Nuôi cá sấu – mô hình mới tại xã Lạc Long, Kinh Môn.

Nuôi cá sấu tại thôn Kim Đậu, xã Lạc Long, Kinh Môn. Ảnh: Hoà Thuận Những năm gần đây, trong chăn nuôi có sự chuyển biến lớn, bên cạnh các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cho thu nhập cao, nhiều hộ gia đình đã tìm hướng đi mới bằng việc nuôi con đặc sản như: ba ba, nhím, lợn rừng, đà điểu... Tuy vậy, gia đình anh Nguyễn Đức Hoàn, thôn Kim Đậu, xã Lạc Long, huyện Kinh Môn lại lựa chọn cách làm giàu là nuôi cá sấu.
Nuôi cá sấu – mô hình mới tại xã Lạc Long, Kinh Môn.
Anh Hoàn chia sẻ: nuôi cá sấu khỏe, ít bệnh tật, thị trường lớn và ít gặp rủi ro như nuôi các loài thủy sản khác như cá, tôm, lợn ...do thời tiết và giá cả thị trường bấp bênh. Để nuôi cá sấu đạt hiệu quả, anh đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi như: Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình...Qua tham quan, học hỏi lại được bạn bè giới thiệu mô hình nuôi cá sấu hiệu quả tại Đồng Tháp, anh đã mạnh dạn đầu tư vốn mua giống và xây dựng chuồng trại nuôi cá. Tháng 2 năm 2011, anh mua 640 con cá sấu giống từ công ty Hoa Cà (Đồng Tháp),  mỗi con khoảng 10-12 kg/con, với giá mua 230 nghìn/kg, tổng số mua con giống hơn 1,5 tỷ.
Chuồng nuôi cá chia thành 4 ô, mỗi ô có diện tích 400 m2 , mỗi ô nuôi khoảng 160 con, bờ bao kiên cố bằng gạch lát xi măng và căng lưới thép cao 2,2 m xung quanh để bảo vệ. Trong chuồng nuôi có bể tắm và sân phơi nắng cho cá được láng xi măng sạch sẽ, xung quanh chuồng nuôi trồng cây tạo bóng mát cho cá. Anh nhận thấy đây là mô hình mới và phù hợp, nuôi cá sấu không vất vả, cá sấu vừa sống trên cạn, vừa sống dưới nước, thức ăn dễ kiếm, cá sấu ít dịch bệnh, thích nghi với nhiệt độ từ 20-35 độ C, nhiệt độ 25 độ C là thích hợp hơn cả. Cá sấu ăn các loại như: cá mè, cá rô phi, cá trôi, lòng lợn, lòng bò, lòng trâu... Mỗi ngày thay nước một lần đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ.
Anh Hoàn cho biết: khi cho cá ăn phải lưu ý không dùng thức ăn ôi thiu, mốc, cứ 2 ngày cho cá ăn 1 lần, tùy thuộc vào độ tuổi của cá mà cho lượng thức ăn phù hợp. Cá sấu có thị trường tiềm năng, thịt cá sấu được chế biến thành món ăn đặc sản, da cá sấu là nguyên liệu cho ngành công nghiêp chế tạo túi sách, ví, giày dép da...là sản phẩm da cao cấp, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt,ngày 1 tháng 9 vừa qua, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh đã cấp giấy phép, góp phần tạo điều kiện cho mô hình chăn nuôi cá sấu của gia đình anh phát triển đúng hướng.
Chị Nguyễn Thị Mơ, vợ anh Hoàn tâm sự Từ khi nuôi đến nay, cá sấu chưa bị bệnh, bỏ ăn, nuôi cá sấu đơn giản, 1 người lao động có thể nuôi được từ 500-1000 con cá. Hiện nay, mỗi con cá sấu có trọng lượng từ 20-30 kg/con, chiều dài  1,5-2m, với giá bán thấp nhất 170 nghìn/kg, cao nhất 280 nghìn/kg, anh chị dự tính với 640 con cá sấu cho thu tới hơn 3 tỷ, lãi cao gấp nhiều lần so với các con thủy sản và vật nuôi khác. Do từ tháng 11 đến tháng 2 nhiệt độ thấp, cá sấu phát triển chậm, chịu lạnh kém. Vì vậy, đến tháng 11 anh chị bán cá sấu ra ngoài thị trường. Cá sấu có thị trường rất rộng lớn, công ty Hoa Cà (Đồng Tháp) đã đặt mua sản phẩm ngay từ khi gia đình anh chi đặt mua giống.
Nhận thấy mô hình nuôi cá sấu rất khả quan, trong thời gian tới, gia đình anh chị tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại ở vùng đất bãi chuyển đổi, thuận lợi cho việc cung cấp nước cho cá sấu và tăng thêm số lượng đàn cá sấu. Đây là mô hình còn khá mới mẻ tại huyện Kinh Môn, mô hình nuôi cá sấu thành công mở ra triển vọng mới cho ngành chăn nuôi địa phương.
Hoà Thuận



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây