Trước kia gia đình ông cấy 1 mẫu lúa với 2 vụ, cho thu nhập thấp, bấp bênh vì ruộng tập trung ở bãi trũng, quanh năm ngập úng. Năm 2003, khi có chính sách dồn ô đổi thửa tại xã, gia đình ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa cho năng suất thấp sang xây dựng mô hình kinh tế trang trại nuôi lợn kết hợp với thả cá.
Để chăn nuôi có hiệu quả và rút kinh nghiệm qua nhiều năm chăn nuôi và tìm tòi, học hỏi, tham quan các mô hình chăn nuôi tổng hợp ở nhiều nơi ở trong huyện và các huyện lân cận. Năm 2005, gia đình ông bắt đầu xây chuồng nuôi lợn, lúc đầu do vốn còn ít, ông chỉ nuôi thử nghiệm 40 con lợn, với 6 chuồng nuôi và cải tạo ao thả cá.
Hiện nay, gia đình ông nuôi gần 100 con lợn thương phẩm, mỗi năm bán 3 lứa lợn, trung bình giá bán 55 nghìn/kg, nuôi 2-3 tháng được bán 1 lứa, mỗi con có trọng lượng từ 70-80kg/con. Theo ông tính, mỗi lứa bán khoáng 70-80 con, trừ chi phí thức ăn, giống, ông thu lãi hơn 80 triệu/lứa. Tính chung cả năm khoảng 250 triệu. Không chỉ nuôi lợn thương phẩm, gia đình ông nuôi 7 con lợn nái, với sức đẻ 2 lứa/năm, số lượng bình quân đạt 10-12 con giống/lứa, cho khoảng 140 con lợn giống để quay vòng, chủ động về con giống, giảm bớt chi phí tiền mua giống lợn thương phẩm. Khi lợn con đủ 1 tuổi sau khi sinh, cần tách đàn đưa riêng vào ô chuồng dành chăm sóc 1,5 tháng sau bắt đầu nuôi lợn thương phẩm và đạt mức trọng lượng 70-80kg/con thì được bán.
Ông Nguyễn Hữu Chiến chia sẻ: Để nuôi lợn đạt hiệu quả kinh tế cao, tránh dịch bệnh, gia đình ông đầu tư xây dựng 20 chuồng nuôi lợn, xây tường gạch xung quanh, mỗi chuồng xây cao 3,5 m, diện tích chuồng nuôi là 12m2, mái lợp bằng tôn kiên cố, thông thoáng về mùa hè và ấm áp về mùa đông, hai dãy khu chuồng nuôi được chia thành các ô dành cho từng giai đoạn của lợn để tiện theo dõi chăm sóc nuôi dưỡng được đảm bảo. Thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp kết hợp với trộn các dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết được phép sử dụng đảm bảo điều kiện tốt nhất cho lợn phát triển. Cách bố trí chuồng trại phù hợp với điều kiện diện tích của gia đình, chuồng lợi được xây làm 2 dãy tách biệt nhau, ở giữa xây ao thả cá.
Đặc biệt, trong quá trình nuôi lợn, gia đình ông luôn tuân thủ các qui trình kỹ thuật như: Chọn con giống tốt, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh như: dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hàng ngày. Khi xuất bán lứa lợn, ông dùng vôi bột rắc chuồng nuôi hoặc dùng chế phẩm sinh học để xử lý chuồng trại sạch sẽ, sau thời gian từ 10-15 ngày mới bắt đầu lứa nuôi tiếp theo tránh dịch bệnh. Do có kinh nghiệm chăn nuôi lợn và thực hiện tốt các khâu, quy trình chăn nuôi đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nên đàn lợn gia đình ông ít dịch bệnh, chóng lớn, cho thu nhập kinh tế cao.
Trong quá trình nuôi, ông thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại, giảm dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường, chất thải chăn nuôi được xử lý trước khi tận dụng làm thức ăn nuôi cá và bón cho cây xanh, chất thải của lợn được đưa xuống bể trộn với vôi bột để một thời gian phân hủy làm phân oai mục chủ yếu để bón cho cây xanh, một phần cho cá ăn. Ao nuôi cá có diện tích là 2.700m 2, tận dụng các tầng mặt nước thức ăn, gia đình ông thả nuôi các loại cá truyền thống như cá trôi, mè, chép, trắm...đây là những giống cá tương đối dễ nuôi, phù hợp với khí hậu miền Bắc, ít dịch bệnh, không kén thức ăn, mà thị trường tiêu thụ rộng. Hàng năm, cho thu hoạch hơn 3 tấn cá/năm, với giá bán trung bình là 25 nghìn đồng/kg, mỗi năm thu được gần 80 triệu đồng, trừ chi phí lãi 40 triệu đồng. Để nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao, phải vệ sinh ao sạch sẽ trước khi thả cá, nguồn nước phải đảm bảo đủ lượng ôxy, cần phải chọn giống cá tốt, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Khi thu hoạch cá xong cần dọn sạch ao nuôi cá, tháo cạn nước, rắc vôi bột xung quanh, để từ 10-15 ngày bắt đầu lứa cá tiếp theo. Từ mô hình nuôi lợn kết hợp với thả cá, mỗi năm gia đình ông Chiến thu lãi tới gần 300 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với vùng nông thôn.
Qua mô hình chăn nuôi tổng hợp tại hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Chiến đã cho thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất ở vùng nông thôn, vừa tận dụng được diện tích sẵn có của nông hộ, nguồn thức ăn dư thừa, sử dụng có hiệu quả nguồn lao động nông nhàn ở địa phương mà còn giải quyết triệt để lượng chất thải lớn từ chăn nuôi lợn để nuôi cá, mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân và không gây ô nhiễm môi trường.
Hòa Thuận