Giống lúa mới cực ngắn ngày P6 đột biến (P6ĐB)

Giống lúa P6ĐB được gieo cấy tại xã Quang Minh, huyện Gia Lộc. Ảnh Hồng Anh       Trong sản xuất hiện nay đang cần những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn hơn   nhưng cho năng suất cao, chống chịu hoặc né tránh sâu bệnh, thiên tai, thích ứng  rộng với nhiều vùng sản xuất để phục vụ yêu cầu thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu cây trồng nói riêng.
Giống lúa mới cực ngắn ngày P6 đột biến (P6ĐB)
Trước nhu cầu đó Tiến sỹ Hà Văn Nhân – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) cùng các đồng nghiệp đã ứng dụng phương pháp gây đột biến nhằm cải tạo giống lúa P6 từ trung ngày thành giống lúa cực ngắn ngày.
P6 là giống lúa chất lượng cao đã được phát triển rộng ngoài sản xuất nhưng nó vẫn còn nhiều nhược điểm như thời gian sinh trưởng hơi dài khoảng 120 ngày trong vụ mùa, dễ nảy mầm trên bông, nhiễm nặng bệnh lem lép hạt và rất nhanh mất sức nảy mầm.
Trong điều kiện thí nghiệm tại đồng ruộng, giống lúa P6ĐB chống chịu bệnh bạc lá, khô vằn khá, nhiễm nhẹ đạo ôn. Đặc biệt P6ĐB có khả năng chịu nóng tốt, chịu rét tốt. Vụ xuân năm 2008 trong khi các giống khác hầu như chết rét thì giống lúa P6ĐB vẫn sinh trưởng tốt và phục hồi nhanh sau rét.
P6ĐB còn có khả năng chịu nóng rất tốt khi trỗ vào vụ hè thu ở miền Bắc nhiệt độ thường từ 35 đến 37oC nhưng tỷ lệ lép rất tháp, chỉ 8-12% còn ở đối chứng P6 tỷ lệ lép là 15 đến 17%.
Sau khi đánh giá 3 vụ trong thí nghiệm so sánh tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm giống lúa P6ĐB tiếp tục được khảo nghiệm tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. . . từ vụ mùa năm 2009 đến vụ mùa năm 2011.
Riêng tại Hải Dương, P6ĐB được khảo nghiệm rộng rãi tại một số xã của huyện Gia Lộc, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Miện . . . Tại các điểm này P6ĐB có thời gian sinh trưởng khoảng 80 ngày, ngắn hơn Khang dân 18 ít nhất 25 ngày, năng suất đạt 56,3 tạ/ha, số bông/m2 khá, tỷ lệ hạt lép thấp hơn nhiều so với Khang dân 18, trong lượng hạt đạt khoảng 27g/100 hạt; năng suất ngày là 70,3kg/ngày, cao hơn nhiều so với năng suất của Khang dân 18 là 52,7 kg/ngày.
Ở vụ mùa do giống lúa P6ĐB chín sớm nên hầu hết các loại sâu bệnh hại chính chưa kịp phát triển thì giống lúa P6ĐB đã được thu hoạch nên không bị nhiễm sâu bệnh hại.
Với những ưu điểm trên, diện tích cấy P6ĐB đã tăng nhanh trong thời gian qua trên địa bàn các tỉnh. Nếu như năm 2009 mới có 16 ha thì đến năm 2011 đã tăng lên 950 ha (chưa tính một số diện tích do dân tự để giống ước khoảng 600 ha). Tại một số tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình . . . . đã chủ động đưa giống lúa P6ĐB vào gieo cấy vụ hè thu để tránh lũ sớm và tỉnh Hải Dương cũng đã chính thức đưa giống lúa P6ĐB vào cơ cấu gieo trồng trên địa bàn tỉnh.
Do có những đặc điểm trên, P6ĐB phù hợp gieo trồng tại vụ xuân muộn và vụ mùa cực sớm trên những chân đất vàn, chịu thâm canh và những chân đất có cơ cấu trồng 3 - 4 vụ lúa + màu/năm và làm giống hè thu chạy lũ cho các tỉnh Bắc Trung bộ.
Giống lúa P6ĐB đã được Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống sản xuất thử theo quyết định số 216 QĐ – TT – CLT.
Ninh Hải

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây