Trong mối quan hệ giữa đất-phân bón, kali đóng một vai trò quan trọng trong sự sinh trưởng và phát triển của cây. Thiếu kali sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cây, làm suy yếu hoạt động của hàng loạt các men, giảm quá trình trao đổi các hợp chất carbon và protein, đồng thời tăng chi phí đường cho quá trình hô hấp.
Về hình thái, các lá trưởng thành sẽ vàng sớm bắt đầu từ bìa lá, sau đó bìa lá khô, đầu lá có đốm vàng hoặc bạc, có triệu chứng rách bìa lá dẫn đến giảm hiệu suất quang hợp. Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng suất và chất lượng nông sản bị sụt giảm.
Nghiên cứu về vai trò của kali đối với cây trồng thể hiện rất khác nhau tùy theo từng loại đất. Hiệu lực cao nhất thường thấy trên đất xám bạc màu và trên đất cát biển. Đối với một số loại cây lấy hạt như ngô, hiệu lực của kali khá cao, năng suất tăng từ 23-36 % và hiệu lực của kali trung bình đạt từ 15-20 kg hạt/1 kg K2O.
Như vậy, đối với cây trồng, kali đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhưng hiện nay, phần lớn kali chỉ được sử dụng ở các tỉnh đồng bằng và các vùng thâm canh cao. Trong khi đó vùng đất cát ven biển Duyên hải Miền Trung, các tỉnh miền núi kali ít được chú trọng dẫn đến năng suất và chất lượng nông sản thấp. Ở các vùng này bà con nông dân nên chú ý hơn đến việc bón phân kali để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Ở nước ta, nhu cầu kali hàng năm cho sản xuất nông nghiệp khoảng 1 triệu tấn, trên thực tế lượng kali được sử dụng dao động từ 700.000 đến 800.000 tấn/năm. Riêng vụ hè thu năm 2009, nhu cầu sử dụng kali khoảng 300.000 tấn nhưng thực tế lượng kali tồn ở trong nước chỉ khoảng 100.000 tấn. Như vậy, nếu không nhập thêm về sẽ xảy ra tình trạng thiếu kali. Nhưng hiện nay do lượng kali trên thế giới có xu hướng giảm, giá kali trên thế giới ở mức cao hơn nhiều so với giá trong nước, nên các doanh nghiệp không dám nhập. Lợi dụng hiện tượng thiếu hụt này, một số đơn vị, cá nhân đã sản xuất và tung ra thị trường các loại phân bón kali giả, kém phẩm chất.
Theo một số doanh nghiệp nhập khẩu phân bón cho biết, đã có hiện tượng kali giả, phần lớn là cát nhuộm đỏ được đưa vào từ đường tiểu ngạch qua cửa khẩu Trung Quốc, thậm chí một số lượng hoá chất màu muối đỏ, chỉ có một hàm lượng kali rất nhỏ được nhập bằng container từ Ấn Độ về được sang bao cũng đề là “MOP” để bán ra thị trường. Bà con nông dân nên hết sức cảnh giác vì nếu sử dụng các loại phân kali giả, kém chất lượng không những lãng phí về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng nông sản. Để tránh mua phải các loại kali giả, kém chất lượng, nông dân nên tìm mua sản phẩm kali được nhập khẩu và phân phối bởi các doanh nghiệp có uy tín lâu năm trên thị trường.
theo báo Nông nghiệp Viêt Nam