Nông dân xã Thăng Long với cây hành vụ đông.

Nông dân xã Thăng Long thu hoạch hành vụ đông 2010. Ảnh: Hải Ninh Thăng Long là địa phương có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng phù hợp cho việc thâm canh cây hành và đây là cây trồng truyền thống gắn bó nhiều năm với người nông dân trong sản xuất vụ đông. Họ xem đây là loại cây trồng chủ lực cho năng suất và mang lại giá trị kinh tế cao.
Nông dân xã Thăng Long với cây hành vụ đông.
Ông Nguyễn Xuân Hòe, Phó chủ tịch xã cho biết: Hiện nay, xã có hơn 7000 nhân khẩu với 1800 hộ dân, tổng diện tích đất tự nhiên 667 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 327,78 ha còn lại là diện tích nuôi trồng thủy sản. Thu nhập của bà con nông dân trong xã chủ yếu từ nông nghiệp với việc trồng lúa và cây vụ đông. Cây hành là cây trồng chủ lực của nông dân xã Thăng Long từ bao đời nay, diện tích trồng cây vụ đông có 217 ha thì cây hành chiếm tới 200 ha. Hành củ vụ đông nằm trong công thức luân canh với lúa, giá trị sản xuất hành của xã tương ứng với diện tích gieo trồng là 18 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, bà con nông dân trong xã đã kết hợp với kinh nghiệm và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất hành ngày càng cao. Hành ở xã Thăng Long thường có màu trắng, thân màu xanh nhạt, cao 25-30cm, dọc bé, mảnh, khả năng đẻ nhánh từ 10-12 củ/khóm, trong đó có 7-8 củ to. Hành ít sâu bệnh, công chăm sóc không đáng kể. Bà con nông dân bắt đầu trồng hành từ tháng 10 và thu hoạch vào tháng 1. Cây hành phù hợp với đất cát pha hoặc đất thịt nhẹ, đất tơi xốp và thoát nước, đất được cung cấp nhiều phân hữu cơ thì tơi xốp, thoáng khí là điều kiện tốt. Bình quân 1 sào hành củ cho thu 4-5 triệu đồng, trung bình thu hoạch hành của vụ đông hàng năm tại xã trên dưới 100 triệu đồng/ha. Hiện trong xã có 5 thôn (thôn Bến Thôn, Hậu Xá, Hà Tràng, Trung Hòa, Tống Long) đều trồng hành, hộ trồng nhiều nhất gần một mẫu, hộ trồng ít nhất cũng 3 sào, nhiều hộ dân kinh tế khá lên nhờ loại cây trồng này. Để trồng hành hiệu quả cao đòi hỏi người trồng phải nắm chắc kỹ thuật trong trồng, chăm sóc và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Nhận thấy, xã Thăng Long là địa phương có truyền thống trồng hành củ mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, nông dân xã Thăng Long có đức tính cần cù, chịu khó học hỏi khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Năm 2010, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Hệ thống Nông nghiệp thuộc Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm thực hiện đề tài "Nghiên cứu tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ hành hàng hóa chất lượng cao theo hướng VietGAP tại Hải Dương", lựa chọn 4,75ha mô hình với 52 hộ nông dân tại xã Thăng Long tham gia. Ban Chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức triển khai nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân xã viên học tập, áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc hành. Đề tài đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ hành theo hướng VietGAP vào tháng 8/2010 tại xã Thăng Long, tổ hợp tác gồm ban lãnh đạo tổ (1 tổ trưởng, 1 tổ phó), 2 giám sát viên và các tổ viên.
Sau khi được tập huấn, bà con nông dân Thăng Long nhận thấy việc chăm sóc cây hành theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống đến khâu thu hoạch là rất quan trọng. Bà con đã vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng, thu gom tất cả bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vào nơi quy định; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép. Hiểu được phương pháp phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách và đúng lúc). Bà con nông dân trong mô hình đã nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc cây hành từ đặc tính của hành củ đến kỹ thuật làm đất, chọn giống, bón phân với lượng thích hợp, chăm sóc, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng các thuốc phòng trừ sâu bệnh không quá nồng độ cho phép, thu hoạch và cách bảo quản hành thương phẩm không sử dụng thuốc muỗi (Viện Bảo vệ thực vật kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tìm ra phương pháp bảo quản bằng thuốc Balacide và Kocide) an toàn hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời tập huấn, thực hiện sản xuất theo VietGAP.
Bà Bùi Thị Bông, thôn Tống Long cho biết: vụ đông vừa qua, gia đình bà trồng 4 sào hành, nằm trong mô hình đề tài ViêtGAP, nhờ được hướng dẫn, tập huấn quy trình trồng hành theo ViêtGAP mà gia đình bà đã nắm vững hơn về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vì vậy 4 sào hành của gia đình bà đạt năng suất cao, trung bình mỗi sào hành đạt 5,5 tạ/ha, với giá bán 15.000kg, gia đình thu được hơn 8 triệu đồng/sào, 4 sào đạt 32 triệu.
Ông Nguyễn Đức Cường, trưởng thôn Tống Long cho biết: từ kết quả vụ đông năm 2010, vụ đông năm nay, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Hệ thống Nông nghiệp tiếp tục triển khai tại xã 4,75 ha mô hình trồng hành theo ViêtGAP, nhiều hộ nông dân trong xã mong muốn được tập huấn quy trình, kỹ thuật chăm sóc hành đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ hành rất rộng lớn, đến vụ thu hoạch, các lái thương nhiều nơi từ Thái Bình, Nam Định, Hà Nội...về mua. Hiện nay, tại xã Thăng Long có đại lý thu mua hành tỏi cho bà con nông dân trong xã và các xã lần cận của huyện Kinh Môn.
Để cây hành mang lại giá trị kinh tế cao hơn nữa, nâng cao hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích, khai thác lợi thế, tiềm năng tự nhiên vốn có của địa phương. Đảng ủy, UBND và bà con nông dân xã Thăng Long mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của ngành nông nghiệp tỉnh, huyện trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình chăm sóc và bảo quản hành đảm bảo đúng kỹ thuật cho năng suất và chất lượng cao.
 Hiện nay, trên cánh đồng lúa của nông dân xã Thăng Long đang bước vào vào vụ gặt, bà con đã chuẩn bị hành củ giống để trồng cho vụ đông năm nay, theo kế hoạch bà con nông dân tiếp tục sản xuất với diện tích trồng hành ổn định là 200 ha.
                                                                                                         Hòa Thuận

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây