Chiều ngày 16/12/2009, tại xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương và Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Bắc đã giới thiệu mô hình nuôi thử nghiệm cá Lăng chấm thương phẩm quy mô hộ gia đình ở một số hộ nuôi thuỷ sản trên địa bàn xã Phương Hưng và xã Đoàn Thượng huyện Gia Lộc.
Cá Lăng chấm là loài cá hoang dã có giá trị kinh tế cao của hệ thống sông Hồng. Thịt cá lăng chấm mềm, ít xương dăm, giá bán cao, được coi là loại cá đặc sản nước ngọt hàng đầu của miền Bắc. Cá Lăng là một trong 4 loài cá đặc sản có kích thước lớn trên sông Tây (Tây Giang) và có ở sông Bắc Giang, là các nhánh thượng lưu của sông Chu (Chu Giang) thuộc tỉnh quảng Đông. Người Quảng Đông thường gọi là cá Lăng Tây Giang hay Cá Lăng râu trắng. Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I đã thành công trong việc sinh sản nhân tạo cá Lăng chấm, chủ động sản xuất giống. Cá Lăng chấm đã được đưa vào thử nghiệm nuôi thương phẩm cả trong điều kiện nước chảy và nước tĩnh, cả ở hình thức nuôi lồng bè lẫn trong điều kiện nuôi ao. Đến nay đã cho thấy cá tăng trưởng tốt trong điều kiện nuôi ao. Dùng thức ăn công nghiệp kết hợp thức ăn tươi là cá tạp để nuôi cá cho kết quả tốt, có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Công nghệ nuôi thương phẩm cá Lăng chấm đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều cơ sở nuôi cá ở Việt Nam.
Trong thời gian chăn nuôi, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học thường xuyên kiểm tra hướng dẫn các hộ nuôi, chăm sóc, theo dõi theo hướng dẫn kỹ thuật và theo dõi một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của cá. Theo dõi các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả kinh tế như: các yếu tố môi trường, nhiệt độ, độ PH, ôxy hoà tan ... bằng máy đo nhiệt độ, máy phân tích và đo ôxy, chất chỉ thị màu. 3 tháng 1 lần bằng cách kéo lưới và cân đo theo tỷ lệ cá trong ao (30 con/ 01ao) bằng cân đồng hồ và thước đo chiều dài. Thức ăn tốt nhất cho cá Lăng chấm nuôi thương phẩm là phối trộn 30% thức ăn tươi và 70% thức ăn công nghiệp độ đạm cao. Tỷ lệ cho ăn cần điều chỉnh tuỳ theo trọng lượng và thời tiết mùa vụ: mùa hè cần cho ăn với tỷ lệ cho ăn cao hơn và cần có biện pháp tránh nắng cho cá và có máy quạt nước để điều chỉnh lượng ôxy trong nước. Các điều kiện môi trường trong ao thường xuyên được kiểm tra theo dõi để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Qua đó có thể thấy cá Lăng chấm có thể nuôi thuần hoá trong ao đất và trong bể lọc sinh học và có khả năng sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện tại Hải Dương. Cá Lăng chấm phát triển tốt trong điều kiện môi trường ao đất và trong bể lọc sinh học có nguồn nước sạch dồi dào và thả với mật độ 02 con/m2 . Tuy nhiên cần chăm sóc và thường xuyên theo dõi để điều chỉnh hệ số thức ăn và chế độ cho ăn và phòng tránh bệnh cho cá.
Phạm Ninh Hải
Sở Khoa học và Công Nghệ Hải Dương