toàn truyền máu, 100% lượng máu sử dụng được sàng lọc đủ 5 loại bệnh nhiễm trùng, các kỹ thuật cơ bản về miễn dịch được thực hiện đầy đủ theo "Điều lệnh truyền máu", đáp ứng nhu cầu truyền máu và chế phẩm máu cho toàn tỉnh, từng bước nâng cao hiệu quả truyền máu về mặt điều trị và kinh tế.

4. Đề xuất các giải pháp.

- Kiện toàn các mô hình truyền máu hiện tại ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tổ chức lại mô hình truyền máu ở các TTYT cấp huyện. Trong đó, Khoa Huyết học-Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh là hạt nhân trong mô hình cung cấp máu, tiến tới thành lập ngân hàng máu an toàn.

- Ngành y tế chỉ đạo, giúp đỡ theo ngành dọc cho các TTYT về chuyên môn kỹ thuật huyết học - truyền máu. Cung ứng đủ máu và chế phẩm máu an toàn theo nhu cầu điều trị và cấp cứu người bệnh của các TTYT.

- Tuân thủ các quy trình kỹ thuật về huyết học và truyền máu theo đúng quy định và hướng dẫn của Ngân hàng máu. Thường xuyên liên hệ với Ngân hàng máu để tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn và kỹ thuật. Định kỳ nộp báo cáo kết quả hoạt động về Ngân hàng máu.

- Phương thức giao nhận máu:

Cơ sở có nhu cầu sử dụng máu phải có sổ lĩnh máu, đến liên hệ tại Ngân hàng máu để được giải quyết. Khi giao nhận máu phải đăng ký vào sổ, thanh toán theo quy định và ký nhận đầy đủ.

- Phương thức thanh toán:

Đối với việc cung cấp máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với máu toàn phần, thu đúng, thu đủ tiền 1 đơn vị máu theo quy định của Nhà nước. Với các chế phẩm máu thu đủ phần tiền cơ bản của 1 đơn vị chế phẩm, thu thêm tiền hao phí vật tư phát sinh trong quá trình sản xuất chế phẩm, thu thêm 5% giá cơ bản cho công sản xuất chế phẩm. Từng bước đề nghị Nhà nước điều chỉnh giá cơ bản 1 đơn vị máu cho phù hợp, tránh phải bù lỗ do giá các sinh phẩm, vật tư hiện nay đã tăng quá xa so với giá mà Nhà nước ấn định từ năm 1995.

+ Đối với việc cung ứng máu cho các TTYT: Ngoài số tiền thu theo quy định như với việc cấp máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khi cung cấp cho các TTYT và các cơ sở khác còn phải thu thêm: Khoản phụ thu bằng 15% giá cơ bản của 1 đơn vị máu cho việc trả chi phí vận chuyển. Nếu các cơ sở khác tới lấy máu tại Ngân hàng máu, thì không phải nộp khoản phụ thu vận chuyển (15%) nhưng sẽ nộp thêm 5% giá cơ bản cho việc vận động, thu gom, đảm bảo chất lượng cho 1 đơn vị máu và chế phẩm.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả đề tài đã được áp dụng cho việc truyền máu an toàn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và một số bệnh viện tuyến tỉnh như: Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện lao và bệnh phổi v.v... Tuy vậy, nhiều kiến nghị chưa được áp dụng trong thực tiễn.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây